Để tạo đột phá, Việt Nam cần tăng gấp ba mức đầu tư cho đổi mới sáng tạo


Tỉ lệ chi cho nghiên cứu và triển khai so với GDP của Việt Nam hiện chỉ là 0.5%, trong khi thông thường để thay đổi về chất của đổi mới sáng tạo thì mức đầu tư này phải gấp ba lần.

Đại sứ Dương Chí Dũng và theo ông Sacha Wunsch – Vincent tham dự Hội thảo trực tuyến tại đầu cầu Geneva, Thụy Sỹ.

Đại sứ Dương Chí Dũng và theo ông Sacha Wunsch – Vincent tham dự Hội thảo trực tuyến tại đầu cầu Geneva, Thụy Sỹ.

Đó là khuyến nghị của ông Sacha Wunsch-Vincent, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, tại Hội thảo trực tuyến giới thiệu báo cáo Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2019 và kết quả của Việt Nam. Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sỹ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức

Tiếp tục cải thiện Chỉ số GII

Chỉ số GII là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo (ĐMST) của các quốc gia và các nền kinh tế. Đây là hệ quy chiếu toàn diện nhất để đánh giá năng lực ĐMST của các quốc gia và các nền kinh tế. Chỉ số GII năm 2019 với 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số được chia thành 7 trụ cột chính với 5 trụ cột đầu vào là: Thể chế vĩ mô, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Thị trường và Môi trường kinh doanh và 2 trụ cột đầu ra là: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo.

Năm nay, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc lên vị trí 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng so với năm 2018. So với xếp hạng năm 2016, thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc, đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia. 

Việc gia tăng thứ hạng thể hiện rất rõ ở các chỉ số liên quan đến đầu vào và đầu ra của ĐMST. Các chỉ số tăng mạnh cụ thể là: tổng chi cho nghiên cứu và phát triển, sản phẩm dựa trên tri thức và công nghệ.

Ông Dương Chí Dũng, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Chủ tịch đại hội đồng WIPO, nhận định, việc cải thiện thứ hạng của Việt Nam là kết quả của sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ, cũng như sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, đứng đầu là Bộ KH&CN.

Theo Đại sứ, Chỉ số GII không chỉ là một tài liệu rất quan trọng đối với Việt Nam mà hiện tại tất cả các nước, trong đó các nước phát triển, đang phát triển (như Trung Quốc, Ấn Độ, v.v…) và các nước có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ đều quan tâm. Ông Francis Gurry, Tổng giám đốc WIPO, cũng đánh giá cao thứ hạng 42 của Việt Nam trong bảng xếp hạng, coi đây là kết quả tốt, đáng khích lệ trong bảng xếp hạng toàn cầu, đặc biệt trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp, cũng như trong khu vực ASEAN.

Toàn cảnh Hội thảo trực tuyến

Toàn cảnh Hội thảo trực tuyến

Đại sứ cũng đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả của WIPO dành cho Việt Nam trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ nói chung và việc cải thiện vị thế của Việt Nam trong bảng xếp hạng Chỉ số ĐMST nói riêng thông qua các hoạt động/dự án hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực. Tuy nhiên, theo đại sứ, để phát huy tiềm năng sáng tạo to lớn của Việt Nam, cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy ĐMST, bao gồm cả chính sách đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm

Tại Hội thảo, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN, khẳng định Chỉ số GII cho thấy, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta đã bước vào nhóm của các “ông lớn”, bởi trong Top 50 quốc gia dẫn đầu chỉ có 3 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Vì vậy, không chỉ nỗ lực để cải thiện mà giữ nguyên được là công việc không hề đơn giản.

Từ góc độ chuyên gia, ông Sacha Wunsch-Vincent, chuyên gia cao cấp của WIPO, cho rằng, Việt Nam có xu hướng tăng dần về thứ hạng Chỉ số GII qua các năm, điều đó khẳng định sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy ĐMST.

“Tôi đã đi nhiều quốc gia trên thế giới để giới thiệu về Chỉ số GII, trong những năm gần đây, tôi hay lấy Việt Nam như một ví dụ cụ thể thể nói về vấn đề này. Sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành nhằm cải thiện năng lực ĐMST quốc gia của Việt Nam cần được giới thiệu như hình mẫu cho các quốc gia khác tham khảo”, chuyên gia cao cấp của WIPO nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, Việt Nam đã bước vào nhóm của các “ông lớn” về đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, Việt Nam đã bước vào nhóm của các “ông lớn” về đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, theo ông Sacha Wunsch-Vincent, đây không phải là lúc để nghỉ ngơi, bởi khi càng gần Top 40, Top của các nước có thu nhập vượt trội, việc cải thiện để vươn lên là điều hết sức khó khăn, cần nỗ lực lớn.

Khi nhìn vào Top 40 nước trong xếp hạng Chỉ số GII đều có điểm chung là tập trung các cụm KH&CN hàng đầu như Hoa Kỳ có số lượng cụm KH&CN nhiều nhất (26); Trung Quốc có các cụm KH&CN nhiều thứ hai (18); tiếp đến là Đức. Trong khi đó Việt Nam chưa có cụm KH&CN nào. Kết quả của Việt Nam thể hiện qua 7 trụ cột cấu thành, trong đó có 2 trụ cột Việt Nam thể hiện tốt là đầu ra tri thức công nghệ và trình độ phát triển của thị trường.

Chính vì vậy, Việt Nam, cần nỗ lực nhiều hơn nữa để chuyển sang nâng cao về chất thay vì về lượng như tăng cường cho đầu tư R&D, gia tăng hàm lượng nội địa hóa trong xuất khẩu công nghệ cao cũng như đóng góp và giá trị gia tăng xuất khẩu công nghệ cao. Ngoài ra cần chú ý cải thiện kết quả ở những trụ cột về cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực, trình độ kinh doanh….

Để có thể vươn lên vị trí của một quốc gia đột phá về ĐMST và vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, ông Sacha Wunsch-Vincent đưa ra khuyến nghị Việt Nam nên lựa chọn 3-4 ngành hoặc lĩnh vực cụ thể (biến đổi khí hậu, y tế, nông nghiệp…) để tập trung các chính sách, nguồn lực đầu tư và các hoạt động, nhiệm vụ nhằm phát triển các ngành, lĩnh vực này.

"Đặc biệt, cần có đầu tư thích đáng cho nghiên cứu và phát triển nói chung. Hiện nay tỉ lệ chi cho nghiên cứu và triển khai so với GDP của Việt Nam chỉ là 0.5%, trong khi thông thường để thay đổi về chất của ĐMST thì mức đầu tư này phải gấp ba lần, ở mức 1.5%. Từ đó mới có thể có những đột phá về kết quả đầu ra như số lượng đăng kí sáng chế và các tài sản trí tuệ khác góp phần nâng cao chất lượng của ĐMST”, ông Sacha Wunsch-Vincent nhấn mạnh.

Theo Liên Cơ - Khám phá

Bài gốc

Xem thêm