Innovation lựa chọn sống còn?


Vị thế của con người không thể bị thay thế bởi những cỗ máy lập trình, chừng nào mỗi nhà báo còn phát huy được những giá trị cốt lõi của nghề làm báo, đó là đảm bảo chất lượng thông tin.

bao-chi-viet-ve-vietlife-curmin-22.jpg

Đổi mới sáng tạo (innovation), từ trong buổi đầu lịch sử tới giờ, luôn luôn là nguồn lực thúc đẩy thế giới loài người phát triển hơn nữa. Nhưng đặc biệt, từ nhiều năm trở lại đây, đổi mới sáng tạo đã đạt tới một mức độ cao hơn hẳn, và đang diễn ra với một tốc độ đặc biệt cao. Cuộc sống của phần lớn dân số trên thế giới hiện giờ đã gắn liền với smartphone, với các thiết bị công nghệ, với một nguồn thông tin khổng lồ không ngừng tăng lên. Thậm chí, trong một tương lai gần, trí tuệ nhân tạo (AI), robot sẽ thực sự trở thành cuộc sống hàng ngày của nhiều người.

"Lực kéo đẩy" của báo chí

Hiển nhiên, trong mọi quá trình đổi mới sáng tạo, những yếu tố cũ, không phù hợp sẽ càng sớm bị tụt lùi và loại bỏ. Cũng vì đổi mới sáng tạo, các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó có báo chí, đang nằm trong một giai đoạn mà nhiều người gọi là “khủng hoảng”. Thông tin hiện nay hiện diện khắp nơi, nó có thể được trao đổi bằng nhiều hình thức khác nhau.

Báo chí, vì thế, đang mất đi vị thế hàng đầu trong lưu trữ và truyền tải thông tin.

Người viết xin lấy một ví dụ rất cụ thể và dễ hiểu cho tất cả mọi người: Google và Facebook đóng một vai trò vô cùng đáng kể trong việc cá nhân tiếp cận với thông tin, và chính vì thế, hai người khổng lồ này là một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng ngành báo chí hiện nay. Số người tiếp cận thông tin qua điện thoại đang ngày càng áp đảo số người tiếp cận thông tin qua báo giấy.

Nhưng ngoài thách thức, đổi mới sáng tạo cũng mang lại cho báo chí những đòn bẩy quan trọng. Công nghệ có thể mang lại nhiều ưu thế khác cho truyền thông. Trong bối cảnh này, người làm báo chân chính cần đặt ra câu hỏi “Chúng ta đổi mới thế nào để tồn tại và phát triển?”

Công việc làm báo gắn liền với thông tin: thu thập thông tin, kiểm chứng thông tin, quản lí thông tin và truyền tải thông tin. Nhiệm vụ của người làm báo thời nào cũng thế, không có gì thay đổi. Nhưng trong thời điểm này, tự đổi mới sáng tạo để có được thông tin tốt, chính xác, là cần thiết. Không chỉ thế, tự đổi mới để giành lại niềm tin của bạn đọc, là đặc biệt quan trọng.

Với mục tiêu đó, hãy thử nhìn nghề làm báo dưới nhiều góc độ đổi mới sáng tạo khác nhau. Từ những thay đổi trong công nghệ, phương thức quản lí, người làm báo có thể đổi mới như thế nào để nắm được những kĩ năng chuyên ngành mới, những phương tiện hiện đại cũng như những phương pháp vận hành khác.

robot4-1517196177-80.jpg

Đối mặt với ai

Ngày nay chúng ta luôn nói đến trí thông minh nhân tạo. AI không hề xa lạ trong ngành báo chí mà ngược lại, ứng dụng của nó hiện diện khá rõ.

Đặt nhà báo trước robot cũng không khác đặt Kasparov đối mặt với “Big Blue” hồi nào. Liệu trí thông minh nhân tạo có dẫn đến việc hàng loạt người làm báo sẽ mất đi công ăn việc làm? Chưa nói tới tương lai, mà hiện tại, chúng ta có thể tìm thấy hàng loạt các ví dụ như các trang web chứa đựng các video do robot tự động thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, những trang cá nhân nơi có những thông tin được cập nhật tự động, cùng với phân tích đến mức chi tiết nhất. Khái niệm “nhà báo- robot” không còn gì xa lạ nữa. Thậm chí, hiện giờ, đã có “máy làm báo” Syllabs, có khả năng sản xuất một khối lượng bài viết khổng lồ trong một thời gian ngắn.

