Các quận trên địa bàn TP.HCM sẽ thành lập Trung tâm điều hành đô thị thông minh
TP.HCM bố trí 500 tỷ kinh phí sự nghiệp trong năm 2019 để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án Đô thị thông minh.
Ngày 22/6, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá 18 tháng sau khi triển khai đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Dự hội nghị có Bí thư Thành ủy TP.HCM – Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM – Nguyễn Thành Phong, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM – Trần Lưu Quang và lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn Thành phố.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM - Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh là chương trình đột phá bổ sung của TP.HCM. Thành phố đã xác định đổi mới quản lý, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp khả thi để phát triển TP.HCM.
Cơ chế tư vấn về đô thị thông minh cho TP.HCM
Đánh giá tổng quát quá trình thực hiện đề án thời gian qua, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, TP.HCM vừa cụ thể hóa đề án, vừa mày mò tổ chức thực hiện. Vì thế, buổi hội nghị sơ kết này rất quan trọng, nhằm đánh giá công việc đã thực hiện trong 18 tháng qua và tiếp tục xác định những công việc trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.
Bí thư Nhân chỉ ra 5 cấu phần cụ thể của đề án đô thị thông minh gồm: chính quyền điện tử, cơ sở dữ liệu dùng chung, trung tâm dự báo mô phỏng, trung tâm điều hành và trung tâm đảm bảo an ninh mạng. Từ đó, các sở ngành, quận huyện cần báo cáo những công việc đã hoàn thành; đồng thời phản ánh đầy đủ những vướng mắc, khó khăn và những việc chưa thực hiện được.
Hiện nay, có 5 công ty đang tham gia tư vấn và xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thông minh cho TP.HCM, gồm VNPT, Viettel, FPT, MobiFone, AIC. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cần xây dựng cơ chế tư vấn về đô thị thông minh cho thành phố, vẫn dựa trên tư vấn độc lập của các công ty này hay thống nhất về một đơn vị tư vấn. Bởi theo Bí thư nhân đô thị thông minh thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, do đó các chuyên gia, nhà khoa học sẽ dẫn dắt chính quyền, chính quyền đi theo. Sau khi xác định cơ chế tư vấn, đơn vị tư vấn cần thường xuyên gắn bó với thành phố để tiếp tục xây dựng đô thị thông minh.
Phối hợp các Sở, ban ngành để nhanh chóng có dữ liệu dùng chung
Báo cáo tại hội nghị, bà Võ Thị Trung Trinh - Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, Thành phố đã triển khai Hệ thống tich hợp và chia sẻ dữ liệu, thực hiện tích hợp một số CSDL quan trọng như văn bản điện tử, dữ liệu một cửa điện tử… Ngoài ra, Thành phố đã triển khai thử nghiệm Cổng thông tin dữ liệu mở nhằm cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ nghề y, thông tin về cơ sở giáo dục và dịch vụ, thông tin về các dự án đầu tư nước ngoài và dự án đầu tư công nhằm chia sẻ tài nguyên dữ liệu đến đông đảo người dân và doanh nghiệp.
Trong báo cáo của ông Lê Quốc Cường - Phó giám đốc Sở TT&TT về kết quả triển khai Trung tâm điều hành đô thị thông minh cho biết, sau hơn 18 tháng Thành phố đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát của Sở GTVT, UBND một số quận.
Hiện đã có hơn 1.000 camera đã được tích hợp về trung tâm điều hành, trong số này có 50 camera có khả năng nhận điện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông… Trung tâm điều hành chỉ huy còn kết nối thông tin tổng hợp từ hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh sự cố hạ tầng. Theo ông Cường, việc triển khai Trung tâm điều hành đô thị cần thực hiện trên quá trình song song với những vấn đề khác, ví dụ trung tâm điều hành của các sở ngành, quận huyện chưa có chuẩn chung thì sắp tới cần thực hiện. Cùng với đó là sự phối hợp của các sở ngành về kết nối dữ liệu.
Đối với vấn đề này, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng đã có chỉ đạo tại hội nghị khi cho rằng, một trục đường không thể có camera của 4-5 đơn vị khác nhau, mà nên tận dụng để dùng chung. Bí thư yêu cầu xây dựng sớm chuẩn này vì để lâu có thể sau này các cơ sở dữ liệu không dùng được.
Ở lĩnh vực giao thông, Sở GTVT thực hiện nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông hiện hữu phục vụ công tác điều hành giao thông đô thị, triển khai cổng thông tin giao thông cung cấp trực tuyến cho người dân các thông tin liên quan về tình hình giao thông, các tiện ích trong quá trình tham gia giao thông theo thời gian thực. Giám đốc Sở GTVT - Trần Quang Lâm cho biết, trong 6 tháng cuối năm sẽ tối ưu hóa mạng lưới 188 chốt đèn giao thông khu vực địa bàn thành phố, hoàn chỉ quy tình vận hành, định mức của hệ thống giao thông thông minh. Ông Lâm cũng dự định nâng cao trung tâm quản lý điều hành giao thông trên cơ sở trung tâm điều hành quản lý hầm sông Sài Gòn đang vận hành trở trung tâm điều hành giao thông của thành phố
Đô thị thông minh đang dần tiếp cận với người dân
Hồi tháng 9/2018, UBND TP.HCM cũng đã ban hành quyết định số 4250 phê duyệt Kiến trúc Chính Quyền điện tử TP.HCM. Đây là kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước của TP.
