Được chia sẻ tài chính, nông dân 'mạnh tay' bỏ gần nửa tỉ đồng mua công nghệ ngoại


Hệ thống sấy nấm năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Đức có giá 450 triệu đồng nhưng nhờ được 'tiếp sức' nên chị Ngọc đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chị Lê Hà Mộng Ngọc (trái) giới thiệu các sản phẩm sấy bằng năng lượng mặt trời cho khách tham quan ngay trong khu vực nhà màng. Ảnh: Hà Thế An.

Chị Lê Hà Mộng Ngọc (trái) giới thiệu các sản phẩm sấy bằng năng lượng mặt trời cho khách tham quan ngay trong khu vực nhà màng. Ảnh: Hà Thế An.

Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai nhiều năm qua nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nông nghiệp như chị Ngọc ứng dụng công nghệ.

Chị Lê Hà Mộng Ngọc (49 tuổi), Giám đốc Công ty cổ phần sinh học Nấm Việt (ấp Phú Bình, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM), có thâm niên 10 năm sản xuất và chế biến các sản phẩm từ nấm. Trước đây, chị sản xuất rất thủ công khi chủ yếu sấy nấm bằng ánh nắng mặt trời.

Đến khi có lưng vốn, chị đầu tư máy sấy bằng điện. Những tưởng công nghệ đó là “bến đỗ” khi các sản phẩm nấm bào ngư, linh chi,… của chị đã có mặt tại các hệ thống siêu thị ở TP.HCM. Nhưng đến khi được tư vấn về công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời, chị bị thuyết phục bằng chương trình “chia sẻ” tài chính của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

“Sản xuất nông nghiệp mà có sự chung tay của nhà nước thì đó là một nguồn lực và sự động viên rất lớn để tôi tiếp tục đầu tư vào công nghệ tốt hơn”- chị Ngọc kể.

Tháng 2 năm 2019, chị lắp đặt một nhà màng rộng khoảng 15 mét vuông sử dụng công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời được nhập khẩu từ Đức. Hệ thống sấy này giữ mức độ ổn định từ 40 đến 80 độ C khi sử dụng năng lượng mặt trời. Muốn có nhiệt độ cao hơn, người dùng sẽ phải sử dụng thêm hệ thống điện.

Điểm độc đáo của công nghệ này là năng suất sấy gấp đôi so với khi chị sử dụng cách sấy bằng điện. Mỗi mẻ, chị sấy được khoảng 300kg nấm tươi. Thời gian sấy cũng nhanh hơn.

Nếu như trước đây sấy điện chị mất khoảng 3 ngày để sấy xong, thì nay với công nghệ này chị chỉ cần thời gian khoảng 8 đến 12 tiếng. Trong trường hợp chỉ sấy bằng mặt trời, không chạy hệ thống điện, chị mất 1 ngày rưỡi để sấy xong.

Không những thế, công nghệ này cho chị những sản phẩm nấm sạch, điều mà hệ thống sấy điện không làm được. Bởi nhờ một lớp màng đặc biệt “bao bọc” ở khu vực trên mái nhà có khả năng hấp thụ và biến ánh sáng mặt trời trở nên “hiền lành” hơn.

Khi ánh nắng đi qua lớp màng này chỉ tạo ra nhiệt phía trong khu vực sấy, mà các tia “độc” như tia UV không thể “lọt” qua được. Chính vì thế, người thực hiện các công việc trong nhà màng không phải lo sợ ánh sáng làm hại da. Nhà màng này vì sử dụng ánh nắng mặt trời nên không hề tốn điện. Chỉ khi thời tiết có mưa nhiều ngày, thì một hộp gắn ở phía dưới tường nhà tự hoạt động cung cấp điện để đảm bảo quá trình sấy liên tục.

Nhà màng được lắp đặt 8 quạt gió giúp lưu thông không khí, làm bay hơi nước có trong nấm.

“Công nghê mới này giúp quá trình sấy nấm không những nhanh hơn mà nấm thành phẩm có chất lượng hơn, sạch hơn, các chất dinh dưỡng có trong nấm vẫn hoàn toàn được giữ nguyên với công nghệ này”- chị Ngọc tự hào nói.

Công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời giúp các sản phẩm của chị Ngọc chất lượng hơn. Hiện nay chị đã có giấy chứng nhật VietGap và là doanh nghiệp Hàng VN Chất lượng cao 5 năm liên tục. Ảnh: Hà Thế An.

Công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời giúp các sản phẩm của chị Ngọc chất lượng hơn. Hiện nay chị đã có giấy chứng nhật VietGap và là doanh nghiệp Hàng VN Chất lượng cao 5 năm liên tục. Ảnh: Hà Thế An.

Hiện, do nhu cầu thị trường, chị đang lên kế hoạch xây dựng một quy trình sản xuất và chế biến các sản phẩm nấm khép kín ứng dụng công nghệ từ công đoạn xay nấm, hấp nấm, đóng gói,… Khu sản xuất của chị rộng 8 héc ta hiện đã được quy hoạch để phục vụ cho việc này.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM để tôi hoàn tất toàn bộ quy trình ứng dụng công nghệ cho việc sản xuất nấm. Chương trình hỗ trợ tài chính của Nhà nước như một lực đẩy để chúng tôi ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Chúng tôi biết rằng, ứng dụng công nghệ, chúng tôi không đi một mình mà luôn có một sự đồng hành đáng quý”- chị Ngọc chia sẻ.

Theo Hà Thế An - Khám phá

Bài gốc

Xem thêm