Hiểu đúng bản chất của Đổi mới sáng tạo - Innovation trong khởi nghiệp
Trong quá trình gia tăng hội nhập quốc tế, Việt Nam đang đẩy mạnh sự tham gia của mình vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa với tốc độ đáng kinh ngạc. Định hướng này nhằm đẩy mạnh sự phát triển của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vốn chiếm 98% tổng số doanh nghiệp trong nước, chiếm 40% GDP, 51% số lượng công việc và 31% kim ngạch xuất khẩu.
Khởi nghiệp là một quá trình không dễ dàng với tỷ lệ thất bại hầu rất cao do các nguyên nhân chính như tự phát, liều lĩnh hay thiếu tinh thần bền chí, đón nhận thất bại và thêm vào đó là việc thiếu các kiến thức quản lý bài bản. Điều này gây ra một sự lãng phí các nguồn lực trong xã hội. Về bản chất logic khái niệm cũng như từ kinh nghiêm của các nên kinh tế khác trên thế giới như Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì khởi nghiệp thành công cần có nền tảng Đổi mới sáng tạo (Innovation). Innovation tạo ra ý tưởng sáng tạo tiềm ẩn giá trị và đưa giá trị đó vào thực tiễn. Việc hiểu đúng bản chất của Innovation vì vậy có ý nghĩa rất quan trọng.
Khi tìm kiếm trên Internet từ “innovation”, kết quả ra hàng loạt hình “chiếc bóng đèn lóe sáng” như một hình ảnh ẩn dụ mang tính cố hữu cho innovation khiến cho rất nhiều người ngộ nhận về khái niệm này, và rằng đổi mới cần phải có những khoảnh khắc “Eureka” hay sáng bừng thế kỷ như Edison phát minh ra bóng đèn vậy. Đây là cách hiểu chưa chuẩn về Innovation.
Innovation hay bị nhầm với sáng tạo thuần túy (creativity). Sáng tạo là về ý tưởng lạ thường hàm chứa giá trị và ý tưởng đó rất nhiều khi làm người ta cười vui khi nhìn thấy một số khái niệm không liên quan lắm đến nhau lại đi cùng nhau. Sự rời rạc của các khái niệm vốn không thường đi cùng nhau ấy sẽ rất tốt nếu như trở thành một cái gì đó hữu ích, chuyển tải được một thông điệp đột phá hay chứa đựng một tiềm năng giá trị (thường chưa có ngay giá trị vào lúc này).
Innovation bắt đầu từ sáng tạo (creativity) và kết thúc ở giá trị (value). Như đã nói ở trên, sáng tạo chỉ tạo ra một “tiềm năng giá trị” chứ chưa tạo ra ngay giá trị được. Khi mà điện thoại di động trở thành cánh tay nối dài của loài người, một ý tưởng dùng ứng dụng điện thoại để kết nối người muốn đi taxi và người ngồi ở ghế lái chiếc taxi rõ ràng là một ý tưởng lạ. Nó kết nối hai khái niệm khá không liên quan là “ứng dụng điện thoại di động” và “tôi cần đi taxi”. Trong trường hợp này, việc kết nối hai khái niệm này tiềm năng tạo ra một giải pháp hữu ích khi người dùng ít nhất có thể không mất tiền khi gọi điện thoại cho tổng đài tìm taxi (chưa nói đến các lợi ích khác như thấy được taxi đang ở đâu, lái xe là ai…., những điều này giảm thiểu các hành vi xấu khi đi taxi). Rõ ràng ý tưởng sáng tạo này tiềm năng nhiều giá trị. Tuy nhiên, để ý tưởng sáng tạo đó trở thành Uber, Grabtaxi…, thì Innovation vào cuộc.
