Đặc sản Cần Giờ có nhãn hiệu chứng nhận
Việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận yến sào, khô cá dứa và xoài cát Cần Giờ giúp tăng uy tín, góp phần bảo hộ và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của huyện.
Sáng 19/6, UBND huyện Cần Giờ đã tổ chức Hội nghị công bố, triển khai sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Yến sào, Khô cá Dứa và Xoài cát Cần Giờ.
Huyện Cần Giờ có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng với hệ thống kênh rạch rừng ngập mặn phì nhiêu, với đường bờ biển dài và cửa biển rộng lớn nên từ lâu đã hình thành các ngành nghề truyền thống như đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, làm muối, nuôi yến... Nhờ đó, đã tạo ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương như khô cá dứa, yến sào, xoài cát. Những đặc sản này được dùng làm quà biếu, phục vụ khách du lịch và được nhiều người biết dến.
Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, thời gian qua, việc sản xuất các sản phẩm này chưa theo quy trình an toàn thực phẩm, việc kinh doanh còn chưa chú trọng đến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Ngoài ra, còn tình trạng trộn lẫn các sản phẩm từ các địa phương khác nên ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín, và thương hiệu các các sản phẩm đặc trưng của Cần Giờ..
Chính vì thế, UBND huyện đã xin và được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương sử dụng địa danh Cần Giờ để xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc trưng của huyện như yến sào, khô cá dứa và xoài cát. Huyện đã phối hợp với Sở KH&CN TP.HCM để hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Sở hữu Trí tuệ. Với sự hỗ trợ tích cực của Sở, đến nay các sản phẩm này đã được cấp giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu.
"Việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận sẽ góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, xây dựng bảo hộ và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của huyện", ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng, hiện trên địa bàn huyện có 481 nhà nuôi yến, trong đó có 260 nhà cho thu hoạch với sản lượng ước đạt 870kg/tháng và có 2 cơ sở sơ chế yến sào với sản lượng ước đạt 130kg/tháng. Huyện có 21 hộ nuôi cá dứa với diện tích 30 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm ước tính đạt 500 tấn làm nguồn nguyên liệu phục vụ cho 20 cở sở sản xuất. Trong khi đó, diện tích trồng xoài cát ở địa phương ước đạt 225ha trong đó 24,74 ha sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAp, sản lượng thu hoạch ước đạt 2.000 tấn/năm.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Huy Hoàng, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ cơ sở, Sở KH&CN TP.HCM, cho biết thời gian qua, Sở đã đồng hành cùng các cấp lãnh đạo và doanh nghiệp tại Cần Giờ để hỗ trợ việc triển khai bảo hộ nhãn hiệu, hướng dẫn ứng dụng công nghệ vào sản xuất, góp phần xây dựng nhãn hiệu nông sản địa phương.
Đặc biệt, năm 2017, Sở đã hỗ trợ nông dân địa phương áp dụng máy sấy yến tiên tiến vào sản xuất. Loại máy sấy tổ yến này hoạt động trên quy trình sử dụng quạt thổi theo nguyên lý chênh áp trong buồng sấy kín. Lượng khí thổi và khí ẩm thoát ra được tách riêng cho từng vỉ, tránh được hiện tượng nhiễm ẩm và nhiễm vi sinh chéo như phương pháp truyền thống.
"Nhờ vậy, bà con đã tiết kiệm được rất nhiều điện năng, tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm", ông Hoàng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Giám đốc HTX Thuận Yến, một trong những đơn vị sản xuất Yến sào Cần Giờ, cũng chia sẻ, nhờ thay đổi quy trình và tiêu chuẩn đã giúp HTX nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm. Cùng với đó, ông Quân kì vọng, việc đăng kí nhãn hiệu sẽ giúp bảo vệ uy tín cũng như tăng giá trị thương hiệu Yến sào Thuận Yến ở thị trường trong và ngoài nước.
Hoàng Anh
Xem thêm