Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường đại học: Chưa bài bản, thực chất
Với những nhận định cụ thể, sâu sắc về hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (ĐMST&KN) trong các cơ sở giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK-Holdings (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đã đưa ra một số khuyến nghị.
Chú trọng vai trò của trường ĐH
- Theo ông, vai trò của các trường ĐH trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hiện nay như thế nào?
- Hiện nay, thực trạng của khởi nghiệp Việt Nam phát triển thiếu tính bền vững với tỷ lệ “chết” lên đến 90% trong ba năm đầu tiên. Việc phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các trường ĐH với sự tham gia của SV, giảng viên sẽ là phương thức phát triển một cách toàn diện.
Để thực hiện điều này thì vai trò tiên phong của các trường ĐH thực hiện sứ mệnh ĐMST&KN nhằm cung cấp cho xã hội những nhân tố được trang bị tư duy và kỹ năng cần thiết cùng các kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng, giải quyết các bài toán cụ thể cho thị trường, mang lại giá trị cho xã hội phải được chú trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, hoạt động ĐMST&KN tại đại đa số các trường ĐH còn tồn tại một số hạn chế về mô hình tổ chức, nhận thức của SV, giảng viên và nhà trường chưa cao; hỗ trợ khởi nghiệp của các bên liên quan chưa tốt, đặc biệt sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường, thiếu thông tin và cơ chế. Hành lang pháp lý cho quá trình khởi nghiệp dựa vào đổi mới sáng tạo chưa có đầy đủ.
Cụ thể là chưa tạo được môi trường thúc đẩy ĐMST&KN trong trường đại học. Môi trường ở đây bao hàm cả văn hóa, nhận thức (chiến lược, chính sách, cơ chế, KPI…) lẫn cơ sở vật chất. SV, giảng viên chưa nắm bắt được các kiến thức về ĐMST, đặc biệt là các kỹ năng về khởi nghiệp. Các hoạt động đào tạo về ĐMST&KN còn chưa có chiều sâu, chủ yếu là ngắn hạn, chưa có sự đầu tư chương trình chính khóa bài bản.
- Ông có thể cho biết cụ thể hơn những vấn đề còn tồn tại?
- Hợp tác, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn hạn chế, mang tính hình thức, các hoạt động chủ yếu là trao học bổng, giới thiệu việc làm. Các hoạt động chuyển giao kiến thức, công nghệ còn chưa được quan tâm thích đáng. Chính vì vậy, sự hợp tác chưa có chiều sâu, hiệu quả hợp tác thấp.
Hầu hết chưa có các tổ chức trung gian trong lĩnh vực ĐMST&KN chuyên nghiệp như TTO, TLO, doanh nghiệp thuộc trường ĐH, vườn ươm, tăng tốc doanh nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo… Đa phần mới có “Phòng quản lý nghiên cứu” hoặc “Phòng khoa học công nghệ” tập trung cho việc quản lý đề tài nghiên cứu tài trợ bởi Nhà nước (cơ chế xin - cho), chưa có tư duy nghiên cứu định hướng thị trường, tư duy thiết kế (cốt lõi của ĐMST). Bản chất ĐMST thể hiện rõ qua công thức hết sức ngắn gọn và súc tích của ĐH Stanford: ĐMST bằng kết quả nghiên cứu và khả năng thương mại hóa.
Chiến lược của đa phần các ĐH Việt Nam đang ở mức tập trung cho cấp độ cơ bản đầu tiên của ĐH là các hoạt động giáo dục đào tạo. Một số ít bắt đầu thấy tầm quan trọng của nghiên cứu và số rất ít nghĩ tới ĐMST&KN một cách nghiêm túc trong chiến lược. Chính vì vậy, việc đầu tư cho ĐMST&KN tại các trường mới dừng ở mức độ phong trào chứ chưa đi vào bài bản thực chất và dài hơi.
Chính vì vậy, vai trò của các trường ĐH Việt Nam trong Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hiện nay là tương đối mờ nhạt và chưa đạt được kỳ vọng như vai trò và sứ mệnh vốn có của nó.
