Việt Nam tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu

Ngày 10/7/2017 tại trung tâm công nghệ của trường Đại học Cornell ở New York, Mỹ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) kết hợp với trường Cornell và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 (gọi tắt là GII 2018).

Theo đó, Việt Nam đã tiếp tục cải thiện vị trí trong xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng. Phản ánh của PV TTXVN tại New York.

Trong nhóm  30 nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam xếp vị trí thứ hai sau Ukraine. Việt Nam cũng được đánh giá là nền kinh tế có thành tích nổi bật trong việc biến đầu tư cho đổi mới thành những kết quả cụ thể. Các chuyên gia đánh giá Việt Nam đã trở thành hình mẫu về đổi mới công nghệ cho nhóm các nước thu nhập trung bình thấp noi theo.

Ông Sacha Wunsch-Vincent chuyên gia cao cấp của WIPO: Trong bản xếp hạng năm nay, Việt Nam nổi lên là một quốc gia đặc biệt vì 2 lý do. Trước hết, VN là quốc gia liên tục được thăng hạng trong bản xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Thứ hai Việt Nam liên tục được đánh giá là hoạt động nổi bật trong lĩnh vực đổi mới phục vụ sự phát triển kinh tế.

Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có sự chỉ đạo từ cấp thủ tướng với một nghị quyết thành lập nhóm chuyên viên đặc biệt tập hợp nhiều bộ ban ngành khác nhau để cùng thúc đẩy các chính sách đổi mới sáng tạo. Trong các chuyến thăm tới một số quốc gia, tôi đã kể về Việt Nam như một mô hình về đổi mới sáng tạo, trở thành hình mẫu về đổi mới công nghệ cho nhóm các nước thu nhập trung bình thấp noi theo.

Ông Sacha lưu ý rằng một số nền kinh tế đang phạm phải sai lầm nghiêm trọng, đó là không theo đuổi một cách liên tục chương trình nghị sự về đổi mới sáng tạo. Ông khuyến nghị Việt Nam tránh vết xe đổ này, kiên định với những chính sách, những kế hoạch mà Thủ tướng chính phủ đã đề ra để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ông cũng khuyến nghị Việt Nam nên chú trọng vào những sức mạnh nội tại đặc biệt của mình, như là trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, để từ đó xem xét cách thức để tăng khả năng đổi mới ở trong nước, bên cạnh việc tiếp thu những công nghệ mới từ bên ngoài.

Nhận xét về xếp hạng của Việt Nam trong bản GII 2018, ông Lê Thanh Bình, tham tán khoa học công nghệ của Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, cho biết có 4 điểm đáng chú ý.

Ông Lê Thanh Bình - tham tán khoa học công nghệ của Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ: “Việt Nam đã cải thiện được 14 bậc so với xếp hạng năm 2016; Việt Nam có điểm số cao trong cả 7 trụ cột của GII, các điểm số này đều cao hơn mức trung bình của nhóm các nước thu nhập trung bình thấp; tính hiệu quả của nỗ lực đổi mới của Việt Nam thể hiện qua cả chỉ số đầu vào và chỉ số đầu ra; trong 5 năm gần đây, thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng GII có xu hướng được cải thiện trên mọi khía cạnh”

Trong bản xếp hạng GII 2018, Thụy Sĩ tiếp tục là nước sáng tạo nhất thế giới, tiếp theo là Hà Lan, Thụy Điển, Anh, Singapore, Mỹ, Đan Mạch. Đức và Ailen.

Minh Nga - TTXVN