Startup sao chép 99% và sáng tạo 1% thì cũng đủ thành công rồi
Về các công ty khởi nghiệp thành công mới đây, 100% các dự án đều có mô hình tương tự tại nước ngoài, theo thống kê của Topica Founder Institute.
Thực tế rằng, chỉ việc các công ty khởi nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm cho bằng với các mô hình đã có trước đó đã là rất khó rồi thì nói chi đến việc đặt quá nhiều vào yếu tố sáng tạo.
Các dự án khởi nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn trong những năm đầu tiên, cái mà họ cần chính là một sản phẩm với quy trình hoạt động để duy trì sự tồn tại, sau đó thì mới tính đến chuyện sáng tạo và phát triển sản phẩm. Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập Tiki.vn, một công ty khởi nghiệp thường mất đến 5 năm để giải quyết bài toán tìm kiếm doanh thu, chi trả cho những tờ hóa đơn dày cộm hàng tháng. Richard Branson bắt đầu xây dựng Student Magazine khi ông 16 tuổi với hai bàn tay trắng và đã từng ngồi tù vì xuất khẩu khống băng đĩa chưa trả thuế nhằm lấy tiền lời, chỉ để chi trả cho các khoản nợ của công ty.
Chuyện sao chép không phải là chuyện của riêng nước nào. Dave McClure, một trong những nhà đầu tư thiên thần người Mỹ tại Thung lũng Silicon đã từng nói rằng: “Thực ra bạn có thể bắt chước đến 99% và sáng tạo chỉ 1% thôi cũng đủ để sản phẩm đánh bật các đối thủ khác trên thị trường”. Ngay cả những gã khổng lồ như Google cũng không thể khẳng định rằng mình không sao chép bất kì chi tiết nào. Sản phẩm Iphone ra đời từ năm 2007 được cho là một sự đột phá, nhưng thực tế rằng điểm sáng tạo nhất của Iphone cũng chỉ là việc chắp nối các công nghệ có sẵn vào cùng một thiết bị.
Tại Trung Quốc, nơi nền công nghệ có khả năng “bắt chước” rất cao, cũng không ít lần tạo ra các bản sao có khả năng bán chạy hơn phiên bản gốc. Mặc dù thời kì “kinh doanh copy” đã qua nhưng không thể phủ nhận một điều rằng hàng hóa Trung Quốc hiện tại đang được bày bán rộng khắp thế giới. Thậm chí, các công ty công nghệ Trung quốc còn sao chép chính những sản phẩm của nhau.
Tại Việt Nam hiện nay trào lưu khởi nghiệp trẻ phát triển khá mạnh, nhưng số lượng các dự án thành công lại không nhiều. Theo ông Trần Mạnh Công, giám đốc Topica Founder Institute, năm 2014 chỉ có khoảng 28 dự án được xem là thành công thỏa mãn tiêu chí: được định giá trên 10 triệu USD, hoặc có doanh thu từ 2 triệu USD, hoặc có 100 nhân viên trở lên hoặc đã gọi vốn vòng 2 hoặc đã bán công ty với giá cao. Đặc biệt trong đó, 100% các dự án đều đã có mô hình thành công giống hoặc tương tự ở nước ngoài và được bản địa hóa cho phù hợp với môi trường Việt Nam.
Như vậy, việc sao chép trong khởi nghiệp không phải là sai, đơn giản rằng điều đó giúp doanh nghiệp sống sót và phát triển. Đa phần các dự án khởi nghiệp muốn tồn tại đều phải tiến hành quá trình này trước khi đủ mạnh để có thể tăng tỉ lệ sáng tạo và khác biệt hóa sản phẩm. Trào lưu khởi nghiệp Việt Nam hình thành khá muộn, do đó các công ty mới không tránh khỏi việc sao chép các yếu tố đã có sẵn, đặc biệt là từ các mô hình đã thành công ở nước ngoài.
Xem thêm