Giám đốc Quỹ đầu tư 500 Startups trả lời câu hỏi "Gọi vốn bao nhiêu là đủ?"


Các nhà đầu tư không bỏ tiền ra để giúp một startup duy trì sự sống mà để cho startup đó tăng trưởng. Là nhà sáng lập, bạn hãy dừng việc tính số vốn cần gọi bằng cách lấy số tiền cần tiêu hàng tháng cộng thêm các chi phí nhân sự và marketing có thể nảy sinh rồi nhân với 18 hoặc 24 để ra một kết quả tuỳ tiện.

about-peer-to-peer-main-image-1864x1003-1569485003270536177764.png

Khi đề cập đến chủ đề gọi vốn, một trong những điều các nhà sáng lập thường được nghe là họ nên gọi vốn đủ cho đường băng khoảng 18-24 tháng (và "dự trù tăng kinh phí nhân sự khi tuyển thêm người, v.v..."). Đó là lời khuyên bạn nên nghe nếu như bạn không muốn thất bại.

Tuy nhiên, nếu như bạn muốn thành công, hãy bắt đầu nghĩ khác đi một chút. Hãy để ý rằng đối với một số những công ty xuất sắc nhất, họ có xu hướng không tuân theo chu kì gọi vốn sau mỗi 12 tháng mà thường gọi sớm hơn nhiều (VD: sau 6 tháng) hoặc muộn hơn nhiều. Lý do là họ đã đạt được những mục tiêu quan trọng sớm hơn dự định, hoặc là họ không có nhu cầu tìm vốn ngoài vì doanh thu tăng trưởng nhanh hơn tốc độ thuê người (điều này có thể xảy ra đó).

Là một nhà sáng lập, đó là kiểu công ty mà bạn cần phải phấn đấu để xây dựng và lãnh đạo.

Vì lời khuyên "đường băng 18-24 tháng" quá phổ biến nên nhiều nhà sáng lập cứ vậy tuân theo mà không biết TẠI SAO lời khuyên đó lại tồn tại. Trên con đường đi đến thành công, câu hỏi TẠI SAO luôn quan trọng hơn là câu hỏi CÁI GÌ.

Các startup cần gọi vốn vì một trong ba nguyên nhân sau:

  • Để duy trì hoạt động;

  • Để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh (lưu ý: tuyển thêm người về bản chất KHÔNG PHẢI là sự tăng trưởng. Nó chỉ là hệ quả của tăng trưởng mà thôi);

  • Bởi vì nguồn vốn đó là vốn "miễn phí."

Đa phần startup trong những giai đoạn ban đầu đều gọi vốn vì những lý do (1) và (2). Trừ khi startup của bạn là Slack hay Uber, khả năng cao là bạn không gọi vốn vì nguyên nhân (3) -- kể cả khi bạn tưởng là như vậy.

Khi một nhà đầu tư quyết định bỏ tiền vào một startup, họ cũng có ba động cơ:

  • Tiền của họ có thể đưa startup đó lên qui mô với mức định giá cao hơn hiện tại;

  • Họ có thể hỗ trợ để đưa startup đó lên qui mô với mức định giá cao hơn hiện tại;

  • Họ tin rằng công ty đó có khả năng đạt được qui mô với mức định giá cao hơn hiện tại -- cho dù có nhận được tiền hay sự hỗ trợ của họ hay không.

Mẫu số chung ở đây là có cơ sở cho thấy khả năng sinh lời khi đầu tư.

Vì vậy, khi bạn trao đổi với nhà đầu tư với hi vọng gọi vốn cho "đường băng 18-24 tháng" nhưng không nêu được lý do tại sao con số đó lại có ý nghĩa với hoạt động kinh doanh, bạn sẽ không thể liên kết cái mà nhà đầu tư muốn với cái mà bạn cần.

Điều đó chẳng khác gì nói với nhà đầu tư rằng, "Tôi muốn nhận tiền của ông/bà và trả lương cho bản thân trong 2 năm tới. Tôi chắc rằng công việc kinh doanh sẽ tiến triển trong thời gian đó thôi, nhưng mà cũng không chắc là đến mức nào..."

