TP.HCM: Đầu tư siêu dự án du lịch - nghỉ dưỡng lấn biển Cần Giờ
TP.HCM cho biết chủ trương phát triển về phía biển của huyện Cần Giờ đã được định hướng và cụ thể hóa trong quy hoạch chung TP.HCM đến 2025.
Huyện Cần Giờ được định hướng phát triển thành đô thị vệ tinh của TP.HCM, nhưng quỹ đất cho phát triển rất hạn hẹp, chỉ khoảng 1.730ha đất đô thị, trong đó có 764ha đất cây xanh, đất làm muối nằm phân tán có thể sử dụng cho đầu tư phát triển. Vì vậy, việc phát triển đô thị lấn biển sẽ bảo đảm quỹ đất phát triển, tránh ảnh hưởng đến khu dự trữ bảo tồn sinh quyển Cần Giờ.
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng với nội dung bổ sung tiếp thu ý kiến các bộ, ngành về quy hoạch Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2.870ha, tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.
Theo đó, khi triển khai dự án sẽ có các công trình nhân tạo khác che chắn, làm giảm tác động của biến đổi khí hậu. Vị trí quy hoạch dự án cách xa vùng lõi khu dự trữ sinh quyển ít nhất 8,6km, nên không chịu ảnh hưởng của việc chuyển đổi đất đai khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Dự án được quy hoạch thành đô thị thông minh với nhà ở, dịch vụ, khách sạn, trung tâm hội nghị hội thảo, đang được các bộ, ngành cho ý kiến trước khi TP.HCM phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu 1/5000.
Theo PGS. TS. Nguyễn Trọng Hòa - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, chính quyền địa phương hàng chục năm qua đã thực hiện một số lần điều chỉnh quy hoạch huyện đảo Cần Giờ theo hướng biến nơi đây thành một trung tâm kinh tế, du lịch mới.
"Ý tưởng là thành phố không phải làm khu đô thị lấn biển quy mô lớn hay đầu tư tuyến đường cao tốc có 10 làn xe chạy từ trung tâm xuống là xong, không phải cho người giàu xuống nghỉ mát rồi về mà phải làm sao phải vực dậy cả vùng này. Những nông dân sẽ là người làm dịch vụ, đồng muối sẽ là điểm tham quan", ông Hòa cho biết.
Tuy nhiên, để phát triển được khu vực này, một vấn đề lớn nhất mà theo các chuyên gia khoa học, vấn đề môi trường, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ rất dễ bị tác động nặng nề. Ngoài ra, một khi các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư, nơi nay lập tức sẽ xuất hiện tình trạng đầu cơ, thồi phồng giá đất và có nguy cơ tạo ra một cuộc "bong bóng" mới trên thị trường địa ốc.
Đứng về gốc độ các nhà đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng câu chuyện bảo tồn hệ sinh quyển, hệ môi sinh tại huyện Cần Giờ đã được nói đến khá nhiều và đã có những quy định khá chặt chẽ từ nhiều năm qua. Ở đây, các nhà đầu tư chỉ phát triển dự án tại vùng đã được quy hoạch dành cho đô thị, các khu vực rừng nước mặn, vùng lõi thuộc khu dự trữ sinh quyển từ phà Bình Khánh đến gần trung tâm thị trấn huyện phải được tránh xa.
Theo đó, các nhà đầu tư sẽ không tập trung phát triển toàn Cần Giờ mà chỉ tập trung ở phía biển là khu vực xã Cần Thạnh vì nơi đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch trở thành khu đô thị vệ tinh của TP.HCM trong tương lai.
Các nhà đầu tư lớn cũng cho rằng từ Phan Thiết đến Cà Mau chưa có một khu du lịch nào tốt nhất cả. Do đó, nếu có một khu như các nhà đầu tư hoạch định ở Cần Giờ sẽ là điểm nhấn và là điểm đến của du khách quốc tế không thua gì các khu du lịch lớn trong khu vực ASEAN.
Theo lãnh đạo huyện, dự án phà Cần Giờ - Vũng Tàu hiện đã chọn được nhà đầu tư, dự kiến năm 2018 sẽ đưa vào khai thác. Phà Cần Giờ - Cần Giuộc (Long An) cũng sẽ đưa vào dịp 2/9 năm nay để khai thác. Ngoài ra, có dự án đường cao tốc Bên Lức – Long Thành chạy qua Cần Giờ đang được đầu tư.
Mới đây nhất, TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư cầu Bình Khánh, cầu Cần Giờ và nâng cấp đường Rừng Sác. Song song đó, ở những bản thiết kế nhiều năm trước đây, các chuyên gia khoa học còn đề xuất xây dựng một tuyến đường ngầm vượt biển nối Cần Giờ với Vũng Tàu dài khoảng 25km.
Bên cạnh đó, Khu quản lý giao thông đô thị số 4, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, đang triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu Vàm Sát 2. Hiện nay đơn vị thi công đang rà phá bom mìn khu vực xây dựng cầu. UBND huyện Cần Giờ đang làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo thiết kế, cầu Vàm Sát 2 có tổng chiều dài 1.080m, mặt đường rộng từ 12-24m. Cầu được thiết kế có tuổi thọ 100 năm và chịu được động đất cấp 7 và tốc độ lưu thông qua cầu là 60 km/h, không hạn chế tải trọng. Điểm đầu dự án là đường Lý Nhơn và điểm cuối là ngã ba đường Lý Nhơn và đường đê Soài Rạp.
Ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cho biết Cần Giờ đang đứng trước bối cảnh có nhiều nhà đầu tư muốn phát triển những dự án nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại hiện đại. Trong tương lai, có khả năng các nhà đầu tư đủ tiềm lực sẽ phát triển cả dự án casino tại đây để phục vụ du khách.
TP.HCM cũng đã có quyết định tổ chức thi tuyển quốc tế quy hoạch toàn bộ huyện đảo Cần Giờ theo các hướng trên. Hiện Sở đang tiến hành rà soát lại toàn bộ quy hoạch huyện đảo này và những dự án đã, đang và sắp triển khai để báo cáo Thủ tướng.
Nam Phong - Nhịp sống kinh tế