Doanh nghiệp ra đề và cùng 'kề vai sát cánh' với các nhóm dự thi IoT startup
Các doanh nghiệp công nghệ như Intel, Điện Quang, Acis,… sẽ đặt hàng các nhóm dự thi IoT startup giải quyết những vấn đề mà thị trường đang cần.
Thông tin này được TS Lê Bích Loan, Quyền Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), công bố tại lễ phát động cuộc thi IoT startup năm 2019 tổ chức vào sáng 16/06. Đây là cuộc thi thường niên của SHTP được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016.
TS Loan cho biết, cuộc thi năm nay lấy chủ đề “Open innovation Contest” hướng đến việc kết nối với nhu cầu công nghệ thực tế của doanh nghiệp, đặc biệt là IoT (vạn vật kết nối). Cụ thể, các doanh nghiệp công nghệ như Intel, Điện Quang, Acis,… sẽ đặt hàng các nhóm dự thi giải quyết những vấn đề mà thị trường đang cần. Cũng trong quá trình tham gia cuộc thi, các nhóm dự án sẽ nhận được sự hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm, ký kết hợp tác với chính doanh nghiệp đưa ra “đề bài” cho họ để cùng nhau thực hiện dự án
“Với mô hình thi mới này, chúng tôi kỳ vọng các sản phẩm công nghệ của nhóm dự án sẽ đến gần với thị trường hơn. Sản phẩm khởi nghiệp phải đi từ nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội thì sẽ có cơ hội tăng trưởng và bùng nổ lớn hơn”- TS Loan nói.
Ông Hồ Anh Khoa, đại diện Intel Việt Nam chia sẻ, hiện đơn vị có một nhà máy tại Quận 9, TP.HCM. Nhà máy này hoạt động với sự ổn định cao với các thiết bị, hệ thống vận hành liên tục. Vì thế, thiết bị yêu cầu sự hoạt động bền bỉ để không dừng hệ thống sản xuất.
Bài toán ông Khoa đặt ra là chi phí bảo trì lớn nên Intel rất quan tâm đến vấn đề khai thác tạo dựng hệ thống bảo trì trong ba khía cạnh: bảo trì sửa chữa, bảo trì phòng ngừa và bảo trì cải tiến. Hoạt động bảo trì có khi diễn ra trong suốt quá trình vận hành của nhà máy.
“Ở khía cạnh bảo trì gián tiếp, tức là theo dõi thiết bị trên thời gian vận hành trực tiếp trên ngoài hiện thực. Người bảo trì theo dõi trạng thái thiết bị như nhiệt độ, cường độ dòng điện… Chúng tôi mong muốn tìm kiếm giải pháp theo dõi thông số trên hệ thống của mình từ các startup và sẵn sàng kết hợp với các nhóm để thực hiện công việc này. Nếu các nhóm dự thi có nhu cầu, chúng tôi sẽ tổ chức một buổi tham quan nhà máy, và hỗ trợ thiết bị phần cứng để các bạn thực hiện giải pháp”- ông Khoa nói.
Qua 3 năm tổ chức cuộc thi IoT Startup đã “nâng bước” cho nhiều startup có sự phát triển mạnh mẽ, thương mại hóa sản phẩm và đưa vào thị trường, một số dự án đã gọi vốn thành công. Cụ thể như: Hệ thống giám sát môi trường nông nghiệp - ngư nghiệp Aevisor - Fman; Khóa thông minh Gtek Lock (ATOVI); Signee’ - bảng hiệu thông minh dành cho chuỗi bán lẻ của đô thị thông minh.
Tổng giải thưởng cuộc thi lên đến 500 triệu đồng với giải nhất 30 triệu đồng (đối với bản startup), 15 triệu đồng (đối với bảng sinh viên).
Các bạn sinh viên, nhóm khởi nghiệp quan tâm có thể đăng ký tham gia cuộc thi IoT Startup từ nay đến hết ngày 31/07. Thông tin về cuộc thi được hiển thị tại website: http://www.shtpic.org/
Theo Hà Thế An - Khám phá