Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dưới góc nhìn công nghệ (Phần cuối): Chiến tranh thương mại - sự đáp trả của Mỹ
Qua những phần trước, chúng ta đã thấy được Trung Quốc đang đe doạ công nghệ Mỹ như thế nào, và lý do tại sao Mỹ lại nổi giận đến vậy. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu Mỹ đã và đang làm gì để chống lại sự nổi dậy của Trung Quốc, và tương lai 2 đất nước sẽ đi về đâu.
Trước đây, Mỹ từng có những biện pháp đáp trả Trung Quốc nhưng đều không hiệu quả. Chiến tranh thương mại như 1 nước cờ “tức nước vỡ bờ” của Mỹ, khi đã bị Trung Quốc chọc giận hết lần này đến lần khác. Cuộc chiến giống như việc đánh bom liều chết - 2 bên chấp nhận hi sinh để làm tổn hại đối phương, quốc gia nào có nguồn lực mạnh hơn sẽ tồn tại sau cùng.
Ngay từ những năm 2000, Mỹ đã thấy sự đe dọa của Trung Quốc đang ngày càng lớn. Nhưng phải từ lúc Tổng thống Trump lên nắm quyền, Mỹ mới bắt đầu có những hành động quyết liệt, đối đầu trực diện với Trung Quốc:
- Ngay từ chiến dịch tranh cử, ông Trump đã muốn những công ty của Mỹ phải rút khâu gia công về lại Mỹ, đặc biệt là Apple.
- Mỹ hạn chế Visa của những sinh viên Trung Quốc trong các ngành hàng không, robot và sản xuất công nghệ cao - những lĩnh vực Trung Quốc đang muốn phát triển.
- Mỹ cấm các công ty trong nước bán sản phẩm cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE. Nếu không thể mua linh kiện của Qualcomm và phần mềm của Google, ZTE đối diện với nguy cơ phá sản, họ đã phải nộp phạt 1,4 tỷ USD và sa thải hàng loạt lãnh đạo cấp cao.
- Mỹ đã ngăn chặn nhiều trường hợp các công ty Trung Quốc mua lại các công ty công nghệ của Mỹ. Và theo diễn biến mới nhất, Mỹ đang soạn thảo bộ luật cấm các công ty có 25% quyền sở hữu thuộc Trung Quốc mua lại các công ty công nghệ cao của Mỹ.
Nhìn chung các chính sách của Mỹ xoay quanh việc: hạn chế công ty Trung Quốc tiếp cận được công nghệ của Mỹ và hạn chế nhân tài Trung Quốc tiếp cận được tri thức công nghệ cao của Mỹ - 2 nhân tố quan trọng cho sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc.
Song song với đó, Tổng thống Trump quyết định khơi ngòi cho một cuộc chiến sống còn.
Ngày 29/5/2018, sau một thời gian đàm phán với Tập Cận Bình, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chủ yếu là hàng công nghệ cao - đây là ‘phát súng’ chính thức, chiến tranh thương mại trên diện rộng bắt đầu.
Các rào cản thuế quan và phi thuế quan được Trung và Mỹ dựng lên ngày một nhiều. Đầu tiên là ngăn cản lưu thông hàng hoá và sau đó sẽ là ngăn cản đầu tư giữa 2 nước. Đến một lúc nào đó, nền kinh tế 2 Quốc gia sẽ thật sự xa rời nhau, và viễn cảnh sẽ thật tồi tệ cho cả hai.
1. Công nghệ Trung Quốc thiệt hại gì?
Khi không thể tiếp cận nền kinh tế của Mỹ, Trung Quốc sẽ không được tiếp cận những ngành cực kỳ quan trọng trong chiến lược “Made in China 2025” của mình: ngành chip bán dẫn, ngành robot, phần mềm và in 3D. Thiệt hại có thể thấy ngay là:
Những công ty công nghệ thông tin Trung Quốc
Trường hợp của ZTE đã cho chúng ta thấy nếu thiếu Mỹ thì các công ty CNTT Trung Quốc sẽ lâm vào tình cảnh như nào. Ngay khi bị nhận lệnh cấm mua thiết bị từ công ty Mỹ, ZTE phải dừng hoạt động sản xuất trên toàn cầu, cổ phiếu lao dốc 40%, đe dọa việc làm của hơn 50.000 lao động.
Nếu không thể tiếp cận chip bán dẫn, phần mềm, cơ sở hạ tầng điện toán đám mây và Big data của Mỹ, những công ty CNTT hàng đầu Trung Quốc, như Huawei, Didi, China Mobile, China Telecom, v.v.. sẽ lâm nguy, vì họ đang phụ thuộc khá nhiều vào các công ty Mỹ như Apple, AMD, Google, Intel, Microsoft, Qualcomm, Seagate, v.v.. BATX (Baidu, Alibaba, Tencent, Xiaomi) sẽ không còn là đối trọng của GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple).
Đây là ngành chịu thiệt hại chí mạng của Trung Quốc.
Những công ty sản xuất công nghiệp Trung Quốc
Trung Quốc đang trong giai đoạn cần một khối lượng khổng lồ robot công nghiệp, phần mềm quản trị sản xuất và in 3D để phát triển sản xuất công nghệ cao.
