Phát triển Khu đô thị sáng tạo: Chủ trương, chính sách phải tiên phong
Tại “thành phố công nghệ, thành phố sáng tạo”, doanh nghiệp đầu tư khoa học được ưu đãi về thuế, chi phí sử dụng thiết bị, chi phí đặt hàng sản xuất thiết bị với công nghệ mới có giá “rẻ như cho”; còn đội ngũ khoa học sẽ được ưu đãi về các dịch vụ như thuê nhà...
“Các quốc gia trong khu vực đang phát triển ngày càng nhanh hơn nhờ vào hệ thống cơ chế - chính sách tốt, đầu tư tập trung cho khoa học và công nghệ (KH-CN), thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong liên kết tam giác Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhà khoa học, trong khi chúng ta còn thiếu vắng những hệ thống hoàn thiện như vậy.
Các tổ chức có trách nhiệm phải xem lại những khiếm khuyết trong hệ thống ĐMST để đưa vào kế hoạch thực hiện Đề án Khu đô thị sáng tạo” - Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), đã chia sẻ với phóng viên Báo SGGP khi đề cập đến định hướng phát triển khu đô thị sáng tạo tại TPHCM.
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, mô hình đô thị sáng tạo được hiểu như thế nào cho đúng?
- Ông LÊ HOÀI QUỐC: Thế giới có nhiều quan niệm về mô hình đô thị sáng tạo, đó là một thành phố có các công ty đa quốc gia nổi tiếng đột phá về hoạt động thương mại; hoặc có nhiều nghiên cứu đột phá của trường đại học và tổ chức nghiên cứu khoa học; hoặc là nơi có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp có nhiều ý tưởng mới.
New York, London hay Paris là những “thủ đô sáng tạo” hàng trăm năm qua. Gần đây, nhiều thành phố nhỏ ở châu Âu và Mỹ đã trở thành “chuyên gia” trong lĩnh vực công nghệ cao.
Chẳng hạn: TP Austin (Hoa Kỳ) hiện có biệt danh là “Silicon Hills” thu hút các tập đoàn công nghệ lớn như Dell, IBM, Amazon và Facebook; Stockholm (Bỉ) đã trở thành “nhà máy kỳ lân” của châu Âu vì có các công ty trị giá hàng tỷ USD như Spotify, King Game; Bangalore (Ấn Độ) là điểm đến của thế giới với dịch vụ gia công phần mềm, là nơi đứng chân của Wipro, Infosys, Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển của Google.
* Trong các chuyến đi cùng lãnh đạo TPHCM thăm và làm việc tại các quốc gia phát triển, ông thấy được những điều gì từ các đô thị sáng tạo của họ?
- Không phải bây giờ mà cách đây vài chục năm, nhiều quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã xây dựng mô hình “thành phố công nghệ, thành phố sáng tạo”.
Tsukuba (Nhật Bản) hay Daejeon (Hàn Quốc) được biết đến như là những thành phố KH-CN vì có nhiều trung tâm nghiên cứu, các trường đại học hàng đầu về khoa học kỹ thuật, có những chính sách riêng để thu hút nhân tài, doanh nghiệp.
Tại các thành phố này, doanh nghiệp đầu tư khoa học được ưu đãi về thuế, chi phí sử dụng thiết bị, chi phí đặt hàng sản xuất thiết bị với công nghệ mới có giá “rẻ như cho”; còn đội ngũ khoa học sẽ được ưu đãi về các dịch vụ như thuê nhà, phương tiện làm việc. Nhiều chuyên gia người Việt Nam làm việc ở Tsukuba cho tôi biết, giá thuê nhà ở đây rẻ chỉ bằng 1/5 so với ở Tokyo.
* Xin ông cho biết thêm về các chính sách đột phá trong phát triển KH-CN của các quốc gia này?
- Ở nhiều quốc gia, chính phủ sẵn sàng chi hàng chục tỷ USD cho KH-CN, nghiên cứu sáng tạo. Điều cốt lõi là cơ chế thực hiện và cách đầu tư. Như ở Viện Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) đặt tại TP Bucheon, mỗi năm ngân sách dành cho đầu tư và hoạt động tiêu tốn mấy chục triệu USD nhưng chỉ thu về có vài triệu USD.
Hàn Quốc có cơ chế gián tiếp và trực tiếp để thu hút nguồn nhân lực, từ cá nhân cho đến doanh nghiệp công nghệ, tổ chức nghiên cứu. Trực tiếp là hỗ trợ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp công nghệ; còn gián tiếp là tạo ra những trung tâm thiết bị máy móc dùng chung và chính sách thu hút nhân lực, doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp muốn sản xuất nhưng không đủ thiết bị để sản xuất, cứ đem mẫu hàng đến KITECH để sản xuất thử nghiệm. KITECH sẽ sản xuất mẫu hàng đó với chi phí có thể tốn hàng triệu USD nhưng khi giao hàng cho doanh nghiệp, họ chỉ thu khoản tiền tượng trưng để khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục sáng tạo những sản phẩm mới. Khi mặt hàng đó bán trên thị trường, chính phủ sẽ thu thuế.
* Từ kinh nghiệm của các nước, với định hướng phát triển khu đô thị sáng tạo tại TPHCM (gồm: SHTP, Đại học Quốc gia TPHCM và Khu hành chính quận 2), theo ông TP cần phải làm gì?
- Phát triển khu đô thị sáng tạo, không chỉ đơn thuần là kết nối đất đai. Với Khu đô thị sáng tạo tại vùng tam giác nói trên, đầu tiên Nhà nước phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện đại.
Thứ hai, Nhà nước phải xây dựng những thiết chế cơ bản, bao gồm các cơ sở đào tạo, các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp; xây dựng môi trường thông qua hệ thống cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động ĐMST, tạo điều kiện tốt để nguồn nhân lực có chất lượng sẵn sàng khi doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng hạ tầng kỹ thuật.
Thứ ba, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi những sản phẩm sáng tạo đi ra thị trường. Mỗi yếu tố như vậy phải được thể hiện bằng những giá trị vật chất chứ không phải bằng những lời nói suông.
Gia Quảng - SGGP