Đổi mới sáng tạo trong dạy học: Bắt đầu từ hiệu trưởng


Đổi mới, sáng tạo trong dạy học là đòi hỏi tất yếu của ngành Giáo dục khi bước vào đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và triển khai Chương trình, SGK mới. Trong bối cảnh đó, hiệu trưởng các nhà trường được đánh giá như “đầu tàu” để nêu gương và thúc đẩy quá trình đổi mới, sáng tạo trong mỗi CB, GV, HS.

baitoankhoinghiep1_1.jpg

Đổi mới từ cơ sở

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng Trường TH Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: Hiệu trưởng và BGH nhà trường đã xác định đổi mới sáng tạo là vô cùng cần thiết để ngôi trường thay đổi, giáo viên (GV) và học sinh (HS) đạt hiệu quả cao trong dạy và học. Dấu hiệu của đổi mới, sáng tạo thông qua sự quản lý, định hướng chỉ đạo của hiệu trưởng và BGH trường thể hiện trước tiên trong cơ sở vật chất.

Trường đã tạo ra khung cảnh nhà trường hấp dẫn, từ đó khiến HS và GV thêm yêu trường lớp, thích đến trường. Dưới sự định hướng của hiệu trưởng, BGH nhà trường đã tạo ra nhưng giàn hoa cây cảnh đẹp như “công viên” để mỗi khi tới trường GV và HS luôn có cảm giác tươi mới, hạnh phúc. Khung cảnh sư phạm được chăm chút bởi các mô hình vệ sinh công nghiệp, quản trị trường học, bảo vệ chuyên nghiệp…

Sự đổi mới và sáng tạo tiếp đó được ghi nhận trong công tác sinh hoạt chuyên môn của CBQL và GV nhà trường. Mỗi buổi triển khai chuyên môn hay các hoạt động khác của nhà trường, hiệu trưởng đều chuẩn bị kĩ tài liệu trước 1 ngày để chuyển GV nghiên cứu sau đó cùng đưa ra ý kiến, bàn bạc thảo luận. Cách đổi mới này sẽ tránh hiện tượng hiệu trưởng chỉ là người phổ biến nội dung, GV là người thực hiện một cách thụ động…

Tại Trường THCS Ngô Quyền (quận Hai Bà Trưng – Hà Nội), thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nhà trường xác định đổi mới phương pháp dạy học trở thành “mắt xích” quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn trường.

NGƯT – Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tuyết Minh cho biết: Đã chỉ đạo, định hướng, khuyến khích GV đổi mới phương pháp dạy học theo cách dạy HS cách học, cách tìm kiếm và vận dụng kiến thức, cách phát hiện và giải quyết vấn đề. GV tuyệt đối không nhồi nhét kiến thức, không chạy theo khối lượng; cần đề cao sự hợp tác và sáng tạo của HS…

Hiệu trưởng – “đầu tàu” của đổi mới, sáng tạo

Theo quan điểm của bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, để góp phần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ nhà giáo thì CBQL cần chỉ đạo, hướng dẫn để GV tiếp tục tìm tòi mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy việc đổi mới sáng tạo trở nên thường xuyên trong từng tiết dạy. CBQL cần biết khơi dậy ý thức tự giác, phấn đấu, rèn luyện trong mỗi GV, giúp GV tự tìm tòi đổi mới, tự sáng tạo.

Đối với HS, để khơi dậy niềm say mê học tập, kích thích sự tò mò, sáng tạo trong các em thì đòi hỏi không chỉ GV mà CBQL cũng phải thường xuyên cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy, đem lại hứng thú cho HS học tập, giúp HS rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Muốn có trò giỏi nhất định phải có GV giỏi, CBQL giỏi. CBQL có đổi mới thì mới hướng dẫn, chỉ đạo đổi mới được GV và biết tạo ra điều kiện, môi trường thuận lợi để GV đổi mới sáng tạo. Hơn thế chỉ khi CBQL đổi mới sáng tạo mới đánh giá nhận xét đúng về đổi mới sáng tạo của GV từ đó đưa ra hướng dẫn, khích lệ, động viên và trở thành tấm gương cho GV về đổi mới sáng tạo.

Sự đổi mới của CBQL là đổi mới trong định hướng cho GV tìm tòi sáng tạo phù hợp với thực tiễn. Đổi mới trong quản lý phải đi trước để định hướng, dẫn dắt cho đổi mới của GV. Vì vậy, đổi mới giáo dục thành công đòi hỏi phải đổi mới cả CBQL chứ không riêng gì đội ngũ GV.

Từ thực tế cũng cho thấy, đổi mới sáng tạo của CBQL không phải lúc nào cũng đi liền với sự ủng hộ, đồng tình, thấu hiểu, chia sẻ của những người thực hiện. Thậm chí không ít trường hợp cố tình trống đối hoặc trống đối ngầm, phía sau.

Tuy nhiên, nhìn nhận về vấn đề này bà Nguyễn Thị Kim Ngọc lại cho rằng “sự đổi mới không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ. Bởi đứng trước đổi mới luôn đòi hỏi GV phải lao tâm khổ tứ, vất vả, tư duy thay đổi…”.

Chính vì vậy, theo bà Ngọc để giải quyết vấn đề này, trước hết CBQL phải làm cho GV hiểu sự cần thiết của đổi mới sáng tạo, để nâng cao chất lượng giáo dục hiệu quả. Nếu không đổi mới đồng nghĩa với thất bại, không đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ chuyên môn trước sự đòi hỏi của giáo dục và có lỗi với HS.

Dưới góc độ của người làm công tác đào tạo, TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh – Học viện Quản lý giáo dục lại nêu quan điểm: Hiệu trưởng và các CBQL trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới căn bản giáo dục cần có những năng lực cơ bản: Năng lực phân tích, tổng hợp và dự báo; Năng lực sáng tạo và chia sẻ tầm nhìn; Năng lực hoạch định chiến lược; Năng lực thu hút và tập hợp lực lượng…

Với mỗi năng lực này cần dựa trên những kiến thức nhất định và phải được phát triển thông qua chính môi trường làm việc. Do đó đào tạo bồi dưỡng trước bổ nhiệm là một phần, tiếp đó trong quá trình công tác các CBQL phải được tiếp tục bồi dưỡng, cập nhật bổ sung những kiến thức mới, rèn luyện kĩ năng và các phẩm chất cần thiết theo yêu cầu đặt ra từ thực tiễn giáo dục.

“CBQL nhất định phải trở thành tấm gương về đổi mới sáng tạo đối với GV, CNV, HS. CBQL có vai trò, trách nhiệm, là người thổi “hồn” cho đổi mới sáng tạo trong GV, HS và nhà trường” – bà Nguyễn Thị Kim Ngọc khẳng định.

Đức Trí - GDTD




Xem thêm