GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Bản chất lấy mẫu bệnh phẩm tại nhà phải là một công nghệ”
Hơn 22 năm kiên trì, bền bĩ đưa công nghệ lấy mẫu bệnh phẩm tại nhà từ Nhật Bản triển khai tại Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Anh Trí tin rằng đây sẽ là một dịch vụ đặc biệt tiện ích của một xã hội văn minh trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Thưa GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí, được biết ông là giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực Huyết học-Truyền máu TW với hơn 30 năm cống hiến cho nền y học nước nhà. Sau khi về hưu năm 2017, ông đảm nhiệm chức vụ gì ở MEDLATEC?
Ngày 2/10/2017, tôi chính thức rời nhiệm sở và trở về làm việc ở Tập đoàn MEDLATEC, mà chủ yếu là Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với vai trò Chủ tịch Hội đồng cố vấn.
Medlatec có trên 1.400 cán bộ nhân viên, trong đó trên 30 nhà khoa học là tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, giáo sư, phó giáo sư đang làm việc. Vì vậy, từ lâu Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC rất cần người giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng cố vấn, nhưng do khó tìm người phù hợp nên khi tôi về hưu thì MEDLATEC bổ nhiệm tôi vào vị trí này.
Nhiệm vụ của Hội đồng cố vấn chủ yếu là công tác khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong đào tạo cán bộ, chủ trì giao ban, thảo luận các ca bệnh khó, triển khai các công nghệ kỹ thuật mới, tham gia giảng dạy, làm đề tài cấp bộ, cấp nhà nước...
Là cơ sở khám chữa bệnh có uy tín trong cả nước, đặc biệt là khu vực miền Bắc, MEDLATEC bắt đầu triển khai dịch vụ lấy bệnh phẩm tại nhà từ khi nào, thưa Giáo sư?
MEDLATEC hình thành từ ngày 6/3/1996, do tôi thành lập khi còn là một bác sĩ bình thường, chưa làm quản lý. Ngay từ thời kỳ này, chúng tôi đã triển khai dịch vụ lấy bệnh phẩm tại nhà và không ngừng phát triển cho đến hôm nay.
Đến nay, MEDLATEC đã có hơn 45 cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước, bao gồm bệnh viện, phòng khám, chi nhánh và văn phòng đại diện; trong đó có 15 tỉnh là đã có chi nhánh.
MEDLATEC là cơ sở khám chữa bệnh đa khoa, có tất cả các chuyên khoa, trong đó có những chuyên khoa mạnh như chẩn đoán hình ảnh, hô hấp, cơ-xương-khớp… Nhưng, nòng cốt của MEDLATEC là trung tâm xét nghiệm. Trung tâm xét nghiệm của Medlatec là thuộc hàng tốt nhất cả nước, kể cả công và tư. Đánh giá này là của Bộ Y tế khi đến kiểm tra ở MEDLATEC và của nhân dân khi sử dụng dịch vụ của MEDLATEC.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng nòng cốt của MEDLATEC là trung tâm xét nghiệm, còn chủ lực chính là lấy bệnh phẩm tại nhà. Bởi vì, để đánh giá sự phát triển của một labo, quan trọng nhất là ở lượng mẫu bệnh phẩm. Lượng mẫu bệnh phẩm của Trung tâm xét nghiệm MEDLATEC là khá lớn.
MEDLATEC thu về lượng bệnh phẩm từ 3 nguồn sau: 1/Từ các cớ sở khám chữa bệnh của MEDLATEC; 2/ Từ hoạt động khám sức khỏe cho các cơ quan, xí nghiệp…; 3/ Và qua dịch vụ lấy mẫu tại nhà, tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và công lập. Trong đó, lượng bệnh phẩm chủ yếu nhất là lấy tại nhà.
Bên cạnh hoạt động khám sức khỏe ở MEDLATEC cho các doanh nghiệp, cơ quan đặc biệt là có các bộ, ngành, hiệp hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước…là rất phong phú; thì hoạt động lấy bệnh phẩm tại nhà tại MEDLATEC là rất mạnh. Đối với lượng bệnh phẩm lấy tại nhà, mỗi ngày chúng tôi thu về ít nhất từ 2.000 đến 3,000 bệnh phẩm, thậm chí trong mùa dịch 1 ngày có thể lên đến 4.000 bệnh phẩm.
