275 trẻ từ 8 đến 14 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ tham gia vào chương trình thiết kế và quy hoạch thành phố thông minh và thân thiện hơn với trẻ em

TP.HCM, ngày 8/6/2018 – Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Trung tâm đổi mới sáng tạo (SIHUB - trực thuộc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM), Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cùng hợp tác ra mắt chương trình “Trẻ em sáng tạo: Thành phố thông minh và thân thiện với trẻ em”.

unicef_sihub_390(1).jpg

Chương trình bao gồm 11 khóa tư duy sáng tạo trong mùa hè này cho khoảng 275 trẻ từ 8 đến 14 tuổi, bao gồm trẻ em thiệt thòi và dễ bị tổn thương.

Được hướng dẫn bởi các chuyên gia từ Arkki, trường giáo dục tư duy sáng tạo quốc tế, trẻ em sẽ có cơ hội được thiết kế và quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh trở nên thân thiện với các em hơn.

Trong quá trình thiết kế, trẻ em sẽ sử dụng các vật liệu cơ bản, ví dụ như đất sét, gỗ cũng như máy tính, bản vẽ phác thảo 3D (sketchup) và kính thực tế ảo hololens… để phát triển các ý tưởng.

Thông qua khóa học, các em sẽ tìm hiểu về nguyên tắc thiết kế, tư duy thiết kế, kiến trúc, quy hoạch đô thị và hình thành các kỹ năng cần có của thế kỷ 21 thông qua các bài tập thực hành và làm việc theo nhóm. Vào cuối tháng 10/2018, các ý tưởng của các em sẽ được Ban tổ chức triển lãm và giới thiệu tới các chuyên gia quy hoạch và công chúng tại “Tuần lễ sáng tạo TP.HCM 2018”.

“Ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, quá trình thiết kế đều được thực hiện bởi người lớn, trong khi trẻ em mới chính là người sử dụng cuối cùng, ví dụ như các công trình trường học, công viên, khu vực công cộng, khu vui chơi giải trí. Chương trình này tạo ra môi trường thuận lợi cho trẻ em thể hiện mong muốn của mình, bày tỏ ý kiến về các quyết định có ảnh hưởng đến trẻ em, để các chuyên gia quy hoạch đô thị và những người làm chính sách sẽ tạo ra một môi trường an ninh, an toàn, sạch đẹp có xem xét đến quan điểm và góc nhìn của trẻ em”, bà Marianne Oehlers, Trưởng văn phòng Hợp tác Chương trình UNICEF Việt Nam cho biết. 

Quy hoạch đô thị sẽ thay đổi hoàn toàn trong tương lai và đây là thời điểm để kêu gọi sự tham gia của trẻ em - các công dân tương lai vào sự định hình tương lai của thành phố. Việc sử dụng kiến trúc và tư duy thiết kế có thể tạo cảm hứng cho trẻ nắm bắt và học hỏi đa giác quan, thử nghiệm và trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 như tư duy phản biện, sáng tạo, làm việc nhóm, cộng tác và giao tiếp.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, đây là một dự án rất thú vị và có ý nghĩa giáo dục. Chương trình cũng có thể lồng ghép nội dung giáo dục những vấn đề thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh như môi trường đô thị của thành phố (ngập lụt, ô nhiễm…), chăm sóc nuôi dưỡng đam mê sáng tạo của trẻ em…v.v, nhằm chuẩn bị cho các em những hiểu biết, nhận thức cơ bản về môi trường sống thực tế và những ứng xử, hành động thông minh, có ý thức hơn… hướng đến phát triển đô thị bền vững và thông minh.

Em Hoàng Mai Anh (11 tuổi, Lớp 6, trường THCS Trần Văn Ơn, Quận 1) vừa tham dự khóa học đầu tiên cho biết: “Em thấy lớp học rất là vui. Các thầy cô rất vui tính và luôn sẵn sàng giải thích những điều em chưa biết. Ở đây vấn đề được đặt ra là xây dựng Thành phố thân thiện với trẻ em và tụi em được học rất nhiều môn khác nhau để làm được điều đó”.

Có thể thấy, kiến trúc cung cấp khả năng vô tận trong giáo dục STEAM bằng cách gắn kết chặt chẽ khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học vào các hoạt động thiết kế và sáng tạo.

Bà Pihla Meskanen, Sáng lập và Giám đốc của Arkki International cho biết: “Chương trình giáo dục Arkki nhằm thúc đẩy khả năng thực hành, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và xây dựng đa chiều, với mục tiêu phát triển sự sáng tạo cá nhân và khuyến khích hợp tác theo nhóm. Chúng tôi rất vui được làm việc với UNICEF, SIHUB và Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM để giúp trẻ em tham gia vào quá trình ra quyết định và từ đó xây dựng môi trường trong tương lai.”

Theo ước tính, 65% công việc của tương lai là chưa xác định. Những gì mà chương trình hôm nay mang lại là tiền đề để các em học tập suốt đời và hình thành khả năng sáng tạo và đổi mới. Với nhiệm vụ như vậy, chương trình hợp tác chung này đang mở ra cơ hội cho trẻ em tham gia, học hỏi, sáng tạo và làm cho tiếng nói của trẻ em được lắng nghe.

Ông Huỳnh Kim Tước, Đồng sáng lập & Điều hành của Saigon Innovation Hub nhấn mạnh rằng “Giáo dục sáng tạo chính là nền tảng lâu dài cho các thế hệ tương lai của Việt Nam hội nhập với thế giới”.

Theo Unicef

Bài gốc