Doanh nghiệp Việt 'ưu ái' dùng công nghệ nội sau đại dịch


Sau Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhận ra không nên phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu và đây cũng mở ra cơ hội cho hàng nội địa.

IMG_0481.jpeg

Nửa đầu năm 2020, thế giới chứng kiến cuộc khủng hoảng lớn với quy mô toàn cầu. Tại Việt Nam vào giai đoạn đầu của dịch, giao thương quốc tế bị đình chỉ, giao dịch với đối tác nước ngoài bị trì hoãn. Nhưng khi trong nước đã kiểm soát được dịch, việc lưu thông với bên ngoài vẫn gặp khó khăn do tình hình các nước khác vẫn căng thẳng.

Để chủ động hơn trong sản xuất, doanh nghiệp Việt nhận ra đây là thời cơ để tự liên kết và tạo thành liên minh, nhằm hỗ trợ lẫn nhau từ cung ứng để sản suất và phân phối, nhưng đi cùng với cơ hội là thách thức. Đây cũng là chủ đề của HAMEE Cafe Talk kỳ đầu tiên với chủ đề “Made by Vietnam”, được tổ chức sáng 27/6.

Sau giãn cách xã hội, đây là lần đầu tiên Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE) tổ chức gặp mặt để các doanh nghiệp thành viên giới thiệu sản phẩm, kết nối với nhau và ngồi lại để bàn về các vấn đề sắp tới.

Buổi cafe talk có sự tham gia đông đủ của các doanh nghiệp hội viên, cũng như các chuyên gia đến từ sở, ngành.

Đại diện nhà tài trợ chính Atlas Copco Việt Nam chia sẻ về tình hình hoạt động của công ty trong và sau dịch, ông cho biết nhờ sự chủ động trong sản xuất nội địa, công ty có thể đáp ứng tốt nhu cầu cho các đối tác, hoạt động kinh doanh không bị trì trệ đáng kể.

Là doanh nghiệp mạnh trong ngành cơ khí - điện, Duy Khanh Engineering sống khỏe qua dịch nhờ có đội ngũ R&D là người Việt, dây chuyền sản xuất trên địa bàn thành phố, giúp sản phẩm được đưa ra không gián đoạn và tiếp cận khách hàng nhanh nhất.

Gian hàng của Ngô Phan, trưng bày các sản phẩm cơ khí được tự động hóa, đáp ứng nhu cầu cho các công ty lớn nhỏ tại Việt Nam. Công ty chủ động công nghệ và phát triển thiết bị đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất như lắp ráp ô tô, chế biến đồ gia dụng hay thực phẩm.

1593304147-100.jpg

Công ty Nhất Tâm mang đến sản phẩm đèn và tấm năng lượng mặt trời. Theo chia sẻ, pin sạc trong 6 tiếng nhưng có thể duy trì sử dụng trong 24 giờ; trong khi đó đèn tỏa rất sáng nhưng tiết kiệm điện đến 30%. Thiết bị cũng được tự động hóa nhằm tự thích nghi với môi trường, từ đó điều chỉnh lượng sáng phù hợp.

1593304172-100.jpg

Petro Miền Nam với các dòng sản phẩm dầu nhớt được sản xuất hoàn toàn trong nước. Đại diện công ty cho biết, nguồn nguyên liệu đầu vào được lấy từ các mỏ khai thác ở vùng biển Việt Nam rồi được xử lý tại nhà xưởng trong nước. Điều này giúp chủ động nguồn cung cũng như hạ giá thành, cho người dùng sản phẩm tốt mà vẫn có thể cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại.

Công ty chế tạo máy Việt Sơn giới thiệu sản phẩm và khả năng gia công, đáp ứng được nhu cầu của ngành công nghiệp siêu trọng, siêu trường. Không chỉ phục vụ tốt các doanh nghiệp trong nước, mà công ty còn là đối tác với khách nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore.

Sau phần doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm là buổi nói chuyện của các chuyên gia. Trong ảnh từ trái sang: Ông Nguyễn Duy Toàn - PGĐ Cty Hồng Ký, bà Lê Thị Hồng Loan - GĐ Cty Hàn Mỹ Việt, ông Bùi Thanh Luân - GĐ Cty Hiệp Phát CNC, TS. Huỳnh Thanh Điền là chuyên gia về kinh tế & tài chính, bà Lê Nguyễn Duy Oanh - PGĐ CSID Sở Công thương cùng ông Kiều Huỳnh Sơn - TGĐ Cty Thép Việt.

Bà Lê Thị Hồng Loan nhận định nhu cầu của thị trường trong nước là rất lớn, xu hướng ủng hộ sản phẩm Việt cũng tăng cao nhất là sau giai đoạn khó khăn vừa qua khi phải ngừng giao bang với thế giới. Ngoài việc doanh nghiệp Việt chủ động được nguồn cung, bà cho biết khoảng cách địa lý cũng là một ưu thế.

Theo ông Nguyễn Duy Toàn, doanh nghiệp Việt cần tận dụng thời cơ để bật dậy, thông qua việc cập nhật công nghệ mới để đạt chuẩn của thế giới, nhằm cho ra sản phẩm có chất lượng ổn định và bên cạnh đó là dịch vụ chuyên nghiệp, tạo niềm tin cho khách hàng.

Đại diện 3D Smart chia sẻ giữa buổi nói chuyện. Công ty chuyên về in 3D, hiện là đối tác của nhiều thương hiệu lớn như Vinfast, cho biết doanh nghiệp nội cần có đội R&D vững mạnh để thị trường trong nước không cần tìm kiếm đối tác xa xôi ở nước khác, đây cũng là một thách thức không nhỏ với nhiều SME.

Nữ doanh nhân đến từ một công ty trẻ trong ngành, chia sẻ mặc dù có thể chủ động được nhiều khâu từ sản xuất đến phân phối, nhưng vẫn còn một số trở ngại nhất định đến từ chính sách hay thuế.

Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, bà Lê Nguyễn Duy Oanh đến từ Sở Công thương, cho biết hiện tại thành phố đã có nhiều chủ trương để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là giai đoạn hậu dịch, các chính sách này sẽ sớm được thông qua để tạo động lực thời bình thường mới.

Chuyên gia kinh tế TS. Huỳnh Thanh Điền đề xuất lập danh mục doanh nghiệp nội, ít nhất là trên địa bàn thành phố. Trong danh sách này sẽ phân loại doanh nghiệp dẫn dắt, doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp vệ tinh - lần lượt là công ty có R&D và tự sản xuất, công ty mạnh về marketing cũng như công ty tiêu thụ sản phẩm để sản xuất ở quy mô nhỏ hơn.

Bằng danh mục cụ thể như vậy, thành phố sẽ có chính sách rõ ràng và áp dụng đúng đối tượng hơn, giúp doanh nghiệp dù là chủ động công nghệ để sản xuất hay mua lại công nghệ để tạo ra sản phẩm và từ đó đẩy mạnh liên minh hàng nội, lĩnh vực nào cũng có mặt sản phẩm Việt.

Qua buổi thảo luận, nhiều ý kiến được chia sẻ, nhiều quan điểm được đưa ra. Doanh nghiệp nhận được kinh nghiệm lẫn nhau để kinh doanh vào thời kỳ sau dịch, đại diện thành phố cũng lắng nghe chia sẻ và sẽ có các chính sách phù hợp để đẩy mạnh kinh tế nội, giảm phụ thuộc nước ngoài.

Quang Niên


Xem thêm