Hiện nay Thành phố đang tập trung triển khai nền tảng chính quyền điện tử Thành phố (LGSP) với các hệ thống tích hợp, dịch vụ dùng chung. Cũng trong 18 tháng qua, các địa bàn trên địa bàn Thành phố cũng đã có những thành quả đáng chú ý.
Thành phố cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành quản lý của các ngành như cổng thông tin giao thông cung cấp trực tuyến cho người dân các thông tin về tình hình giao thông; xây dựng kiến trúc tổng thể về công nghệ thông tin của ngành giáo dục đào tạo; hệ thống GIS cho y tế dự phòng, hội chẩn từ xa cho 24 trạm y tế mô hình điểm, liên thông dữ liệu của 6.000 cơ sở cung ứng thuốc tại thành phố; cổng thông tin hệ thống thoát nước, giúp người dân chủ động ứng phó để giảm nhẹ thiệt hại do ngập lụt gây ra; ứng dụng cung cấp thông tin về quy hoạch...
Trong đó UBND Quận 1 đã triển khai thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh, trong đó đã tích hợp hệ thông camera tại địa bàn dân cư và trụ sở 10 phường công an trên địa bàn. Hệ thống này đã hộ trợ, phục vụ cho các đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành xử lý các tình huống phát sinh.
Quận 12 cũng đã trang bị nền tảng dữ liệu số hóa G-office, triển khai ở tất cả các phường của quận 12. Đây là phần mềm quản lý công việc và địa bàn dân cư. Phần mềm này sẽ mang lại 4 lợi ích chính: Tăng hiệu quả công việc của cán bộ; Nâng tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn; Giảm thời gian, thủ tục cho người dân; Tăng sự tương tác với người dân qua dịch vụ công trực tuyến. Kết quả khảo sát tương đối khả quan, 94% người dân hài lòng về thái độ phục vụ của cán bộ, hơn 99% hồ sơ giải quyết đúng hẹn.
Dù thành phố đã triển khai và đạt nhiều kết quả trong đề án nhưng ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng muốn ứng dụng công nghệ thông tin trên một thiết bị số phải có công dân số. Nhiều nước đã thực hiện thành công, liên quan đến công dân số như Estonia, Nga, Ấn Độ...
Cần đẩy mạnh công tác truyền thông và phát triển nguồn nhân lực cho Đề án Đô thị thông minh
Tại buổi hội nghị sơ kết, sau khi nghe báo cáo của các Sở, ban, ngành và chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND, Trưởng ban điều hành đề án đã chỉ ra những kết quả đạt được sau 18 tháng triển khai và những tồn tại hạn chế cần khắc phục.
Ban điều hành luôn nỗ lực thực hiện Đề án theo đúng tiến độ đề ra với hơn 30 phiên họp và nhiều buổi hội nghị, hội thao, đi thực tế cơ sở, đôn đốc tiến độ thực hiện. Đồng thời Ban điều hành đã phố trí kinh phí sự nghiệp 500 tỷ trong năm 2019 để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án. Cũng trong thời gian qua, Ban điều hành đã tổ chức triển khai chính quyền điện tử, đây là yếu tố quan trọng, đảm bảo cho sự thành công của trụ cột "Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liêu
Mặc dù đạt được nhiều thành quả đáng chú ý, tuy nhiên Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cho rằng đây chỉ mới là bước chuẩn bị cơ bản cho Đề án đô thị thông minh và tổng thể công việc phía trước còn khá nhiều, thậm chí còn khó khăn hơn. Do đây là nội dung mới, phức tạp, phạm vi triển khai rộng, quá trình thực hiện còn phải vừa làm vừa nghiên cứu, hỏi hỏi kinh nghiệm quốc tế. Ngoài ra, các giải pháp khoa học, công nghệ thay đổi liên tục nhưng thành phố chưa áp dụng đa dạng các phương thức triển khai phù hợp như đầu tư công, thuê dịch vụ, đối tác công tư.
Cùng với đó, nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ còn hạn chế về số lượng cũng như chất lượng. Công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, người dân chưa tích cực tham gia đề xuất giải pháp ý tưởng.
Để khắc phục những mặt hạn chế, cũng như chuẩn bị cho các công việc sắp tới, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở, ngành khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của đề án. Giao cho Sở TT&TT lập danh mục toàn bộ các công trình cần thông qua chủ trương đầu tư để làm cơ sở bổ sung và kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 của Thành phố. Xây dựng quy chế tích hợp và vận hành cho Kho dữ liệu dùng chung và trung tâm Điều hành. UBND cũng giao nhiệm vụ cho Sở Nội vụ xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực riêng cho Đề án đô thị thông minh.
Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu hoàn thành việc tích hợp toàn bộ cơ sở dữ liệu hiện có của Thành phố trước tháng 12/2019. Đồng thời nghiên cứu kết nối cơ sở dữ liệu của Thành phố với các bộ ngành địa phương.
Ông Phong nhấn mạnh việc triển khai Trung tâm điều hành đô thị thông minh của mỗi đơn vị và mở rộng tới tất các quận trên địa bàn Thành phố. Các kế hoạch, đầu tư phát triển của mỗi đơn vị trong thời gian tới phải gắn liền với các chương trình của Đề án đô thị thông minh.
Theo Thạch An - Khám phá