Các nhà đầu tư KHÔNG bỏ tiền ra để giúp một startup duy trì sự sống mà để cho startup đó tăng trưởng. Là nhà sáng lập, bạn hãy dừng việc tính số vốn cần gọi bằng cách lấy số tiền cần tiêu hàng tháng cộng thêm các chi phí nhân sự và marketing có thể nảy sinh rồi nhân với 18 hoặc 24 để ra một kết quả tuỳ tiện. Thay vào đó, hãy bắt đầu nghĩ xem mốc quan trọng tiếp theo mà bạn có thể dùng làm tiền đề gọi vốn là gì và từ đó tính ngược lại các chi phí cần bỏ ra (tuyển dụng, marketing, v.v...) SAU ĐÓ, hãy cộng thêm 30-50% nữa để dự phòng. Như vậy, câu chuyện gọi vốn của bạn sẽ trở thành: "Tôi có thể giúp công ty tăng trưởng, do đó ông/bà sẽ đạt được cái mình muốn. Tôi chỉ cần số tiền/sự hỗ trợ mà ông/bà có sẵn."

Một mốc quan trọng phù hợp để làm tiền đề gọi vốn là thành tựu mà startup của bạn có thể đạt được và cho nhà đầu tư vòng này thấy bạn đã thành công trong việc giảm thiểu những rủi ro chính mà công ty cần khắc phục ở vòng gọi vốn trước. Nó còn phải đưa ra bằng chứng thể hiện tiềm năng tăng trưởng cao (hoặc thậm chí là cao hơn trước kia).

Tôi rất muốn thấy các nhà sáng lập ngừng đưa ra những con số tuỳ tiện như $1 triệu. Thay vào đó, họ có thể trình bày như sau: "Với vòng gọi vốn này, chúng tôi muốn tăng trưởng để có thể tiến tới vị thế phù hợp cho vòng gọi vốn sau. Dựa vào những tính toàn cho vòng sau, chúng tôi nghĩ mình sẽ cần đạt được mức KPI là X và chứng tỏ được A, B, C, nhờ đó có thể thuyết phục các nhà đầu tư ở vòng sau góp vào câu chuyện của chúng tôi. Chúng tôi DỰ TÍNH mình sẽ cần khoảng $xxx (hãy tính cả những mục phát sinh như tuyển thêm người phục vụ tăng trưởng kinh doanh, chi phí marketing thêm, v.v...). Với số tiền đó, dựa trên mức độ tăng trưởng hiện tại cũng như con số dự tính ở mức vừa phải, chúng tôi hi vọng sẽ đạt được mốc quan trọng kia trong vòng 6-10 tháng. Cộng với mức dự trù 30-50%, ở vòng này, chúng tôi muốn gọi $XXX."

Nếu bạn huy động một số vốn cho đường băng ngẫu nhiên nào đó chứ không có lý do, cơ sở cụ thể, bạn sẽ không có cửa thắng.Có hai khả năng có thể xảy ra. Nếu như startup của bạn có thể sống sót, có thể bạn sẽ gọi vốn nhiều hơn mức cần thiết, mất đi quá nhiều cổ phần, và tiêu xài quá độ chỉ để đạt được những mốc quan trọng mà đáng lẽ bạn có thể đạt được với chi phí thấp hơn. Khả năng thứ hai là thất bại -- tiền thì nhiều mà không biết tiêu vào đâu, thành ra bạn tiêu hết vào những kênh không cần thiết để rồi chẳng đạt được mốc quan trọng tiếp theo (chẳng hạn như bổ sung nhân sự ở phòng này ban nọ, tung ra các chương trình khuyến mãi thừa thãi, tập trung quá vào những thứ dài hạn mà không làm những việc cần ngay trước mắt, v.v...) Đúng vậy, bạn hoàn toàn có thể giết chết startup của mình chỉ vì gọi vốn tràn lan. Mà dù startup của bạn có sống sót, khả năng thành công cũng rất thấp.

Do đó, từ vòng gọi vốn tiếp theo, hãy nghĩ về mốc quan trọng nào mà bạn có thể đạt được và khiến nhà đầu tư thích thú, rồi từ đó tính toán ra mức đầu tư bạn cần cũng như thời gian để đạt được mốc đó. Cách làm này sẽ giúp bạn gọi vốn nhanh hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ có thể cân bằng giữa việc tối ưu nguồn lực để đạt các mốc đó và bảo toàn cổ phần cho bạn và các thành viên trong đội ngũ của công ty.

Tim Chae, Giám đốc Quỹ đầu tư 500 Startups


Xem thêm