Nhật ký Innovation: Ăn "xác" của Shark


Nếu cứ ăn thịt hết các shark như bây giờ, thì sự hoảng sợ còn nhiều, và đừng hỏi vì sao doanh nhân có tiền cứ lần lượt tìm thẻ xanh mà đi mất tiêu.

22549868_10208825132860488_5485146440836315053_n.jpg

Bung không mê Shark Tank, vì đó là một show truyền hình với nội dung là chuyện đầu tư khởi nghiệp. Bung biết một chút về truyền hình, một chút về đầu tư khởi nghiệp, và là người đa nghi nên hay đi hỏi thăm linh tinh. Vậy nên không coi Shark Tank. Nhưng mấy bữa nay, báo chính thức cho tới dân mạng bình luận không ngớt về chương trình này và lôi các Shark ra “ăn thịt” nhiều quá, thì Bung nghĩ tới đây là đủ rồi.

Shark đầu tiên ngã ngựa là anh Hoàng Khải. Bung biết anh này một chút, và học được cũng nhiều từ cách tư duy, làm ăn và làm giàu của anh Khải. Ảnh giỏi không? Giỏi. Ảnh làm ăn đàng hoàng không? Lúc này lúc kia, và cơ quan chức năng kết luận là vụ lụa là sai tè le rồi. Xong nếu ảnh không là Shark, chắc cú ngã này không làm kiệt quệ sức lực và tinh thần đến mức phải biến mất khỏi giang hồ. 4 năm rồi đó, khoảng trống thị trường quà tặng cao cấp mà Khaisilk để lại, tới giờ, cũng chưa có ai thay thế được.

Làm doanh nghiệp ở Việt Nam khổ lắm. Có ông chú bạn Bung là doanh nhân loại xịn gần nhất nước, từng nói: “Kinh doanh là một lời nguyền cay đắng”. Ông dành cả đời dựng nên cơ nghiệp, nhưng không muốn con gái mình theo đuổi nó nữa, ông chỉ muốn con đi làm cô giáo. Lâu lâu, Bung lại thấy ông, ngồi cùng một ông doanh nhân khác – người nổi tiếng tới mức đi máy bay không cần chứng minh nhân dân – ngồi nói những chuyện mệt nhọc của “kiếp doanh nhân”. “Thập diện mai phục” là chuyện có thật, chứ không chỉ là “trên đe dưới búa” đâu. Nhớ có lúc ảnh cười: “Ra chiến trường có khi còn đỡ hơn, vì phe nào ra phe đó, đỡ cực. Còn thương trường, loạn hết cả lên”…

Bung hiểu rằng, làm ăn không chỉ phải đối diện với những sức ép của thị trường, mà còn đối diện với một đám đông có khuynh hướng “ghét người giàu” theo kiểu coi là “con buôn”, mà dù đã bao nhiêu năm trôi qua kể từ lúc có ngày Doanh nhân Việt Nam để tôn vinh những đóng góp cho sự phát triển của kinh tế, xã hội, thì cái ẩn ức sâu xa của việc mình nghèo thì người khác giàu là do làm việc xấu vẫn còn.

Anh Tam là Shark thứ hai “lên dĩa”. Việc vẫn còn chưa đâu vô đâu. Bung cũng tin anh Tam làm ra được hệ thống phân phối cỡ đó, công ty hoành tráng cỡ đó, chắc chắn cũng không phải là người tu hành tới con kiến cũng không dám giết. Một ngày thức dậy, anh hoá thân từ một người chẳng ai biết thành một ông Shark hào hoa soái ca trước mắt công chúng. Trời ơi, đây là Tam ngày xưa làm cái này làm cái kia, giờ tự dưng nổi tiếng quá, lấy gì mà không bực, không ghét được?

Nó là một thực tế rất rõ: Những doanh nhân mới dựng nghiệp, vừa trải qua xong thời kỳ tích luỹ tư bản, chưa kịp xây cho mình cái phông văn hoá đủ mạnh và rửa sạch những dấu ấn của thời bắt đầu làm ăn với nhiều hỗn loạn, mà làm thương hiệu cá nhân hơi vội vàng thì sẽ… dính chưởng. Chị Liên sông Đuống chắc cũng vậy. Sự vụng về và có phần khoa trương trong cách xuất hiện trước công chúng của một kiểu nhà giàu mới, lập tức trở thành món mồi ngon cho “giang hồ mạng” vồ lấy, nhai ngấu nghiến.

Cả ba Shark này, chắc chắn đã suy nghĩ kỹ trước khi quyết định lên sóng truyền hình quốc gia chứ. Có nghĩa là họ quyết định kết thúc những công việc có phần xam xám của họ rồi. Họ muốn làm thương hiệu cá nhân, là có ít nhiều sự dấn thân cho cộng đồng, ít nhất là thời gian, và chấp nhận các rủi ro của người nổi tiếng.

Bung nghĩ, sau ca chị Liên, còn mấy ai dũng cảm xuất hiện trên Shark Tank hay những chương trình tương tự nữa? Còn ai muốn bước ra ngoài ánh sáng và cổ vũ cho ý chí làm giàu một cách thực tiễn, hấp dẫn và có yếu tố “skin on the game” – dây máu ăn phần nữa? Còn ai sẵn lòng ra mặt hướng dẫn làm ăn một cách công khai và nói về công chuyện phát triển kinh tế nữa?

Bung nghĩ, đào những chuyện sai phạm ra, chắc hiếm có doanh nghiệp nào không dính chuyện này chuyện kia, vì bản chất là hệ thống pháp lý và quản lý của xứ mình vẫn còn chưa hoàn thiện, nhiều bất cập. Nhưng nếu cứ ăn thịt hết các shark như bây giờ, thì sự hoảng sợ còn nhiều, và đừng hỏi vì sao doanh nhân có tiền cứ lần lượt tìm thẻ xanh mà đi mất tiêu.

BUNG TRẦN


Xem thêm