Đúng thế, nguồn thông tin khổng lồ cùng khả năng cập nhật trong thời gian thực, đó là điểm mạnh của “nhà báo-robot”. Dùng thuật toán để làm báo, đó chính là cốt lõi của ứng dụng AI trong làm báo: thuật toán được lập trình để robot có thể thu thập thông tin tự động, từ những nguồn cụ thể và theo một “format” (công thức) cụ thể. Tuy nhiên, đây là điểm mạnh nhưng cũng chính là điểm yếu của “nhà báo-robot”. Khi thông tin thu thập sẽ được lọc một cách máy móc, truyền tải cho khán giả mà thiếu đi sự phân tích, đánh giá cần thiết, nó có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng. Fake new (thông tin giả) sẽ có thể thay thế niềm tin bằng sự hận thù. Khái niệm “post-truth” (hậu sự thật) ra đời trong hoàn cảnh này.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, càng không cỗ máy nào, cho dù được lập trình chi tiết nhất, có thể thay thế một nhà báo chân chính trong việc đưa tin đúng, đủ và hợp lí. Nhà báo “lập trình” sẽ không thể có cái nhìn toàn diện, so sánh và kiểm chứng thông tin như nhà báo đích thực - người đưa tin cho độc giả một cách có trách nhiệm và không theo thị hiếu đám đông. Chính vì thế, trong ngành truyền thông, vị thế của con người không thể bị thay thế bởi những cỗ máy lập trình, chừng nào mỗi nhà báo còn phát huy được những giá trị cốt lõi của nghề làm báo, đó là đảm bảo chất lượng thông tin. Tất nhiên, “nhà báo-robot” vẫn có vị trí của nó, đó là tổng hợp thông tin thô. Đây là nguồn cung cấp quý giá một khối lượng tin lớn và cập nhật, mà con người không thể thay thế.

Để làm mới chính mình

Tiếp theo, xin nói đến vấn đề “làm mới” báo chí trong thời đại sáng tạo đổi mới. Ba đặc điểm của thời đại hiện nay mà người làm báo cần chú ý đến, đó là việc sử dụng Internet trên phạm vi toàn xã hội, sự thay đổi mô hình kinh tế của ngành báo chí và cuối cùng là cuộc khủng hoảng niềm tin nói chung đối với báo chí hiện nay. Để tồn tại, các tờ báo đều đang định hình lại những gì có thể mang lại cho độc giả, tái xếp lại cơ cấu hoạt động, điều chỉnh tiêu chí tuyển dụng nhà báo. Nhưng đó mới là những thay đổi bước đầu.

Về lâu dài, mỗi tờ báo đều cần đặt mình trong một lo-gic chuyển đổi sâu rộng, vì đó chính là điểm sống còn của báo chí. Không có tờ báo nào có thể tồn tại lâu dài hiện nay, nếu như không tự chuyển đổi sâu rộng để phù hợp với nhu cầu mới. Đổi mới trong làm báo có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt. Ý tưởng vì thế không kém phần quan trọng so với công nghệ. Mỗi khía cạnh của nghề làm báo đều có thế là đối tượng để bắt đầu quá trình sáng tạo đổi mới.

Ví dụ như khi nói về phương tiện, cách thức truyền tải thông tin, chúng ta luôn có thói quen hình dung ngành truyền thông là các bài báo, các chương trình truyền hình, hay phát thanh. Đó là một cái nhìn giới hạn. Hiện nay, nhiều “sản phẩm” mới đã ra đời đáp ứng nhu cầu mới. Podcast (tập hợp các tập tin âm thanh) là một ví dụ tuyệt vời, nó giúp truyền tải thông tin với giọng đọc phù hợp, và rất tiện dụng cho khách hàng.

Hay ví dụ khác là các tờ newsletter gửi qua thư điện tử hàng ngày, thu thập các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, giúp độc giả tiết kiệm thời gian quý báu thay vì “lướt” vài chục nguồn tin một ngày. Nếu như trước đây chúng ta quen nhìn nghề làm báo là “tôi viết, bạn đọc”, thì hiện nay, đưa tin và đọc tin đã trở thành một quá trình tương tác không ngưng nghỉ. Trong “vòng tròn tương tác” đó, phản hồi của người đọc cũng quan trọng không kém thông tin đưa ra.

Ngoài ra, nếu như đổi mới sáng tạo đang làm thay đổi bộ mặt của ngành báo chí, thì bản thân báo chí cũng cần là nguồn đưa tin chất lượng về đổi mới sáng tạo. Nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng khối lượng thông tin về đổi mới chất lượng do truyền thông đưa ra có mối quan hệ tương quan dương với mức độ đổi mới sáng tạo nói chung.

Đổi mới sáng tạo và báo chí, vì thế, cần song hành.

Lê Thị Thiên Hương - Tiến sĩ Luật, Thành viên Avse Global


Xem thêm