Cô gái trẻ làm bột rau sấy lạnh 'xanh như rau tươi'


Từ các loại rau tươi như rau má, diếp cá, tía tô, chùm ngây, trà xanh, cô gái trẻ đã chế biến thành bột rau uống liền như bột matcha nhờ công nghệ sấy lạnh.

Nguyễn Ngọc Hương nhận giải nhất cuộc thi Dự án Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019.

Nguyễn Ngọc Hương nhận giải nhất cuộc thi Dự án Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019.

Bột rau Việt 'mơ' xuất khẩu thế giới

Với niềm đam mê và mong muốn tạo ra điều gì đó khác biệt cho nông sản Việt, Nguyễn Ngọc Hương và các cộng sự của mình đã cùng nhau xây dựng dự án khởi nghiệp “Bột rau sấy lạnh”. 

Sản phẩm bột rau uống liền của Hương được sản xuất theo công nghệ sấy lạnh tiệt trùng, vẫn giữ nguyên vẹn hương vị gốc và màu sắc tự nhiên của rau. Ngoài ra, bột rau được nghiền bằng cối đá Granit nên mềm mịn và có thể hòa tan trong nước một cách dễ dàng.

Để có nguyên liệu sản xuất sạch, nhóm bạn trẻ đac tiến hành trồng thử nghiệm vùng nguyên liệu tại Củ Chi, TP.HCM. Để khởi tạo trang trại mẫu (tại xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) với diện tích 10.000 m2, nhóm đã đầu tư số tiền khoảng 300 triệu đồng và phải mất hơn 1 năm trang trại mới cung cấp được nguyên liệu đủ tiêu chuẩn cho sản xuất.

Sản phẩm bột rau sấy lạnh của Nguyễn Ngọc Hương và các cộng sự.

Sản phẩm bột rau sấy lạnh của Nguyễn Ngọc Hương và các cộng sự.

Dự án khởi nghiệp của Hương cũng may mắn nhận được hỗ trợ về vốn từ chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020 của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (SpeepUp). Hiện, doanh nghiệp đang được ươm tạo tại Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHBI) và đầu năm 2020 sẽ tốt nghiệp. 

Sản phẩm đã có mặt ở các chuỗi cửa hàng thực phẩm trên toàn quốc và trên kênh bán hàng online. Từ sản phẩm đầu tiên là bột rau má, nay bột rau uống liền đã đa dạng hơn với diếp cá, tía tô, chùm ngây, trà xanh, lá sen và rau má đường phèn uống liền. 

"Sản phẩm bột rau sấy lạnh của công ty đã ra thị trường được hơn 3 năm và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực", Ngọc Hương chia sẻ. 

Mới đây, dự án đã giành được giải cao nhất cuộc thi Dự án Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng Ban Thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn tổ chức. Đây là năm thứ 2 cô gái trẻ mang sản phẩm của mình tham dự cuộc thi sau năm đầu tiên thi... rớt.

Chia sẻ niềm vui sau khi đoạt giải, Ngọc Hương cho biết: "Cuộc thi đã mang lại cho chúng tôi nhiều bài học mới, nhất là trong việc phát triển kế hoạch kinh doanh, mở rộng thị trường cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Sau cuộc thi, công ty sẽ tiếp cận các đối tác nhằm hoàn thiện các chứng chỉ ISO để có thể đạt tiêu chuẩn thế giới, xuất khẩu đi các nước".

Cùng với phần thưởng tiền mặt 50 triệu đồng, giải Nhất cuộc thi còn được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức tối đa 1 tỷ đồng để tiếp tục phát triển dự án.

Ứng dụng công nghệ đưa nông sản Việt đi xa

Với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng ứng dụng công nghệ”, Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn - năm 2019 thu hút đông đảo thanh niên trong cả nước tham gia với 225 dự án. Vòng bán kết được tổ chức 3 miền Bắc, Trung, Nam đã chọn ra 29 dự án xuất sắc tham dự vòng chung kết cuộc thi.

Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HDQT Vinamit, thành viên ban giám khảo cuộc thi.

Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HDQT Vinamit, thành viên ban giám khảo cuộc thi.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao - thành viên ban giám khảo đánh giá, hầu hết các dự án đã biết ứng dụng công nghệ trong chế biến, nuôi trồng nông sản làm gia tăng giá trị nguồn tài nguyên quê hương.

Đặc biệt, các bạn trẻ rất tâm huyết trong việc xây dựng dự án, phát triển sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều thí sinh đã hiểu được cách làm thế nào để tìm ra những sản phẩm mới đúng theo nhu cầu của thị trường ngách, đây là một trong những tiêu chí quan trọng của khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit - thành viên Ban giám khảo, cho rằng thanh niên ở nông thôn đã biết vươn lên để thay đổi. Những dự án góp mặt ở chung kết năm nay đều đã được hiện thực hóa, sản xuất ra sản phẩm, có tính thương mại hóa cao. Ông Viên cũng kì vọng, những sản phẩm mang bản sắc địa phương này đã, đang và sẽ mang đến một luồng gió mới cho thị trường nông sản Việt.

 
 

Ngoài giải nhất được trao cho dự án Bột rau sấy lạnh, Ban tổ chức cũng trao hai giải Nhì cho Trương Lê Huy Hoàng (Đồng Tháp) với dự án “Sản xuất Snack dinh dưỡng cao từ da cá da trơn” và Phan Minh Tiến (TP.HCM) với dự án “Mật dừa nước và các sản phẩm có giá trị từ dừa nước”. Ngoài giải thưởng tiền mặt 30 triệu đồng, các thí sinh đoạt giải Nhì được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức tối đa 500 triệu đồng.​

Ba giải ba được trao cho các thí sinh: Nguyễn Thị Ngọc Như (Bến Tre) với dự án “Son môi dừa với vỏ son gỗ thân thiện môi trường”; Giàng A Dạy (Sơn La) với dự án “Phát triển trang trại bò thịt tại bản Rừng Thông - Mường Bon”; Phạm Hồng Sơn (Hưng Yên) với dự án “FAGO 4.0 nông dân bứt phá”. Ngoài giải thưởng tiền mặt 15 triệu đồng, các thí sinh giành giải Ba cũng được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức tối đa 300 triệu đồng.

Cùng với đó, Ban Tổ chức đã trao 4 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng tiền mặt và hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức tối đa 200 triệu đồng.



Xem thêm