Tầm quan trọng của giáo dục xã hội và nhân văn trong thời đại công nghệ

Vivek Wadhwa hiện đang là nhà nghiên cứu (Distinguished Fellow) của trường Luật Harvard và trường Kỹ thuật Carnegie Mellon’s. Ông đã thẳng thắn chia sẻ sự thay đổi về nhận thức của bản thân đối với tầm quan trọng của những môn giáo dục đại cương và khoa học nhân văn trong thời đại phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Khi mới bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy của bản thân, tôi thường khuyên sinh viên nên tập trung vào các ngành khoa học và kĩ thuật, bởi tôi tin rằng đó sẽ là nền tảng cho sự nghiệp thành công mai sau của chúng.

Bill Gates từng khẳng định rằng nền giáo dục nước Mĩ nên tập trung nguồn kinh phí eo hẹp của mình theo hướng đi này, thay vì dàn trải cho những môn đại cương và khoa học nhân văn. Tôi đã từng rất tán thành ý kiến này, bởi tôi tin rằng các môn khoa học kĩ thuật sẽ tạo được nhiều công ăn việc làm cho xã hội hơn.

Tuy nhiên quan niệm ấy dần dần bị lung lay, bởi sự thật lại không như tôi tưởng tượng. Năm 2008, nhóm nghiên cứu của tôi đã tiến hành khảo sát 625 Giám đốc Điều hành và Trưởng bộ phận sản xuất kĩ thuật người Mĩ của 502 công ty công nghệ. Tất cả họ đều có trình độ học vấn rất cao, với 92% có bằng cử nhân và 42% có bằng trên cử nhân.

Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là chỉ khoảng 37% trong số họ theo học chuyên ngành khoa học hoặc công nghệ máy tính, thậm chí chỉ 2% có bằng cấp trong lĩnh vực toán học. Chuyên ngành thời đi học của số còn lại rất đa dạng, từ kinh doanh, kế toán, chăm sóc sức khỏe, đến nghệ thuật và thậm chí là cả khoa học nhân văn.

Từ kết quả này chúng tôi rút ra được kết luận rằng bằng cấp đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp của những người này. Tuy nhiên chuyên ngành của họ lại chẳng có tác động gì quá nổi bật. Chẳng hạn như Susan Wojcicki - giám đốc điều hành của Youtube, thời đi học, chuyên ngành của cô là Lịch sử và Văn học. Hoặc như Jack Ma - ông chủ của đế chế bán hàng trực tuyến khổng lồ Alibaba - cũng có một bằng cử nhân về Tiếng Anh.

Steve Jobs đã từng khẳng định tầm quan trọng của các môn giáo dục đại cương và khoa học nhân văn trong buổi ra mắt iPad 2. Theo ông, đế chế Apple được xây dựng không phải dựa trên một mình công nghệ, mà đó là sự kết hợp giữa công nghệ với giáo dục đại cương và khoa học nhân văn.

Đó cũng là nguyên tắc giúp ông xây dựng nên công ty có giá trị lớn nhất thế giới này và đặt nên tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp công nghệ trên thế giới.

Một ví dụ khác mà tôi muốn đề cập đến là Bracken Darrell - Giám đốc Điều hành của Logitech. Chuyên ngành thời đi học của ông là Tiếng Anh.

Khi được hỏi về bí quyết giúp giá cổ phiếu công ty tăng lên 450% trong vòng 5 năm, ông chia sẻ rằng đó là nhờ việc không ngừng tập trung và chăm chút, tỉ mỉ trong khâu thiết kế của từng sản phẩm mà công ty phát triển. Với ông, kĩ thuật rất quan trọng. Thế nhưng thiết kế mới là chìa khóa xây dựng nên thành công của sản phẩm.

Giờ đây, với sự chuyển mình và phát triển không ngừng của khoa học kĩ thuật, thế giới sẽ đón chào thêm hàng loạt những công nghệ tiên tiến như trí thông minh nhân tạo, y học kĩ thuật số, chế tạo người máy hay sinh học tổng hợp. Đây sẽ là tiền đề giúp con người tạo ra những điều kì diệu hơn trong tương lai.

Chẳng hạn với trí thông minh nhân tạo, bộ cảm biến và y học kĩ thuật số, chúng ta có thể tạo ra các rô-bốt bác sĩ để phòng ngừa, khám và chữa bệnh. Hoặc với những cải tiến trong công nghệ gen, chúng ta có thể tạo ra những giống cây trồng có thể sống được ở nhiều dạng địa hình khắc nghiệt.

Tuy nhiên chúng ta phải nhớ một điều rằng, rất cả những thành tựu khoa học kĩ thuật đều nhằm mục đích phục vụ con người và cuộc sống. Do đó, chúng ta phải cần đến những kiến thức về sinh học, giáo dục, sức khỏe, tâm lý con người để có thể áp dụng một cách hoàn hảo những cải tiến này. Và lúc này, khoa học nhân văn dần bộc lộ thế mạnh của mình, bởi vì đây là những điều mà một người theo học khoa học nhân văn được đào tạo.

Chẳng hạn với một nhà thiết kế, tay nghề và kĩ thuật rất quan trọng, thế nhưng việc cảm thụ nghệ thuật thông qua âm nhạc, hội họa hoặc thơ văn lại đem đến lợi ích rất lớn trong việc sáng tạo ý tưởng và thiết kế. Hoặc một nhà tâm lý sẽ nắm bắt tâm lý người dùng giỏi hơn một người kỹ sư chỉ suốt ngày vùi đầu vào công việc kĩ thuật.

Công nghệ sinh ra để phục vụ con người, và công nghệ không thể nào tách khỏi bối cảnh xã hội. Do đó, để phát triển được một viễn cảnh tốt đẹp nơi công nghệ có thể phát huy hết khả năng của nó, chúng ta cần phải có cả khoa học kĩ thuật và khoa học nhân văn.

Hải Vy (Theo Venturebeat)