Khởi nghiệp và những bệ phóng


Những cái tên như Saigon Innovation Hub (SIHUB), Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC), Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA)… đã khá thân quen với giới khởi nghiệp. Nơi đây không chỉ cung cấp không gian, điều kiện để làm việc, vốn, mà còn đồng hành cùng các công ty khởi nghiệp (startup) từ lúc sơ khai đến khi sản phẩm ra đời, đưa sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước. 

Kết quả ngày càng rõ

SIHUB là một trong những đơn vị đầu mối tổ chức các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TPHCM, hỗ trợ nhiều startup giới thiệu, trình diễn sản phẩm, kêu gọi đầu tư… Tính từ 2016 đến cuối 2019, SIHUB đã hỗ trợ cho 2.230 lượt dự án khởi nghiệp hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh, kết nối thị trường, đầu tư tài chính. 

Với VIISA do FPT và Dragon Capital đồng sáng lập, qua chương trình Tăng tốc khởi nghiệp, VIISA hỗ trợ 28 startup tốt nghiệp với những cái tên nổi bật như WeFit, UrBox, WisePass, Base.vn, VDes…, tạo ra hơn 350 việc làm và có được tổng cộng 5 triệu USD cam kết từ các nhà đầu tư khác. Mỗi startup khi VIISA lựa chọn sẽ được cấp 15.000USD tiền mặt và các dịch vụ văn phòng khác đi kèm, đào tạo nhiều kỹ năng như xây dựng kế hoạch tài chính, cách thức gọi vốn đầu tư, thiết lập và vượt qua các cột mốc tăng trưởng…  

Một đơn vị tên tuổi khác hỗ trợ và là bệ phóng cho các startup là SHTP-IC. Đến thời điểm hiện nay, SHTP-IC đã hỗ trợ thành công cho hơn 40 dự án khởi nghiệp, 100% các dự án đều có sở hữu trí tuệ, 13 doanh nghiệp khởi nghiệp đã được chứng nhận Doanh nghiệp KH-CN tại TPHCM, các dự án khởi nghiệp đã thương mại hóa sản phẩm thành công ở Mỹ, Malaysia, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Âu. Các dự án khởi nghiệp đã tạo ra hơn 700 việc làm mới có trình độ cao. 

Vì những startup lớn mạnh

Mới đây, ở chương trình Tăng tốc khởi nghiệp khóa 7, VIISA chọn ra được 3 startup tiềm năng đến từ lĩnh vực công nghệ giáo dục, công nghệ du lịch và công nghệ y tế. “VIISA đã dành thời gian để đánh giá nghiêm túc xem dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến chương trình như thế nào. Sau khi xem xét cẩn thận, VIISA quyết định vẫn theo đúng lịch trình để tạo động lực cho những startup đang cần sự cố vấn và nguồn lực của chúng tôi”, ông Hiếu Võ,  Giám đốc chương trình của VIISA, cho biết.

Chương trình liên kết quốc tế của SIHUB hiệu quả nhất hiện nay là chương trình ươm tạo liên kết cùng EXPARA (nhà tiên phong của Singapore trong việc ươm mầm, đầu tư vốn mạo hiểm, đào tạo đổi mới và cố vấn). Những con số từ chương trình này khá ấn tượng: 20 công ty được chọn vào bootcamp (chương trình huấn luyện); 16 công ty tốt nghiệp bootcamp; 10 công ty được duyệt vào bước đầu tư… 

SHTP-IC đã góp phần tạo nên những startup tiêu biểu, như Elink Gate với thiết bị eLinkKVM và eLinkMe, được xây dựng trên nền công nghệ điều khiển máy tính từ xa đã được cấp bằng sáng chế tại Mỹ và bằng sáng chế tại Việt Nam với khả năng hoạt động ngay cả khi máy tính (Server) không có hệ điều hành, hoặc hệ điều hành bị hư hỏng khiến máy tính không thể khởi động… Năm nay, SHTP-IC xác định thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kết nối hợp tác quốc tế và kết nối thương mại hóa cho các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là kết nối với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài Khu Công nghệ cao. 

“SHTP-IC đang tham mưu cho Ban quản lý Khu Công nghệ cao xây dựng đề án hình thành mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo tại Mỹ, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ hiệu quả nhất cho các startup Việt khi mở rộng thị trường sang Mỹ, cũng như kết nối để các startup, các chuyên gia tại Mỹ hỗ trợ startup trong nước, cùng hợp tác phát triển các startup tại Việt Nam”, ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc SHTP-IC, cho biết.

BÁ TÂN

Nguồn


Xem thêm