34% người trẻ sẵn sàng đầu quân cho các công ty khởi nghiệp


Công ty CP Anphabe (TP HCM) ngày 7-5 đã tổ chức hội thảo "Giải mã gen Z - Thế hệ siêu đột phá".

5bb7266bb1eb5.jpg

Qua khảo sát 25.000 bạn trẻ gen Z (sinh từ năm 1998 - 2000) trên toàn quốc đến từ 93 trường đại học, cho thấy 34% bạn trẻ sẵn sàng đầu quân cho các công ty khởi nghiệp hoặc tự kinh doanh riêng; 8% cho rằng không cần đi làm công ty, làm bán thời gian tốt hơn; 14% thích làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận; còn lại các bạn trẻ không còn "mê" làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài như thế hệ trước mà sẵn sàng chọn doanh nghiệp nội địa.

Khảo sát cũng cho thấy các bạn trẻ rất cởi mở với sự lựa chọn nghề nghiệp, sẵn sàng làm việc không liên quan gì đến ngành học. Các ngành quảng cáo, truyền thông và giải trí là hấp dẫn hàng đầu với tất cả sinh viên, kế đó là các ngành ẩm thực, nghỉ dưỡng.

"Coi Internet là chân lý"

Với Gen Z, "Internet là chân lý". Trong khi đó, sự hiện diện online của các doanh nghiệp đang là rất hạn chế. Với đặc trưng của một công dân Internet, Gen Z được xem là “chuyên gia săn lùng sự thật”.

Bởi vì “không biết thì hỏi Google, chưa rõ thì tra Youtube”, khi lựa chọn công ty, Gen Z sẽ tự tìm kiếm và đặt niềm tin gần như tuyệt đối vào thông tin trên mạng và đánh giá của cộng đồng, cao hơn rất nhiều so với tư vấn từ bạn bè, anh chị đi trước hay người thân bên cạnh. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không hiện hữu và xây dựng được "quyền lực online" thì khả năng tác động tới thế hệ Z của doanh nghiệp sẽ rất giới hạn.

Về bất đồng nhất trong “thước đo năng lực” mà doanh nghiệp đang hoạch định với những gì Gen Z đang có và cần, khi đo lường trên khung năng lực mà các doanh nghiệp yêu cầu ứng viên phải có khi đi làm, chỉ dưới 50% sinh viên Gen Z thực sự tự tin theo tất cả các tiêu chí từ kỹ năng quản lý bản thân, tương tác, kiến thức căn bản và chuyên môn cho đến kỹ năng quản lý đội nhóm.

Một khảo sát của LinkedIn cũng tiết lộ nghịch lý: “Có đến 76% Gen Z cho rằng những kỹ năng cần thiết trong tương lai rất khác so với những gì mà các nhà tuyển dụng đang vẽ ra”.

Thực tế gây "sốc" này cho thấy tình trạng "đồng sàng dị mộng", trong khi doanh nghiệp yêu cầu một đằng, Gen Z tự tin một nẻo. Rõ ràng, có một khoảng cách lớn giữa “thước đo năng lực” mà doanh nghiệp đang hoạch định với những gì gen Z đang có và nghĩ rằng họ cần.

Với những thách thức như trên, chắc chắn sẽ có những khó chịu về cách quản lý, xung đột trong kiến thức, văn hóa cho đến cách thức hợp tác và nhiều thực tế gây sốc hơn.

“Khi không thể thay đổi được những yếu tố bất định bên ngoài, điều chúng ta có thể làm là thay đổi chính mình và chuyển hóa doanh nghiệp để trở nên sẵn sàng đối phó với bất định. Và Gen Z từ những đứa trẻ phá bĩnh có thể sẽ trở thành những hạt nhân thay đổi, từ yếu tố gây rối sẽ trở thành lực đẩy cho chuyển hóa cách thức làm việc hiện đại, từ kẻ thách thức trở thành những người đồng sáng tạo cho một văn hóa doanh nghiệp đa màu sắc”, bà Thanh Nguyễn chia sẻ.

* Cùng ngày, Anphabe chính thức công bố Top 50 Thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất với sinh viên Việt Nam 2020. Khảo sát được thực hiện với hơn 23.200 sinh viên thuộc 10 khối ngành đến từ 93 trường đại học lớn trên toàn quốc.

PV


Xem thêm