Mạng thông tin KH&CN TP.HCM có thêm nhiều thành viên mới
Sự tham gia của các trường Đại học sẽ mở rộng số lượng tài liệu đang có trên hệ thống để phục vụ cộng đồng nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại TP.HCM.
Ngày 24/6, Sở KH&CN TP.HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị mới gia nhập Hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH&CN.
Tham dự lễ kí kết có đại diện trường Đại học Văn hóa TP.HCM, Phân hiệu trường Đại học Thủy lợi, Học viện Bưu chính Viễn thông, Đại học Lao động Xã hội - cơ sở TP.HCM. Ngoài ra, có 3 đơn vị là trường ĐH Văn Hiến, ĐH CNTT Gia Định, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM đã xác nhận tham gia hệ thống và Sở KH&CN sẽ gửi biên bản ký kết tới các đơn vị này.
STINET (Science & Technology Information Network) - Mạng liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ TP.HCM được tổ chức thực hiện theo Quyết định số 6770/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2016 do Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt.
Được chính thức triển khai từ năm 2018, mục tiêu của STINET là phát triển, làm phong phú nguồn lực thông tin KH&CN phục vụ hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo của các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu - giảng dạy, sinh viên, học sinh, doanh nghiệp và cộng đồng. Hệ thống cũng tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng để người dùng tiếp cận, khai thác hiệu quả nguồn lực thông tin KH&CN trên địa bàn TP.HCM.
Nguồn lực thông tin trên Hệ thống được tạo lập do sự liên kết giữa các thành viên trên tinh thần hợp tác, tự nguyện bao gồm thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN, sách, giáo trình, luận văn, luận án, tạp chí chuyên ngành KH&CN,... Hệ thống cho phép tra cứu, truy cập đến các tài liệu toàn văn được chia sẻ tại các đơn vị thành viên theo cơ chế mở và không thu phí.
Theo bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI), sau 2 năm triển khai, hệ thống đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các viện nghiên cứu, trường đại học, thư viện và đã liên kết được 30 thành viên.
“Hệ thống thực hiện tốt chức năng liên kết các nguồn thông tin của các đơn vị thành viên, cung cấp giao diện tìm kiếm tập trung, giúp người dùng nhanh chóng tìm thấy tài liệu mình cần và có thông tin nơi đang lưu giữ để tiện liên hệ tham khảo”, bà Bằng nhấn mạnh.
Hệ thống hiện có hơn 34.000 toàn văn trong đó có hơn 10.000 toàn văn có sẵn trên hệ thống và hơn 24.000 là link toàn văn tới các website thành viên. Tuy nhiên, hệ thống cũng còn một số hạn chế như tài liệu thư mục và toàn văn chia sẻ chưa nhiều, chưa đồng đều giữa các đơn vị. Tính đến năm 2019 mới có 14/30 đơn vị đưa tài liệu toàn văn liên hệ thống. Bà Bằng cũng chia sẻ, sở dĩ các đơn vị chưa nhiệt tình là do còn 'e ngại' về quyền tác giả và tình trạng sao chép với mục đích thương mại.
Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống cho phép tất cả người dùng có thể truy cập, khai thác và xem được tài liệu toàn văn trên hệ thống (nếu có) theo cơ chế mở, không phân biệt người dùng thuộc đơn vị thành viên hay người dùng bên ngoài.
“Đây vừa là ưu điểm vừa là hạn chế của hệ thống. Các thành viên không thấy được quyền lợi khác biệt của mình so với các đơn vị chưa tham gia hệ thống, đồng thời chưa thống kê được số lượng truy cập của từng đơn vị thành viên”, bà Bằng cho biết thêm.
Tại buổi lễ ký kết, đại diện các đơn vị đều đánh giá cao ý nghĩa chia sẻ nguồn lực thông tin, phục vụ cộng đồng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo mà STINET mong muốn mang lại. Tuy nhiên, với góc nhìn của người trong cuộc, đại diện các đơn vị cũng nêu ra những lo lắng xung quanh việc thực hiện đề án. Trong đó, vấn đề bản quyền, kiểm soát thông tin là điều mà nhiều đơn vị lo ngại.
Chính vì thế, một số ý kiến đề xuất cho rằng, cần kiểm soát khai báo thông tin người dùng, thiết lập các chính sách đầu vào như chính sách đăng nhập, chính sách công khai tài liệu luận án, đề tài, tạp chí khoa học của các trường để các bên tin cậy và yên tâm chia sẻ tài liệu. Ngoài ra, các đơn vị tham gia cần được chỉ rõ quyền lợi khác biệt của mình so với các đơn vị chưa tham gia hệ thống. Việc đưa tài liệu lên hệ thống cũng cần được chọn lọc và nên thống kê số lượng truy cập của từng đơn vị thành viên.
Bên cạnh đó, đại diện các trường cũng mong muốn Sở KH&CN tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ; chia sẻ hướng dẫn chung về cách sử dụng hệ thống...
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, nhận định sự tham gia của các trường Đại học sẽ mở rộng số lượng tài liệu đang có trên hệ thống và tạo tiền đề để thu hút thêm ngày càng nhiều các đơn vị tham gia. Điều này cũng góp phần quan trọng giúp Sở phát triển chương trình nghiên cứu khoa học hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đơn vị, ông Dũng cho biết Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống và đưa ra các chính sách chung phù hợp nhất cho các thành viên tham gia mạng lưới.
Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục các hoạt động mở rộng liên kết với các đơn vị viện, trường còn lại trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời sẽ tổ chức hướng dẫn tra cứu hệ thống và truyền thông nhằm thu hút người dùng truy cập và hỗ trợ các đơn vị thành viên xử lý, cập nhật dữ liệu lên hệ thống. Điểm mới trong năm 2020 là xây dựng cơ sở dữ liệu hội nghị, hội thảo và đưa vào phục vụ trên hệ thống, với số lượng dự kiến là 3000 tài liệu. Ngoài ra, Sở cũng sẽ tham mưu Thành phố đầu tư hệ thống chuyên nghiệp để kết nối các đơn vị với lượng truy cập lớn.
Hoàng Anh
Xem thêm