Tài sản trí tuệ: Bàn đạp cho khởi nghiệp sáng tạo


Tài sản trí tuệ ngày càng giữ vị trí quan trọng, đã trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Từ đó nó trở thành bàn đạp cho các công ty khởi nghiệp, sáng tạo.

de7c8a78-f4b5-11e6-9061-2e995a9a3302.jpg

Tài sản trí tuệ có thể được hiểu là các sản phẩm do trí tuệ con người sáng tạo thông qua các hoạt động tư duy, sáng tạo trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật. Tài sản sở hữu trí tuệ bao gồm: Quyền tác giả và quyền liên quan; Quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng, công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh); Quyền đối với giống cây trồng và Quyền khác.

Tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình, không thể được xác định bằng các đặc điểm vật chất của chính nó nhưng lại có giá trị lớn vì có khả năng sinh ra lợi nhuận trong tương lai. Trước kia, tài sản hữu hình là tài sản có giá trị chính của một công ty và được coi là có tính quyết định trong việc xác định khả năng cạnh tranh của một doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, điều này đã thay đổi cơ bản. Các doanh nghiệp đang nhận ra rằng các tài sản vô hình đang trở nên có giá trị hơn so với tài sản hữu hình. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tài sản hữu hình chiếm ¼ tổng giá trị tài sản doanh nghiệp, điều đó có nghĩa là tài sản vô hình hay giá trị thương hiệu chiếm ¾ tổng giá trị tài sản doanh nghiệp. Do vậy, có thể thấy tài sản trí tuệ đóng vai trò quan trọng thế nào đối với doanh nghiệp.

Trong khi đó, tại Việt Nam, Chính phủ coi khởi nghiệp sáng tạo là một trong những mục tiêp cấp quốc gia nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy các ý tưởng phát triển để có thể trở thành những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cá doanh nghiệp hay dự án khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tăng trưởng nhanh về quy mô khách hàng, doanh thu, lợi nhuận... dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Do vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ và vừa cần có sự hỗ trợ cả về kỹ năng quản trị doanh nghiệp và hạ tầng kỹ thuật để họ có điều kiện phát triển nhanh, tăng tỷ lệ thành công và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của xã hội. Để phát triển nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhà nước cần có chính sách khuyến khích sáng tạo, đặc biệt là các tài năng trẻ từ các trường đại học, viện nghiên cứu, đồng thời có chính sách đặt biệt để hỗ trợ họ phát triển ý tưởng sáng tạo trở thành sản phẩm thương mại hóa.

Thực tế cho thấy, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tốt sẽ khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và tạo uy tín cho sản phẩm. Ngoài ra, việc bảo hộ tốt sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm cao, hạn chế các vi phạm như tình trạng khai thác công nghệ không được phép của người sở hữu bằng độc quyền, hay sản xuất hàng giả, hàng nhái và các vi phạm khác.

Xét về lâu dài, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mạnh sẽ có tác dụng tốt trong việc phát triển công nghệ và kinh doanh lành mạnh, đóng một vai trò tích cực đối với công cuộc phát triển kinh tế. Ông cũng lưu ý, nếu doanh nghiệp không quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, khi có đối thủ cạnh tranh sao chép lại thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, thậm chí sáng chế thì doanh nghiệp đã tự làm mất đi quyền khiếu nại của mình.

Tuy nhiên hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn còn “thờ ơ” với tài sản sở hữu trí tuệ. Việc không có đầy đủ kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ dẫn đến nhiều doanh nghiệp không nắm được tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ và vẫn 'thờ ơ' với việc đăng ký sở hữu trí tuệ. 

Đặc điểm chung của các startup ở Việt Nam là khi bắt đầu khởi nghiệp chỉ tập trung vào việc xây dựng ý tưởng, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, dồn toàn bộ tâm trí vào xây dựng thương hiệu, chất lượng mà quên việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Hầu hết các startup lại không để ý nhiều về vấn đề này. Sau khi sản phẩm thành công (một vài năm) hoặc khi xảy ra tranh chấp, xuất hiện 'hàng nhái' trên thị trường, họ mới quay lại tìm hiểu thì có khi đã bị mất bản quyền. Chính vì vậy, những người khởi nghiệp thông thái, ngay từ khi có ý tưởng kinh doanh họ đã lên kế hoạch để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Có một thực tế là việc xác định quyền sở hữu và tranh chấp liên quan tới tài sản trí tuệ ngày càng phức tạp, các startup rất dễ bị tổn thương khi sớm phải đương đầu với các vấn đề vi phạm pháp luật, tranh chấp, kiện tụng.

Hạ Vi

Nguồn


Xem thêm