Hứa hẹn nhiều dự án khởi nghiệp ở các lĩnh vực


Mong muốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ra đời từ ý tưởng khởi nghiệp, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều chính sách, chương trình để tạo “bệ phóng” cho các dự án khởi nghiệp.

Theo dõi hoạt động trên phần mềm Ứng dụng di động Xanh (tanca.io).

Theo dõi hoạt động trên phần mềm Ứng dụng di động Xanh (tanca.io).

Mạnh dạn với các ý tưởng

Anh Trần Viết Quân, nhà sáng lập Ứng dụng di động Xanh vốn xuất thân là dân chuyên văn nhưng đam mê công nghệ. Ứng dụng Tanca (tanca.io), một ứng dụng giúp chủ doanh nghiệp theo dõi, quản lý và chấm công nhân viên ngay trên màn hình điện thoại; thực hiện các hoạt động truyền thông nội bộ đơn giản, dễ dàng; sắp xếp, phân chia các ca trực linh động; thống kê, báo cáo toàn bộ hoạt động theo thời gian thực tế,… Hiện đã có hàng trăm doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng tại thành phố sử dụng ứng dụng này và có những phản hồi tích cực để anh Quân và các cộng sự chỉnh sửa, hoàn thiện ứng dụng.

Tương tự, anh Văn Trần cũng thuộc thế hệ 8X là nhà sáng lập vexere.com về đặt vé xe khách đi các tỉnh, thành phố hiện được nhiều doanh nghiệp, người dân sử dụng. Sau thời gian du học tại Mỹ, trở về TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, doanh nhân Văn Trần chia sẻ: Những năm qua, TP Hồ Chí Minh có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp, trong đó, tiềm năng vẫn rất rộng mở cho các ước mơ khởi nghiệp khác, cho nên nếu có ý tưởng và sáng tạo, cộng thêm vốn kiến thức, sự tự tin thì thế hệ trẻ hoàn toàn có thể thành công khi khởi nghiệp. Theo Văn Trần, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp là một trong những con số xác thực nhất để chứng tỏ nơi nào thật sự “đáng sống", bởi những doanh nghiệp khởi nghiệp đã góp phần tạo việc làm mới và tạo ra giá trị cho xã hội.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019, thành phố có hơn 44 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, với mức tăng trưởng vốn cao hơn 15% so với năm 2018. Năm 2020, thành phố phấn đấu đạt hơn 45 nghìn doanh nghiệp thành lập mới để phục vụ nền kinh tế, thu hút những người trẻ có hoài bão, dám dấn thân, mong muốn đóng góp cho xã hội, cho sự phát triển của thành phố. Chính quyền thành phố đang thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo để tạo điều kiện tốt nhất cho các dự án khởi nghiệp.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

Thực hiện chủ trương về tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, các dự án khởi nghiệp, những năm qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch. Điển hình như ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đến năm 2020, trong đó, thành phố nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chú trọng việc bảo đảm quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với vấn đề tiếp cận vốn, chính quyền thành phố quyết định bố trí gói đầu tư 1.000 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm cả những hộ kinh doanh cá thể chuyển sang mô hình doanh nghiệp. Ngoài ra, bố trí thêm gói 2.000 tỷ đồng cho chương trình kích cầu đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học - công nghệ để quyết tâm thực hiện kế hoạch nhằm đạt hiệu quả cao nhất cho mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 500 nghìn doanh nghiệp hoạt động vững mạnh và khu vực tư nhân sẽ đóng góp 65% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Ngoài ra, Quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TP Hồ Chí Minh do Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh triển khai cũng là những “bệ đỡ” dự án khởi nghiệp cho thanh niên.

TP Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng kế hoạch nhằm biến thành phố trở thành mảnh đất màu mỡ của khởi nghiệp sáng tạo. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách như: chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp; quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới có hai nguồn chính là khởi nghiệp và chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp, vốn đầu tư là một trở ngại. Chính vì vậy, thành phố sẽ làm cầu nối để các doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận ngân hàng, tổ chức tín dụng, cũng như các quỹ đầu tư trong nước và ngoài nước.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, năm 2020, thành phố xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố; tăng mạnh số doanh nghiệp thành lập mới, ưu tiên các ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học - công nghệ, tạo giá trị gia tăng cao. Chính vì vậy, thành phố tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng ngày càng thông thoáng, minh bạch. Với những nguồn lực sẵn có cùng các chính sách mang tính thông thoáng, minh bạch, hứa hẹn năm 2020, TP Hồ Chí Minh không chỉ có nhiều dự án khởi nghiệp ra đời mà qua đó sẽ xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng để từ đó các doanh nghiệp đồng hành cùng thành phố thực hiện thành công và đạt hiệu quả cao các mục tiêu về kinh tế - xã hội đã đề ra.

XUÂN PHÚ/Theo báo Nhân Dân

Bài gốc


Xem thêm