Được biết, ông đã gặp rất nhiều gian nan khi đưa công nghệ lấy bệnh phẩm tại nhà từ Nhật Bản về Việt Nam?
Sau khi thành lập MEDLATEC, dù ban đầu mới chỉ là một labo nhỏ nhưng chúng tôi đã triển khai dịch vụ lấy bệnh phẩm tại nhà.
Đến bây giờ, có thể nói MEDLATEC đã thành công trên hướng đi của mình. Không chỉ Hà Nội, mà hàng ngày thông qua các văn phòng đại diện của mình, MEDLATEC đã đi lấy hàng ngàn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày trên cả nước.
Đây là quá trình hết sức gian nan vì trong những năm 90, Việt Nam chưa có hề có dịch vụ này. Trong khi đó, quy trình khám chữa bệnh thông thường mà mọi người đều nghĩ là hợp lý nhất là: ốm thì đến bệnh viện khám, khám xong bác sĩ mới chỉ định xét nghiệm, trả xét nghiệm xong thì bác sĩ sẽ kê đơn…
Lúc đó, chúng tôi gặp phải sự phản ứng của cả cộng đồng, cho rằng quy trình của chúng tôi là “lộn ngược”. Ngay cả nhà đầu tư cũng phản đối vì quá tốn kém mà không thành công.
May mắn là tôi được học ở Nhật Bản, tận mắt thấy đây thật sự là một xu hướng của các nước tiên tiến, văn minh. Vì vậy, tôi có niềm tin sắt đá rằng người dân sẽ nhìn thấy lợi ích tuyệt vời của dịch vụ lấy bệnh phẩm tại nhà.
Ngoài ra, tính cách của tôi là vô cùng bền bỉ, kiên nhẫn, bởi tôi đi lên từ nghèo khó… Là một bác sĩ, tôi nhìn thấy có rất nhiều hoạt động khám chữa bệnh bắt đầu từ xét nghiệm, như tiểu đường, nhồi máu cơ tim, mỡ trong máu, ung thu hay kiểm tra sức khỏe. Tôi tin quy trình khám chữa bệnh của Việt Nam sẽ thay đổi để hội nhập với thế giới.
Người Nhật dạy tôi rằng: lấy bệnh phẩm tại nhà là một công nghệ. MEDLATEC đã thành công trước hết do chúng tôi đã có định hướng gốc rễ đúng cơ bản.
Thực tế ở Hà Nội, đã có nhiều đơn vị khác cũng đứng ra tổ chức lấy bệnh phẩm tại nhà, nhưng nhanh chóng thất bại vì tư duy sai, cho là đơn giản chỉ cần có vốn đầu tư, thuê người đi lấy bệnh phẩm, phương tiện xe cộ tốt, có một số dụng cụ máy móc… Thật sự, khi nghĩ đây là một công nghệ, thì mới tổ chức theo một công nghệ.
Công nghệ đó là tổ chức tiếp nhận thông tin từ các app, website, điện thoại; rồi xử lý thông tin; rồi tổ chức việc đi lấy bệnh phẩm qua tổ chức cung đường, bố trí nhân lực, trang bị phương tiện; việc lưu giữ, bảo quản, vận chuyển bệnh phẩm; làm xét nghiệm; trả lời kết quả (bản mềm, bản cứng); tư vấn kết quả xét nghiệm… Hiện nay, MEDLATEC đã quản lý dịch vụ này theo cách tập trung và đã thực hiện được quản lý tiến trình.
Chính vì MEDLATEC tổ chức tất cả những công đoạn này theo các công nghệ nên đã giúp chúng tôi phát triển bền vững như ngày hôm nay.
Chúng tôi xem những nhân viên đi lấy bệnh phẩm tại nhà không phải là người thợ, mà là người trực tiếp mang thông tin y tế và thực hiện hoạt động chuyên môn đến tận nơi. Trong quá trình đào tạo, tôi luôn nhấn mạnh nhân viên cần có 2 thuộc tính bắt buộc, đó là tinh nhuệ về nghề nghiệp và tính trung thực, thật thà.
