5 dự án AIoT&Smart Cities được 'đại gia' tài trợ để sớm ra mắt thị trường
Với đội ngũ 2000 kỹ sư tại Việt Nam, Bosch Việt Nam đặt mục tiêu hỗ trợ các startup làm chủ công nghệ phục vụ cho thị trường trong nước, sau đó vươn ra toàn cầu.
Ông Vijay Ratnaparkhe, Giám đốc bộ phận truyền động ô tô, Tập đoàn công nghệ Bosch đã chia sẻ như vậy tại buổi lễ tổng kết cuộc thi AIoT Smart Cities và tổng kết hoạt động kết nối doanh nghiệp và sinh viên, do Hội tin học TP.HCM (HCA) tổ chức sáng 16/10. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) năm 2019.
Ông Vijay Ratnaparkhe cho biết, với kinh nghiệm và thế mạnh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp, huấn luyện kỹ năng, công ty sẽ tạo điều kiện tối đa cho các startup Việt Nam thương mại hóa sản phẩm.
“Chúng tôi với đội ngũ 2000 kỹ sư tại Việt Nam, Bosch đặt mục tiêu hỗ trợ các startup làm chủ công nghệ phục vụ cho thị trường trong nước, sau đó vươn ra toàn cầu. Người Việt sẽ cần có nhiều hơn những sản phẩm của chính các bạn làm ra và chúng tôi sẽ giúp các bạn làm điều đó”- ông Vijay Ratnaparkhe khẳng định.
Tại cuộc thi AIoT Smart Cities, công ty Bosch Việt Nam sẽ tài trợ cho 5 dự án nhằm hoàn thiện công nghệ, phát triển thị trường, đào tạo đội ngũ… Cụ thể, 5 dự án được tài trợ là: Phần mềm giải pháp truy xuất nguồn gốc trên nền tảng Blockchain; FRUDS box (máy sấy trái cây sử dụng công nghệ IoT); IoT Socket (thiết bị chuyển đổi giúp các thiết bị điện kết nối với internet); Thiết bị châm cứu thông minh chăm sóc sức khỏe từ xa ứng dụng IoT; Thiết bị đun nóng Farafin sử dụng trong vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.
Chị Lê Thị Thanh Tâm, đại diện dự án Thiết bị châm cứu thông minh chăm sóc sức khỏe từ xa ứng dụng IoT, chia sẻ đây là cơ hội quý để các sản phẩm khởi nghiệp đến với thị trường.
“Hiện tôi đang làm việc tại ĐH Y dược TP.HCM. Trong môi trường ĐH, nhiều giảng viên và sinh viên có ý tưởng, công nghệ tốt. Tuy nhiên họ chưa có hiểu biết về thị trường, cũng như thương mại hóa sản phẩm. Vì thế, sự tham gia của doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định đến tính thương mại sản phẩm sau này”- chị Tâm chia sẻ.
Không chỉ mang lại cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp cho startup, hơn 10 năm qua, HCA đã tổ chức chương trình kết nối sinh viên với doanh nghiệp tại hơn 100 trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận với sự tham gia của 5.500 sinh viên.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký HCA, hoạt động này giúp các bạn sinh viên trong trường ĐH có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực. Doanh nghiệp cũng có cơ hội để chia sẻ về các vấn đề thị trường, kỹ năng làm việc, xu hướng công nghệ để sinh viên có thể cập nhật thông tin mang tính kịp thời hơn.
“Hoạt động này cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể tuyển dụng, tiếp nhận thực tập, huấn luyện kỹ năng… cho sinh viên. Hoạt động này với mục tiêu kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thị trường lao động”- ông Tuấn nói.
Hà An