TP.HCM định hướng phát triển khu Đô thị sáng tạo phía Đông
Quy hoạch phát triển đô thị Sáng tạo là chủ trương, định hướng chiến lược phát triển mới của Thành phố Hồ Chí Minh nằm trên trục phát triển hướng Đông - Đông Bắc thành phố về phía quận 2, quận 9, quận Thủ Đức. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng lợi thế và có triển vọng trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Thành phố dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là kinh tế tri thức và khoa học công nghệ.
Sáng ngày 23/11, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Định hướng quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM”. Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM.
Hội thảo lần này nhằm thảo luận định hướng quy hoạch khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP, các mục tiêu phát triển đô thị ngắn hạn và dài hạn; lộ trình triển khai các trung tâm sáng tạo giai đoạn 2020 – 2025.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố đang tìm kiếm chiến lược phát triển để chuyển đổi khu vực phía Đông trở thành thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao. Đã có nhiều cuộc hội thảo quốc tế, trao đổi ý kiến chuyên gia và đi đến thực hiện cuộc thi ý tưởng quốc tế nhằm tìm kiếm những ý tưởng để quy hoạch không gian đô thị có tích hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Hoan, đô thị sáng tạo tương tác cao là một cách tiếp cận mới, trong đó chú trọng về sự phát triển kinh tế kết hợp với quy hoạch đô thị. Mô hình này được lãnh đạo TP.HCM lựa chọn như là một chiến lược phát triển cho khu vực phía Đông . Trong đó đô thị sáng tạo là cấu trúc giúp cho mọi người sinh sống ở trong đó có thể làm việc tốt hơn, sáng tạo hơn và là động lực phát triển kinh tế của khu vực.
Giải pháp đô thị sáng tạo
Tại hội thảo, các đơn vị đạt giải đã đề xuất nhiều ý tưởng hay, sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của TP.HCM hiện nay và trong tương lai. Trong đó, tập trung vào thảo luận giải pháp tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo trên các phương diện: nguồn nhân lực, chọn lựa các ngành kinh tế và sản phẩm chủ lực, sự hợp tác ba bên nhà trường - nhà doanh nghiệp - nhà nước cũng như thảo luận nguyên tắc quản trị và vận hành đô thị sáng tạo theo hướng đổi mới…
Một trong những góp ý được lãnh đạo TP.HCM đánh giá cao là ý tưởng về tầm nhìn với 5 mục tiêu chiến lược cần duy trì như: Phát triển công nghiệp đi liền với tiến bộ xã hội, xây dựng 4 điểm đến tương tác, tăng trưởng dựa trên liên kết, nguồn dự trữ sinh thái cho Thành phố, nguồn nhân lực tri thức cao.
Trong đó những mục tiêu thiết thực như nâng cao chất lượng sống khu dân cư hiện hữu và chiến lược cải thiện giao thông hay giải quyết bài toán ngập lụt được ghi nhận.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển đô thị trên nền tảng những đô thị đã được đầu tư sẵn có. Trong đó, tập trung vào các không gian công cộng và khuyến khích kinh tế khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, thực hiện các dự án ở nhiều cấp độ để chuyển đổi giao thông dựa trên các hành lang giao thông công cộng chính, kết nối nhanh cấp vùng, phát triển các hành lang vận tải logistic riêng biệt, giao thông điểm cuối và sử dụng các giải pháp dựa trên năng lượng tái tạo, không phát thải CO2.
Thành lập ban quản lý cho đô thị sáng tạo
Phát biểu chỉ đạo tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định rằng, cần có hệ thống chính quyền tương thích để quản lý Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Ngoài ra cũng cần thành lập Ban chỉ đạo để giám sát đồng bộ mọi quy hoạch và triển khai đầu tư vào quận 2, 9, Thủ Đức trong thời gian tới.
Cùng với việc việc quản lý khu đô thị sáng tạo, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM cũng khẳng định thành bộ phận chuyên trách để tạo ra quy định nhằm nâng cao sự linh hoạt khi ra quyết định hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ cao và kinh tế tri thức. Xây dựng các công cụ để thu hút được sự hưởng ứng của cộng đồng dân cư và DN tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu và tạo cơ hội kinh doanh.
Ông Phong cũng cho biết, Thành phố đang đẩy mạnh thực hiện các dự án hợp tác với các trường đại học hàng đầu trong nước và quốc tế như Đại học Quốc gia, Đại học Fulbright, Đại học Việt Đức,... TP đang tiến hành xây dựng Trung tâm sáng tạo tại Đại học Quốc gia, hình thành Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo tại Khu công nghệ cao TP để thu hút và tạo môi trường làm việc cho sinh viên và doanh nghiệp trẻ. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ sớm cụ thể hóa các ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch. Đồng thời, rà soát các cơ sở pháp lý hiện nay, xây dựng các quy định mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để hình thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố.
Buổi hội thảo cũng đã trao giải thưởng cuộc thi tuyển quốc tế Ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM.
Giải Nhất thuộc về công ty Sasaki Associates, Inc (Hoa Kỳ) đạt giải nhất
Giải Nhì thuộc về Liên danh G8A Architecture and Urban Planning Limted Company (Việt Nam) và KCAP Architects & Planners (Thụy Sĩ)
Giải giải khuyến khích thuộc về: Liên danh FCG Finnish Consulting Group Design and Engineering và Eriksson Architeets Ltd; Liên danh Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP) và Research Urbanism & Architeture (RUA ); Liên danh Nikken Sekkei Research Institute và Eight -Japan Engineering Consultants Ine; AECOM Singapore Pte.Ltd.
Khu đô thị sáng tạo đầu tiên của TP. HCM sẽ được xây dựng tại phía Đông thành phố bao gồm quận 9, quận 2, quận Thủ Đức, có diện tích 212 km2, dân số khoảng 943.390 người, mật độ dân số 4.448 người/km2 trong đó, quận 2 có diện tích 50 km2, dân số khoảng 155.234 người, mật độ dân số 3.105 người/km2; quận 9 có diện tích 114 km2, dân số khoảng 263.486 người, mật độ dân số 2.311 người/km2; quận Thủ Đức có diện tích 48 km2, dân số khoảng 524.670 người, mật độ dân số 10.930 người/km2).