Có một việc chưa hề thay đổi suốt 24 năm qua, đó là tiền công đi lại luôn là 10.000 đồng, với tất cả mọi nơi. Chúng tôi kiên quyết không thay đổi, dù có thể đi lấy bệnh phẩm rất xa. Luật này do chính MEDLATEC đề ra và sẽ không bao giờ thay đổi.
MEDLATEC đã thực hiện những đổi mới nào trong công nghệ lấy bệnh phẩm tại nhà, thưa Giáo sư?
Thứ nhất là đổi mới trong hệ thống đặt lịch để lấy bệnh phẩm. Hệ thống đặt lịch của chúng tôi gồm tổng đài với gần 50 người trực điện thoại 24/24, website của MEDLATEC, Facebook, fanpage, app iCNM. Tháng vừa qua gần 3.000 người liên lạc qua app iCNM với tổng doanh thu gần 3 tỷ đồng. Bên cạnh app iCNM, chúng tôi còn có các app khác như MomTour, app Video call để theo kịp xu hướng.
Kế đến là đổi mới trong tổ chức hệ thống. Chẳng hạn như ở Hà Nội, chúng tôi phân khu để đi lấy bệnh phẩm. Các cuộc gọi, đặt lịch qua các app trong toàn quốc đều được chuyển về hệ thống điều hành chung; rồi phân ra cho các nhân viên phụ trách địa bàn đó. Mỗi ngày từ 5 giờ sáng nhân viên của MEDLATEC đã đi lấy bệnh phẩm, và đến 8 giờ sáng mỗi người có thể đi ít nhất từ 5 đến 10 địa chỉ. Các mẫu bệnh phẩm được mang về trạm trung chuyển và sẽ có người phụ trách đưa về Trung tâm xét nghiệm. Tất cả thông tin đều được xử lý thông qua app.
Quản lý chất lượng, một nội dung quan trọng nhất của hệ thống labo MEDLATEC đã được triển khai theo tiêu chuẩn quốc tế (Úc, Anh, Pháp), vì chúng tôi coi đây là điều kiện sống còn đối với MEDLATEC. Nhờ đó, hầu hết các đại sứ quán, tập đoàn lớn của nước ngoài có trụ sở đặt ở Hà Nội đều tin tưởng sử dụng dịch vụ ở Medlatec. Ngoài ra, theo thống kê của MEDLATEC, có đến hơn 90 nước và vùng lãnh thổ đang dùng dịch vụ của chúng tôi.
Hàng ngày, các bác sĩ được bố trí xem kết quả xét nghiệm và tư vấn cho khách hàng. Đặc biệt, tư vấn ngay khi phát hiện kết quả xét nghiệm của khách hàng có bất thường.
Như vậy, công nghệ tư vấn của chúng tôi chính là sự kết hợp của kinh nghiệm, cách thức tổ chức, kiến thức, trách nhiệm với đội ngũ nhân sự hùng hậu.
Giá cả các dịch vụ của MEDLATEC cũng khiến nhiều người ngạc nhiên, vì chỉ cao hơn khoảng từ 20% đến 30% so với giá nhà nước và được khám bảo hiểm.
Thưa Giáo sư, dịch vụ lấy bệnh phẩm tại nhà mang lại những lợi ích gì cho nhân dân?
Dịch vụ này mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng, điển hình là:
Mang lại sự thuận tiện cho bệnh nhân, đặc biệt là người bệnh nặng, trẻ nhỏ cần làm xét nghiệm lúc nửa đêm, sáng sớm, người bận rộn.
Tăng hiệu quả cho công tác khám chữa bệnh, bình đẳng được việc thụ hưởng những công nghệ y khoa tiên tiến, chẳng hạn như người trên Điện Biên cũng thụ hưởng công nghệ xét nghiệm ngang bằng với người ở Hà Nội…
Thêm nữa là với dịch vụ này, nhân dân sẽ thực sự có điều kiện quan tâm đến sức khỏe của bản thân mình, có thể chủ động kiểm tra sức khỏe qua xét nghiệm máu để phát hiện được bệnh sớm khi chưa có biểu hiện lâm sàng.