Còn nhiều rào cản
- Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn tới sự thiếu gắn kết giữa kết quả nghiên cứu khoa học với hoạt động ĐMST&KN trong các cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam?
- Khi được hỏi về tại sao các trường ĐH Việt Nam trong hoạt động ĐMST và chuyển giao công nghệ, lại chưa tạo được các công ty spin-off, startup thành công như tại các nước tiên tiến, đa phần người được hỏi sẽ trả lời là vấn đề tài chính, nguồn vốn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng trở ngại đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam là về tư duy, về sự nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của ĐMST, chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ của trường ĐH cũng như của xã hội.
Các trường ĐH chỉ mới dừng lại tập trung ở hoạt động đào tạo, các khái niệm về ĐMST, chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ, spin-off còn khá xa lạ và chưa được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, cùng với sự tiến bộ dần dần về nền tảng khoa học công nghệ của Việt Nam cũng như sức ép về sự thay đổi nhanh chóng của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì đã có sự chuyển biến trong tư duy, cụ thể từ những người ra chính sách cho tới đội ngũ quản lý giáo dục, các nhà khoa học và xã hội. Khoảng cách về tư duy giữa học thuật và doanh nghiệp đã dần được thu hẹp.
Cùng với tư duy là trở ngại về nguồn lực. Trước tiên là nguồn lực về con người, đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp về đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ hầu như chưa có. Đa phần các trường tự tìm tòi cách đi cho riêng mình. Chính vì vậy, việc dùng đội ngũ với tư duy hàn lâm để điều hành doanh nghiệp cũng là một lý do dẫn tới các thất bại của spin-off, startup.
Bên cạnh đó, trở ngại về nguồn lực tài chính (nguồn vốn đầu tư) cũng là một lý do quan trọng không kém. Các trường ĐH tại Việt Nam vẫn đang tập trung cho nhiệm vụ chính là các hoạt động đào tạo, do đó với nguồn tài chính eo hẹp thì việc đầu tư cho spin-off, startup hầu như không có ngoài giá trị quy đổi từ giá trị thương hiệu hoặc một số cơ sở vật chất như nhà xưởng, máy móc đã qua sử dụng.
Cuối cùng là nguồn lực về cơ sở vật chất, giữa kết quả nghiên cứu hàn lâm và sản phẩm thương mại vẫn còn khoảng cách, rất cần hoàn thiện công nghệ. Hiện Nhà nước đang đầu tư vào nghiên cứu để ra được phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, sản phẩm khoa học công nghệ. Nhưng những sản phẩm đó mới dừng lại ở mức sản phẩm mẫu, muốn ra tới thị trường phải qua khâu hoàn thiện và kiểm thử. Hiện nay chưa có nguồn lực về cơ sở vật chất như các khu chế thử, sản xuất thử nghiệm đưa vào để thu hẹp khoảng cách nêu trên.
Nguồn lực cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm tại ĐH Việt Nam đang dừng lại ở mục đích để đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản. Rất khó để so sánh điều kiện đầu vào của nước ta với các nước phát triển. Tuy nhiên, với một nguồn lực tài chính đủ mạnh, hoặc ít nhất là một cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất thử nghiệm và cơ chế win-win “khiến các nhà khoa học không có cảm giác bị kiểm soát”, thì với điều kiện khó khăn hiện nay vẫn có thể tạo ra một vài đột phá từ số ít những sản phẩm thế mạnh đã có và đủ sức kéo các nhà khoa học ra khỏi “lối mòn” của việc giảng dạy, hoặc chỉ hài lòng ở việc lập ra những xưởng gia công có hàm lượng công nghệ thấp.
Gắn kết với NCKH là điều kiện tiên quyết
- Có giải pháp nào cho những thách thức nói trên, thưa ông?
