Nông dân Nhà Bè học cách nuôi tôm 'né' thời tiết


Mô hình nuôi tôm này được đánh giá là ít rủi ro, hạn chế được dịch bệnh và mang lại hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với nuôi tôm truyền thống.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Gái Nhỏ, Trưởng phòng kỹ thuật trung tâm khuyến nông TP.HCM, chia sẻ mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn với nông dân huyện Nhà Bè.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Gái Nhỏ, Trưởng phòng kỹ thuật trung tâm khuyến nông TP.HCM, chia sẻ mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn với nông dân huyện Nhà Bè.

Chiều ngày 25/11/2019, Sở KH&CN TP.HCM phối hợp cùng Hội nông dân TP.HCM tổ chức tập huấn ứng dụng công nghệ sinh học vào quá trình nuôi Tôm nước lợ cho bà con nông dân tại huyện Nhà Bè.

Lớp tập huấn nằm trong khuôn khổ chương trình Áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM 2019. Mục tiêu của chương trình nhằm giúp bà con nông dân hiểu được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững.

Tại buổi tập huấn, Thạc sĩ Nguyễn Thị Gái Nhỏ, Trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm khuyến nông TP.HCM, cho biết những năm gần đây, việc nuôi tôm gặp nhiêu khó khăn do thời tiết và một số tác nhân khác khiến dịch bệnh xảy ra nhiều. Một số người nuôi đã sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, kháng sinh không an toàn, gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe con người.

Theo bà Gái Nhỏ, nông dân nên ứng dụng mô hình nuôi tôm theo quy trình hai giai đoạn sử dụng nhà lưới ao nổi, lót bạt đáy ao, hệ thống oxy đáy công suất lớn và hệ thống ao chứa ao lắng đủ để cung cấp nước liên tục trong suốt vụ nuôi. Mô hình này đã được nhiều hộ nông dân huyện Cần Giờ triển khai. Qua ứng dụng sản xuất thực tế, hướng đi này cho tỷ lệ nuôi tôm thành công cũng như hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần nuôi tôm ao đất theo cách nuôi truyền thống.

Trong quá trình nuôi, người nuôi còn có thể dễ dàng chủ động kiểm soát nhiệt độ, môi trường nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi ngoài môi trường tự nhiên trong điều kiện nhiệt độ trong ao dễ thay đổi nhanh chóng, khi lượng mưa lớn hoặc nắng nóng gay gắt.

Chính vì thế, mô hình nuôi tôm này được đánh giá là ít rủi ro, hạn chế được dịch bệnh và mang lại hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với nuôi tôm truyền thống.

IMG_2873.jpg

Chia sẻ về mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, ông Lê Thành Nam - hộ nuôi tôm tại Xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, cho biết hiện nay, ông nuôi tôm với mô hình thâm canh gặp khá nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường nước ô nhiễm, chất lượng con giống, vật tư đầu vào khó kiểm soát triệt để.

Qua buổi tập huấn này, ông xác định sắp tới sẽ chuyển sang mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn. Ông cũng bày tỏ hi vọng được hỗ trợ đầu tư các hệ thống oxy đáy công suất lớn hay hệ thống ao lắng để nuôi tôm.

Ông Huỳnh Văn Tâm - một hộ nuôi tôm khác đến từ huyện Nhà Bè, cũng rất ấn tượng với mô hình nuôi tôm không lo thời tiết này. Theo ông Tâm, lớp bồi dưỡng không chỉ cung cấp thông tin về quy trình sản xuất hiệu quả mà còn giúp ông giải quyết các vấn đề như lựa chọn con giống, chăm sóc, phòng chống bệnh cho tôm.

Thạch An