Với những lợi ích thiết thực như vậy thì MEDLATEC có kế hoạch phát triển dịch vụ này trong tương lai như thế nào, thưa ông?
Tôi mong muốn triển khai dịch vụ này ở tất cả 63 tỉnh thành. Kế hoạch năm 2020-2021, MEDLATEC sẽ mở rộng hơn nữa xuống phía Nam. Bên cạnh đó, MEDLATEC sẽ triển khai thêm hệ thống labo hiện đại, đồng bộ ở các khu vực khác.
Do mang lại nhiều lợi ích cho các hãng cung cấp máy móc qua việc tiêu thụ hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm… nên có thể nói nếu có bất cứ công nghệ mới nào xuất hiện thì các hãng đều đến lắp đặt ngay cho MEDLATEC.
Vừa qua, trong dịch Covid-19, MEDLATEC là 1 trong 2 cơ sở tư của cả nước và duy nhất ở miền Bắc được cho phép làm xét nghiệm sàng lọc và khẳng định. Ngoài ra, MEDLATEC còn được Bộ Y tế và Sở Y tế thành phố Hà Nội mời tham gia xét nghiệm sàng lọc cho gần 1.000 người nghi nhiễm Covid-19 trong đợt cao điểm.
Xin cảm ơn GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí.
Cơ duyên đưa GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí đến với dịch vụ lấy bệnh phẩm tại nhà và khai sinh Bệnh viện MEDLATEC vào năm 1996
Từ năm 1993-1994, ông đi tu nghiệp tại Nhật Bản để tham gia khóa học về Công nghệ y tế lâm sàng (Medical Clinical Technology course).
Cuối năm 2014, ông về nước. Nhờ lợi thế du học tại nước có công nghệ cao và vốn ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Nhật) tốt, ông được rất nhiều cơ sở y tế mời vào làm việc, nhưng ông đều từ chối vì đam mê công việc ở Bệnh viện Việt Xô.
Tuy nhiên, có một việc đã tác động nhiều đến ông và tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời vị Giáo sư này là khi ông nhìn thấy đời sống của bạn bè mình rất khó khăn, cơ hội việc làm ít mặc dù họ là những bác sĩ giỏi.
Ông thương bạn bè mình nên “muốn tổ chức một việc gì đó giúp tạo việc làm cho bạn bè để có thêm thu nhập, mà thực sự khi đó không ai nghĩ đến câu chuyện sẽ thành công như ngày hôm nay”, GS Nguyễn Anh Trí bộc bạch.
Năm 1996, ông nhận lời hợp tác với Bệnh viện Đa khoa Tràng An (Hà Nội). Ở đó, ông thành lập một phòng xét nghiệm nhỏ (labo).
Từ đó, ông mời được các bạn tham gia vào làm việc trong phòng xét nghiệm này. “Đầu giờ sáng và sau giờ làm việc ở cơ quan thì tôi ghé vào, còn anh em thì ở đó cứ chủ động làm việc”, GS Trí chia sẻ.
GS Nguyễn Anh Trí kể nhóm bạn bè của ông có 4-5 người “quý nhau, trọng nhau và tin nhau”. Từ đó trở đi, phòng xét nghiệm của ông cứ thế phát triển dần lên.
Nhìn về quãng thời gian đó, GS Trí cho biết MEDLATEC có 2 đặc điểm khác biệt so với các hình thức khởi nghiệp khác là không ai nộp vốn vào MEDLATEC và hơn 10 năm không ai là quản lý. Nhóm của ông xem như làm công cho Bệnh viện Đa khoa Tràng An, ăn chia theo tỷ lệ xét nghiệm và anh em trong nhóm giữ lại một phần thu nhập có được để phát triển labo. Lúc ấy, ông được xem là “thủ lĩnh” của nhóm, anh em nghe theo ông vì họ là bạn, là họ trò và được ông mời vào làm việc.
Năm 2000, nhóm của ông tách ra khỏi Bệnh viên Đa khoa Tràng An, xây dựng labo riêng đặt tên là MEDLATEC.
GS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh để MEDLATEC được “cơ ngơi” như ngày hôm nay chính là nhờ “tình đồng đội, sự tin cậy” lẫn nhau của các thành viên trong nhóm.
Minh Giang (Khám phá)
Xem thêm