Innovation chính là quá trình hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo nhằm tạo ra hay nắm bắt các giá trị. Để làm được việc này, Innovation không phải chỉ là thay “đổi” và tạo ra cái “mới”, mà là tạo ra cái mới theo đúng cái cách mà khách hàng (hay người có nhu cầu) cần và họ cảm thấy thích thú với cách giải quyết vấn đề đó. Trong quá trình này, Innovation sẽ liên quan đến việc khám phá các sự thật ngầm hiểu (insights) của khách hàng, của thị trường rồi hoàn thiện ý tưởng, tổ chức công tác thực hiện (trong những nguồn lực không phải lúc nào cũng dồi dào). Về bản chất thì đây chính là quá trình xây dựng kế hoạch (và có thể là chiến lược nếu ở trung và dài hạn), xác định lợi thế cạnh tranh, đưa ra các định vị, đề xuất giá trị, các mục tiêu cần đạt được…và cuối cùng là xây dựng các năng lực triển khai đưa ý tưởng ra thị trường (go-to-market) như Marketing, truyền thông, bán hàng, phân phối…để khiến cho khách hàng cảm nhận được lợi ích và hài lòng cho giải pháp được đưa ra (và như vậy họ sẵn sàng trả tiền)
Vậy, Innovation thực sự không phải là cái gì xa lạ. Innovation xảy ra liên tục trong tổ chức với các cấp độ và quy mô khác nhau từ việc cải tiến giá trị thêm vào (incremental value) từng chút một (như vậy improvement/kaizen sẽ là một khái niệm thuộc Innovation), cho đến thay đổi cục diện cuộc chơi (game changer) như Iphone làm với hiện tượng “không cần bàn phím đâu, người dùng chỉ cần một nút thay đổi thế giới”. Innovation không cứ phải là những gì “đột phá (disruptive)” ngay, mà có thể chỉ những bước nhỏ liên tục theo thời gian (rồi việc này sẽ tạo sóng cho những đột phá xuất hiện).
Quá trình Innovation ngấm vào (và được thực thi bởi) quá trình hoạch định chiến lược, xây dựng thương hiệu, triển khai Marketing. Do đó, năng lực Innovation của tổ chức chính là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp. Sau quá trình hoạch đinh, khâu triển khai hiệu quả chính là “số nhân” hiệu ứng của innovation. Một tổ chức có thể có rất nhiều ý tưởng sáng tạo nhưng việc thực thi được một vài ý tưởng tạo ra giá trị mới là câu chuyện cần nói.
Trong lăng kính của doanh nghiệp tương tác với thị trường thì Innovation liên quan đến bốn yếu tố là khách hàng, bối cảnh, công nghệ và đến chính chiến lược phát triển của tổ chức đó. Đổi mới không chỉ luôn về yếu tố công nghệ như nhiều người nghĩ. Công nghệ chỉ là một trong bốn yếu tố có liên quan đến innovation, công nghệ có thể là yếu tố đầu vào (xu thế công nghệ thay đổi khiến tổ chức phải đổi mới sáng tạo) hay là đầu ra (do đổi mới sáng tạo nên phát kiến ra những công nghệ mới.
Cũng xét theo lăng kính này, Innovation không chỉ là về sản phẩm (kết quả) mà còn về quy trình (process), dịch vụ (services), kênh (channels) và thậm chí là mô hình hoạt động (business model). Một lần nữa, Uber là một minh chứng sống động cho việc đổi mới mô hình hoạt động. Không phải là một chiếc taxi đẹp hơn, giá rẻ hơn (đổi mới sản phẩm) mà là một chiếc taxi được đặt qua ứng dụng điện thoại di động, không biển, không nhiêu khê, không lừa đảo.
Tựu chung lại, innovation như một nhu cầu tất yếu để tạo lợi thế cạnh tranh. Đó là quá trình biến ý tưởng, công nghệ, tri thức thành giá trị, của cải. Đây là một thứ lợi thế cạnh tranh, một tài sản vô hình cho doanh nghiệp (bất kể quy mô nào) và mở rộng ra là cho cả nền kinh tế quốc gia. Nhưng, đổi mới không nên là tính từ mô tả, đổi mới là “hành động”.
Làn sóng khởi nghiệp phải được đến từ đổi mới sáng tạo. Nó phải hướng đến việc xây dựng cho một thế hệ doanh nhân trẻ Việt nam đam mê phấn đấu, dấn thân, học hỏi, vươn lên để tạo giá trị cho xã hội và lúc đó việc thành lập một công ty chỉ là một công cụ, một chiếc cầu để đạt được mục đích tạo giá trị cho bản thân và cho xã hội, giúp Việt nam dần thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nâng cao năng lực cạnh tranh cho đất nước và tham gia vào các khâu tạo giá trị toàn cầu nhiều hơn (chứ hiện tại chỉ tham gia khâu ít giá trị nhất là gia công). Nếu như những người trẻ đam mê khởi nghiệp thấu hiểu được bản chất của đổi mới sáng tạo, nếu như chính phủ cam kết hiện thực hóa những hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp theo hướng này thì chúng ta cùng kỳ vọng vào những bước tiến mạnh mẽ hơn cho một Việt Nam thịnh vượng.
Thuan Doan
Xem thêm