Cần một Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
Cần coi phát triển Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia là giải pháp đột phá và là động lực phát triến kinh tế - xã hội nước ta nhanh và bền vững
Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động sâu sắc đối với kinh tế, chính trị và xã hội của các quốc gia, vùng lãnh thổ, đến nay vẫn diễn biến khó lường trên qui mô toàn cầu; Việt Nam là một điểm sáng về khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng tiếp cận trạng thái bình thường mới; nhiều lĩnh vực kinh tế, đời sống đang phục hồi, có thể kể đến lĩnh vực giáo dục đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học, các học viện đã rất chủ động và thích ứng nhanh với diễn biến dịch bệnh, đã áp dụng sinh động và hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số vào giảng dạy và đào tạo, đặc biệt đã chủ động xây dựng các kịch bản để ổn định trở lại các hoat động đào tạo và thi tuyển sinh.
Báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến nhiều nhiệm vụ và giải pháp có tính khả thi cao để vừa sẵn sàng, chủ động ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn do Covid có thể gây ra và vừa để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tôi cho rằng cả trong thời gian trước mắt và lâu dài, đều cần phải chú trọng đến giải pháp khoa học công nghệ để áp dụng trong quản lý, tổ chức sản xuất, giám sát an toàn chất lượng, đặc biệt là cần phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST). Coi đây là giải pháp đột phá, là động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững. Chủ trương, chính sách phát triển nâng cao năng lực ĐMST quốc gia và chủ động tham gia cuộc Cách mạng 4.0 cũng đã được thể hiện trong Nghị quyết số 52/NQTW của Bộ Chính trị và được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện.
Hệ sinh thái ĐMST đóng vai rất trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa của đất nước, kiến tạo quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Việc hình thành hệ sinh thái ĐMST là một quá trình có nhiều điểm đột phá, xương sống là sự phát triển của nền khoa học và công nghệ quốc gia với vai trò dẫn dắt của các trường đại học và viện nghiên cứu, gắn bó hữu cơ với hoạt động của doanh nghiệp.
Với bài học kinh nghiệm thành công về ĐMST của các nước trên thế giới nơi các trường đại học đã trở thành hạt nhân thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, như trường Đại học KU Leuven của Bỉ là trường được xếp hạng ĐMST số 1 châu Âu, sở hữu hàng trăm sáng chế/năm, tạo ra gần 150 doanh nghiệp khởi nghiệp trong nhà trường (spin off) trên nhiều lĩnh vực công nghệ, mỗi năm chuyển giao khoảng 2.000 hợp đồng và hình thành quanh trường một hệ sinh thái ĐMST tương tác liên tục và bền vững giữa nhà trường với thị trường và doanh nghiệp.
Tương tự như vậy, tại Mỹ: 29/30 các thành phố công nghệ/thông minh hàng đầu được xây dựng xung quanh các trường đại học. Tại Hà Lan, nơi có nền nông nghiệp hiện đại hàng đầu thế giới thì Trường Đại học Wageningen được xem là xương sống, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp và hình thành các khu ĐMST (như Food valley và Seed valley tương tự như Silicon valley tại California...).
Đối với nước ta, để phát triển hệ sinh thái ĐMST quốc gia, cần có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa Chính phủ, cơ sở nghiên cứu và trường đại học, doanh nghiệp, trong đó Chính phủ giữ vai trò là hạt nhân kiến tạo và đổi mới, trường đại học và viện nghiên cứu có vai trò dẫn dắt, định hướng thông qua các phát kiến về công nghệ nguồn, bài toán lõi để định hướng sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế; doanh nghiệp là khu vực trung tâm đổi mới sáng tạo.
Để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi sau Covids và phát triển nền kinh tế bền vững, tôi đề nghị chúng ta cần tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ sau:
Nhiệm vụ trước mắt: Đánh giá toàn diện và đầy đủ tác động của đại dịch Covid đến các mặt của đời sống KT-XH, từ đó Nhà nước có thể huy động nguồn lực phù hợp và kịp thời, hỗ trợ người dân, các tổ chức, các doanh nghiệp khắc phục nhanh và hiệu quả các thiệt hại do dịch bệnh gây ra để sớm chủ động phát triển trong trạng thái bình thường mới;
(2) Nhiệm vụ chiến lược lâu dài: Cùng với các giải về thể chế, nguồn lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cần chú trọng xây dựng chiến lược, lộ trình, kế hoạch trung hạn và dài hạn để phát triển các HST ĐMST; đồng thời, ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và cơ sở hạ tầng để các HST ĐMST phát triển thuận lợi và sớm phát huy hiệu quả. Cần quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, viện NC, trung tâm KHCN quốc gia đủ tầm, đủ mạnh để giải quyết các bài toán về công nghệ để phục vụ phát triển KT-XH.
Như vậy, chúng ta cần coi phát triển Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia là giải pháp đột phá và là động lực phát triến kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Chiến lược phát triển các Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lành mạnh và có tính kiến tạo cao chắc chắn sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp - nơi mà chúng ta đang có nhiều lợi thế và dư địa để đổi mới sáng tạo. ĐMST là chìa khóa để biến Việt Nam khát vọng hung cường thành một quốc gia khởi nghiệp, có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế.
Nguyễn Thị Lan
(Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)
Xem thêm