Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dưới góc nhìn công nghệ (Phần 3): Chiến lược “học hỏi” 40 năm của Trung Quốc

Ở phần trước chúng ta đã lược qua bối cảnh nền công nghệ cao Trung Quốc đang thật sự đe dọa Mỹ như thế nào. Sự phát triển này có thể được coi là “kỳ diệu” và là nguyên nhân trực tiếp khiến Mỹ nóng mặt muốn trả đũa Trung Quốc. Trong bài này, hãy tìm hiểu tại sao Trung Quốc lại có thể phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ từ con số 0 như vậy.

Ngày 29/5/2018 chính quyền Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chủ yếu là hàng công nghệ cao - đây là ‘phát súng’ chính thức, chiến tranh thương mại bắt đầu.

Nhà Trắng cho rằng, Trung Quốc đã và đang có những chính sách kinh tế bất công, cùng với việc không ngừng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế Mỹ.

Thẳng thắn mà nói, chuyện Trung Quốc bòn rút thành quả trí tuệ từ Mỹ đã diễn ra từ 40 năm trước theo một cách có chiến lược - đây là chiến lược thông minh nhưng không mấy ‘chơi đẹp’ của Trung Quốc.

Trung Quốc năm 1978 và một “món quà không thể chối từ”

Năm 1978, tức 40 năm trước, là cột mốc quan trọng của Trung Quốc khi họ thực thi Cải cách kinh tế, biến Trung Quốc từ một Quốc gia nghèo đói và bị cô lập trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 Thế Giới.

Bối cảnh Trung Quốc lúc đó rất tệ, khủng hoảng xảy ra trong mọi mặt của xã hội. Kinh tế và sản xuất đạt mức rất thấp, đời sống người dân khốn khó vô cùng. Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc bấy giờ thấp hơn 1/2 trung bình của Châu Á, và thấp hơn 2/3 trung bình của Châu Phi. Tầng lớp lao động của Trung Quốc chấp nhận làm mọi việc, bán sức lao động của mình với mức rẻ mạt để có cái ăn và nuôi gia đình.

Năm đó, Chính phủ Trung Quốc mở cửa thị trường, tạo những đặc khu kinh tế, khuyến khích các tập đoàn lớn của nước ngoài vào để ‘bóc lột’ nhân công của mình.

Với mức giá nhân công gần như cho không này, các tập đoàn lớn, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ nếu hợp tác với Trung Quốc có thể cắt giảm hàng trăm triệu USD mỗi năm, và đẩy lợi nhuận của mình lên hơn 20%.

Không ai có thể chối từ món quà này, và Apple là minh chứng rõ ràng nhất. Họ đã vượt qua bờ vực phá sản bằng việc đóng cửa dây chuyền sản xuất của mình ở Mỹ, chuyển qua thuê gia công hoàn toàn ở Trung Quốc. Chi phí phần cứng của Apple chỉ còn 30%, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho họ.

Các tập đoàn lớn của Mỹ đổ xô vào Trung Quốc: Microsoft, DuPont, Nike, Gap, v.v...

Từ “món quà không thể chối từ” thành “chiến lược bắt buộc để tồn tại”

Nhờ hợp tác với Trung Quốc, những công ty như Apple vượt mặt đối thủ của mình trên thị trường. Dell và HP không thể nào cạnh tranh với Apple khi họ chỉ có lợi nhuận khoảng 5% trên mỗi chiếc laptop bán ra - Họ bắt buộc phải hợp tác với Trung Quốc.

Đợt sóng chuyển khâu gia công sang Trung Quốc của các tập toàn ở mọi nơi trên Thế Giới bắt đầu, và đây là nước đi bắt buộc để sống còn: LG, Samsung, Toyota,... biến Trung Quốc trở thành “công xưởng của Thế Giới”.

Họ học hỏi và đi lên từ còn số 0

Khi các công ty đặt công xưởng ở Trung Quốc, họ mang theo công nghệ và quy trình của mình sang Trung Quốc. Người Trung Quốc vốn rất nhanh nhạy, họ học hỏi những công nghệ này một cách dễ dàng.

Từ việc chỉ gia công những bộ phận rời (OEM), họ chuyển mình thành các công ty thiết kế sản phẩm (ODM).

Họ học được cách thiết kế điện thoại thông minh, máy tính bảng. Họ học được cách vận hành hệ thống thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Họ học được cách sản xuất ô tô, máy bay, tàu thuyền v.v.. Và rồi, họ bắt đầu sở hữu những thương hiệu lớn tầm cỡ Thế Giới như Xiaomi, Huawei, Alibaba, Tencent, v.v..

Rồi hơn thế nữa, họ có thể đưa người lên vũ trụ, thiết kế mạch máu bằng công nghệ 3D, và xây dựng siêu máy tính mạnh nhất Thế Giới.

40 năm kể từ ngày chiến lược “học hỏi” được khởi động, nền kinh tế Trung Quốc vươn lên đứng thứ 2 Thế Giới, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo chạm mức 13.2 ngàn tỷ USD trong năm 2018 - lớn hơn 19 nước ở khu vực đồng Châu Âu gộp lại. Và công nghệ của Trung Quốc hiện nay đã đủ sức thách thức Mỹ trên mọi lĩnh vực.

Đây dường như là một chiến lược thông minh, thể hiện tầm nhìn hàng chục năm của Trung Quốc, nhưng…

Surphi10