Trong khi đó, ngành sản xuất robot tự động hoá của Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách rất xa so với Thế Giới. 69% robot công nghiệp của Trung Quốc đến từ nước ngoài, đặc biệt từ Nhật, Mỹ và Đức. Ngay cả những robot sản xuất trong nước họ cũng phải nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài.
Tương tự, về phần mềm quản trị sản xuất và công nghệ in 3D, Trung Quốc đang phụ thuộc khá nhiều vào các nguồn lực nước ngoài, trong đó có Mỹ. Nếu bị cắt nguồn cung cấp từ Mỹ, Trung Quốc sẽ gặp rắc rối lớn trong việc phát triển ngành ô-tô và hàng không. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại sẽ không chí mạng như trong lĩnh vực công nghệ cao
Ngành khoa học công nghệ cao
Đây là những ngành nghiên cứu không thể mang lại lợi nhuận trong thời gian gần, nhưng lại mang cho Quốc gia sở hữu nó những lợi thế quyết định trong tương lai. Có thể kể đến như: Trí tuệ nhân tạo, công nghệ vũ trụ và cụ thể nhất là công nghệ 5G.
5G là công nghệ quan trọng nhất trong 15 năm tới. Những công ty đang là ứng cử viên sáng giá cho công nghệ 12.3 nghìn tỷ USD này là: ZTE và Huawei đến từ Trung Quốc, Nokia và Ericsson đến từ Châu Âu, và Qualcomm và Intel đến từ Mỹ. Trong đó, các công ty Trung Quốc đang chiếm ưu thế.
Khi bị tách li khỏi công nghệ và kiến thức của Mỹ, cũng như việc phải loay hoay tìm đường sống còn, khâu nghiên cứu phát triển của các tập đoàn Trung Quốc sẽ bị chậm lại, mang lại thời cơ lớn cho Mỹ để bắt kịp.
2. Công nghệ Mỹ thiệt hại gì?
Tổn thất doanh thu
Nếu các công ty Trung Quốc chịu ảnh hưởng vì không thể mua linh kiện từ các công ty Mỹ, thì ở chiều ngược lại, các công ty Mỹ sẽ chịu thiệt hại vì không thể bán linh kiện cho các công ty Trung Quốc.
Bị tổn thất nặng nề nhất là các công ty chip bán dẫn Mỹ, như Skyworks Solutions (83% doanh số đến từ Trung Quốc), Qualcomm (64%), Qorvo (62%), Intel (24%) v.v..
Trung Quốc cũng là một thị trường tiềm năng mà rất nhiều doanh nghiệp đang thèm muốn nhảy vào trong nhiều năm nay. Chiến tranh thương mại xảy ra đã chấm dứt mọi hi vọng của các công ty Mỹ trong việc gia nhập thị trường này.
Ảnh hưởng chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn công nghệ
Apple đã từng thoát khỏi cảnh phá sản và vươn lên trở thành công ty lớn nhất Thế Giới bằng cách chuyển khâu gia công sang Trung Quốc. Những tập đoàn lớn của Mỹ đều hoạt động theo cách này, họ chia nhỏ quá trình vận hành và chuyển về những quốc gia thích hợp nhất, giúp họ giảm thiểu tối đa chi phí và nâng cao tối đa hiệu quả.
Việc Mỹ ‘nghỉ chơi’ với Trung Quốc, và xa hơn là sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, chi phí vận hành của những tập đoàn Mỹ sẽ sớm gia tăng rất lớn khi không tận dụng được chuỗi giá trị toàn cầu.
3. Ai sẽ thắng? Và kết quả sẽ ra sao?
Trong cuộc chiến này, cả 2 quốc gia đều thiệt hại, nhưng Mỹ nghĩ rằng Trung Quốc sẽ chịu tổn thất nhiều hơn họ. Mỹ không cần triệt hạ hoàn toàn Trung Quốc - việc này là bất khả thi, Mỹ chỉ cần níu chân Trung Quốc một thời gian để họ có thể vươn lên trong 1 số ngành công nghệ cao quan trọng như công nghệ 5G.
Tuy nhiên, không ai có thể biết cuộc chiến sẽ diễn biến như thế nào, hay người thắng là ai. Viễn cảnh tồi tệ nhất là cuộc chiến sẽ kéo dài hàng năm trời, nền kinh tế và công nghệ 2 nước bị đình trệ, kéo theo nền kinh tế và công nghệ Toàn cầu trì trệ, khủng hoảng kinh tế diện rộng có thể diễn ra. Tệ hơn nữa là, căng thẳng giữa 2 nước sẽ đạt đỉnh, lây lan ra khắp Thế Giới, bắt đầu chia bè kết phái, thậm chí có thể có một cuộc chiến theo đúng nghĩa đen - chiến tranh Thế Giới lần 3.
Tất nhiên không ai muốn thế, nhưng liệu cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào? Trung Quốc sẽ chịu thay đổi những chính sách bất công và huỷ bỏ “Made in China 2025”? Hay Mỹ sẽ dịu lại, nới lỏng chính sách và đối xử với các Quốc gia khác cởi mở hơn? Dù gì đi nữa, tương lai và vị thế của Mỹ và Trung Quốc đang được đặt cược trong cuộc chiến này - đừng hy vọng nó sẽ có một kết cục dễ dàng.
Surphi10