'Chàng trai vàng' trong làng trí tuệ nhân tạo
Năm 2019, Hiếu bội thu báo cáo khoa học khi có 3 công trình về trí tuệ nhân tạo được chọn công bố trong các hội nghị hàng đầu thế giới về khoa học máy tính.
Hoàng Trung Hiếu (nghiên cứu viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) là gương mặt trẻ điển hình có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng thành phố thông minh, hiện đại.
Xây dựng giao thông thông minh
Ngay từ nhỏ, Hiếu đã có niềm đam mê với các món đồ công nghệ. Được tiếp xúc máy tính từ khá sớm, Hiếu vô cùng hứng thú với "cỗ máy" này và mày mò tìm tòi cách sử dụng. Trong những năm học phổ thông cậu đã gặt hái nhiều giải thưởng như giải ba và nhì cuộc thi Khoa học máy tính quốc gia, giải ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia cho học sinh trung học và được tuyển vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Đây là dấu mốc để Hiếu lựa chọn và gắn bó với khoa học máy tính sau này.
Bước vào giảng đường đại học, Hiếu say mê nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Trong thời gian còn là sinh viên, Hiếu tham gia thực hiện 7 bài báo khoa học, trong đó có 4 bài là tác giả chính được đăng tại các Hội nghị khoa học máy tính quốc tế.
Riêng năm 2019, Hiếu bội thu báo cáo khoa học khi có 3 công trình được chọn công bố trong các hội nghị hàng đầu thế giới. Trong đó, có 2 công trình về lĩnh vực giao thông được giới chuyên môn đánh giá cao vì có thể ứng dụng tại TP.HCM.
Ở đề tài thứ nhất, Hiếu nghiên cứu về đề xuất Phương pháp mới trong việc xử lý hình ảnh camera giao thông phục vụ TP thông minh - Hệ thống giúp theo vết các phương tiện giao thông dựa vào hình dáng và các đặc điểm nhận dạng, đồng thời phát hiện các sự cố bất thường xảy ra trên đường phố một cách tự động.
Nghiên cứu thứ hai của chàng sinh viên trẻ là cũng liên quan đến giao thông nhưng ý nghĩa lớn nhất của nghiên cứu này là triển khai xây dựng các hệ thống camera thông minh phục vụ giám sát giao thông tự động, hệ thống bảo vệ với các camera an ninh, giúp phát hiện những hành vi hay sự kiện bất thường…
Đây là hai công trình được phát triển từ công trình “Xây dựng mô hình mô phỏng và ứng dụng phương pháp học tăng cường trong tối ưu hóa tín hiệu đèn giao thông” do Hiếu và nhóm bạn thực hiện vào năm 2018.
Hiếu cho biết, ở các giao lộ vào giờ cao điểm thường trong tình trạng kẹt xe nghiêm trọng nhưng hệ thống đèn tín hiệu tại các giao lộ này được quy định thời gian chuyển cố định. Điều này làm gia tăng mức độ kẹt xe do lượng xe di chuyển luôn thay đổi và không cố định. Nếu hướng nào nhiều xe thì nên tăng thời gian đèn xanh và hướng nào ít xe thì tăng thời gian đèn đỏ.
Từ lập luận đó, nhóm của Hiếu đã bắt tay thực hiện đề tài. Theo Hiếu mô hình gồm 3 mô đun nhỏ được liên kết với nhau. Mô đun đầu tiên có nhiệm vụ phát hiện các phương tiện giao thông trên đường cùng vận tốc của chúng… Mô đun thứ hai điều phối đèn tín hiệu giao thông với phương pháp học tăng cường được huấn luyện để máy tính có thể học điều phối đèn tín hiệu một cách tự động. Mô đun thứ ba là xây dựng một mô hình giả lập ngã tư, từ đó có thể thiết kế các kịch bản giao thông và tiến hành thử nghiệm.
Đưa trí tuệ nhân tạo vào y tế
Ngoài giao thông, Hiếu còn mong muốn được ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học máy tính vào lĩnh vực y tế để tăng hiệu quả làm việc cũng như giúp bệnh nhân được chẩn đoán một cách chính xác nhất.
Trong năm 2019, Hiếu đã thực hiện đề tài nghiên cứu đề xuất phương pháp mới trong phân loại ảnh nội soi đường ruột. Đây là sản phẩm mà Hiếu tâm đắc nhất vì gần với hướng nghiên cứu chính mà mình theo đuổi, cũng là một phần trong khóa luận tốt nghiệp đại học của Hiếu. Đề tài này đã đạt giải nhất giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka 2019, lĩnh vực công nghệ thông tin.
Nghiên cứu này cũng đã được công bố tại hội nghị ACM Multimedia tại Pháp. Trung Hiếu còn được nhận tài trợ để tham dự hội nghị tại Nice, Pháp và đạt kết quả trình bày poster xuất sắc tại hội nghị.
Theo Hiếu, hệ thống sẽ giúp sàng lọc và phát hiện các bệnh thường gặp, các điểm giải phẫu trong ảnh nội soi và hỗ trợ đưa ra đề xuất các hình ảnh có nguy cơ cao cho bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnh.
“Việc này giúp giảm công sức cho các bác sĩ cũng như có hệ thống máy móc để tính toán một cách chính xác và hiệu quả hơn, hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ, giúp bác sĩ làm việc hiệu quả hơn, tăng số bệnh nhân được điều tra” - Hiếu chia sẻ.
Trong thời gian gần đây, Hiếu và nhóm nghiên cứu của mình bắt đầu nghiên cứu và tìm hiểu tính khả thi của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc giải quyết bài toán phân tích hình ảnh X Quang viêm phổi của những bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Sau đó, quan sát chuỗi hình ảnh đã chụp được để phân tích những hình ảnh đó một cách thông minh nhất và hiểu sâu hơn về căn bệnh này.
Hiếu mong muốn xây dựng hệ thống giúp bác sĩ có thể giải quyết căn bệnh này cũng như cung cấp thêm kiến thức cho bệnh nhân. “Việc ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học máy tính trong lĩnh vực y tế, người thực hiện cần phải liên tục trau dồi và có kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực, do đó, ngoài kiến thức trên trường, lớp thì đòi hỏi mình phải có khả năng tự học, tự nghiên cứu” - Hiếu chia sẻ.
Với Hiếu, những lần tham gia báo cáo khoa học quốc tế giúp anh học hỏi nhiều về tác phong làm việc từ các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, sinh viên quốc tế. Hiếu cho rằng, sinh viên Việt Nam không thua kém về trình độ lập trình, tư duy nghiên cứu nhưng chưa năng động và tự tin bằng sinh viên quốc tế. Chính vì thế, Hiếu tự nhủ mình phải chuyên nghiệp và nỗ lực nhiều hơn nữa.
Hiện tại, Hiếu đang bận rộn một số dự án đang dở dang tại phòng nghiên cứu ở Đại học Khoa học Tự nhiên, đồng thời "săn" học bổng tiến sĩ ngành AI tại một số đại học quốc tế.
Với nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học, Hoàng Trung Hiếu được vinh danh là một trong 12 gương mặt đạt danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2019. Hiếu cũng là một trong 8 sinh viên được UBND TP.HCM trao bằng khen vì có nhiều giải thưởng trong lĩnh vực AI và được trao Bảo trợ Tài năng trẻ của Thành Đoàn TP.HCM.
Cũng trong năm 2019, Trung Hiếu được bình chọn là một trong 10 Tài năng trẻ triển vọng giải thưởng Quả cầu vàng 2019 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng.
Linh Linh
Xem thêm