- Theo cách tiếp cận từ trên xuống dưới, Nhà nước phải định hướng rõ về việc khởi nghiệp gắn liền với ĐMST thông qua chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngành Giáo dục, khoa học công nghệ, lan tỏa xuống tới các trường ĐH, trung tâm nghiên cứu và cuối cùng là tới từng sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên. Chính vì vậy, việc gắn kết ĐMST&KN với kết quả NCKH trong các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam phải được xác định là điều kiện tiên quyết.
Hoạt động ĐMST&KN của các trường ĐH cần có sự định hướng của Bộ GD&ĐT, tránh làm theo phong trào “nhà nhà khởi nghiệp, ngành ngành khởi nghiệp”. Cấu trúc về ĐMST&KN của ngành Giáo dục phải mang tính chất phân tầng, chia thành nhiều cụm, đầu tư trọng điểm cho các cụm trung tâm để trở thành điểm tập trung ĐMST. Không phải trường nào cũng đầu tư từ A - Z toàn bộ quá trình ĐMST mà phối hợp chặt chẽ với nhau phát huy tính đa dạng và lợi thế đặc thù của từng trường.
Theo cách tiếp cận từ dưới lên trên, mỗi trường ĐH phải xác định chiến lược phát triển nhà trường về việc gắn liền đào tạo với ĐMST, đề cao tự chủ ĐH trong mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Theo đó, tinh thần ĐMST&KN sẽ được lan tỏa trong tất cả các hoạt động của nhà trường từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học cho đến chuyển giao công nghệ
Xây dựng môi trường thúc đẩy ĐMST&KN trong trường ĐH. Tùy vào đặc thù của mỗi trường sẽ có cách xây dựng môi trường riêng và phù hợp với cấu trúc chung của ngành nêu ở phần trên. Không nhất thiết trường nào cũng phải có vườn ươm, trung tâm đổi mới sáng tạo, không gian làm việc chung, TTO/TLO hay thậm chí là hệ thống doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là toàn bộ các trường phải nhận thức đúng tầm quan trọng của ĐMST&KN thể hiện qua chiến lược, tư duy và hành động cụ thể.
Tinh thần ĐMST&KN được lan tỏa thông qua các hoạt động đào tạo và hợp tác doanh nghiệp, cổ vũ tinh thần sáng tạo và kinh doanh, hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu thông qua một vài hoạt động cơ bản sau:
Tổ chức cuộc thi sáng tạo hoặc khởi nghiệp; phát triển chương trình đào tạo doanh nhân công nghệ, từng bước đưa vào chính khóa nội dung ĐMST&KN cho sinh viên ĐH, sau ĐH. Kết hợp với các trường ĐH danh tiếng trên thế giới xây dựng quan hệ đối tác, thiết kế chương trình đào tạo kết hợp trải nghiệm thực tế cho sinh viên tại các thành phố khởi nghiệp lớn trên thế giới.
Ký kết thỏa thuận hợp tác với các công ty/tập đoàn công nghệ để phát triển các nghiên cứu của ĐH sát thực tiễn và tăng khả năng hiện thực hóa các nghiên cứu của nhà khoa học, sinh viên thành sản phẩm, dịch vụ hữu ích để thương mại hóa. Tổ chức các hội thảo, tọa đàm về tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo. Tùy vào điều kiện, có thể đầu tư thành lập các tổ chức hỗ trợ ĐMST&KN chuyên nghiệp như TTO, TLO, doanh nghiệp thuộc trường ĐH, vườn ươm, tăng tốc doanh nghiệp, trung tâm ĐMST…
- Xin cảm ơn ông!
Việt Nam đang bước những bước đầu tiên trong việc xây dựng Hệ sinh thái ĐMST&KN non trẻ với rất nhiều bỡ ngỡ. Việc khuyến khích ĐMST&KN gắn liền với kết quả nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam là bước đi cần thiết góp phần thúc đẩy Hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, nâng cao năng lực ĐMST&KN quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy phải có những chính sách và chiến lược đúng đắn từ Nhà nước tới những hành động cụ thể của các trường ĐH trong tổng thể gắn kết chung của cả hệ sinh thái.
Hiếu Nguyễn
Xem thêm