TP.HCM sẽ đầu tư vào các dự án trí tuệ nhân tạo có triển vọng
Ngoài chương trình ươm tạo cùng tổng giải thưởng lên tới 550 triệu đồng, nếu dự án có tiềm năng đủ lớn, TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một nhà đầu tư đồng hành cùng dự án.
Sáng 14/5, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức họp báo công bố cuộc thi “Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) của thành phố Hồ Chí Minh năm 2020” (viết tắt HAI-2020). Cuộc thi do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) tổ chức.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cho biết mục tiêu của cuộc thi là nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức có dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, kinh doanh, quản trị đô thị, giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, nông nghiệp,… và phục vụ cộng đồng xã hội đều có thể tham dự cuộc thi.
Ngoài các giải thưởng hấp dẫn lên tới hàng trăm triệu đồng, các dự án tham dự cuộc thi sẽ có cơ hội tham gia các hoạt động hỗ trợ huấn luyện, cố vấn và chương trình ươm tạo với kinh phí hỗ trợ ươm tạo lên tới 200.000.000 đồng/dự án trong thời gian tối đa 03 tháng.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, cái lợi lớn nhất khi tham dự cuộc thi là được làm việc với các chuyên gia trong hệ sinh thái để hoàn thiện dự án. Các nhóm dự án cũng có cơ hội thuyết trình trước các nhà đầu tư tại vòng chung kết được tổ chức vào tháng 11 trong Tuần lễ Đổi mới sáng tạo WHISE 2020. Đặc biệt, năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với TP.HCM tổ chức Ngày hội Trí tuệ nhân tạo quốc gia. Đây là cơ hội để các ứng viên trình bày dự án với các chuyên gia trong nước và quốc tế.
“Hy vọng cuộc thi sẽ nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và các cơ sở ươm tạo,…tạo được hiệu ứng xã hội rộng lớn và để lại dấu ấn tốt đẹp đối với cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo”, ông Nguyễn Việt Dũng bày tỏ.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Lê Thành Nguyên - Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC), cho biết hiện tại các startup về trí tuệ nhân tạo đang ngày được quan tâm và tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, hầu hết các startup mới mẻ đều gặp nhiều khó khăn về chuyên gia, máy móc trang thiết bị cũng như dữ liệu, tài nguyên.
“Tính đến nay, vườn ươm đã hỗ trợ khoảng 60 dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông. Nhiều dự án đã được triển khai trong thực tế. Chính vì thế, các nhóm tham dự cuộc thi sẽ được vườn ươm hỗ trợ hoàn thiện mô hình dự án và xây dựng sản phẩm mẫu cũng như hỗ trợ về dữ liệu”, ông Nguyên cho biết.
Bên cạnh đó, vườn ươm có đủ cơ sở vật chất, có đầy đủ trang thiết bị, cùng đội ngũ mentors là các chuyên gia, các startup thành công và các doanh nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, các dự án sẽ được ‘ươm tạo’ miễn phí hoàn toàn.
Đại diện các trường đại học, PGS.TS Thoại Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ tiên tiến - Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận xét HAI là cuộc thi khá thú vị khi gắn liền AI với đổi mới sáng tạo.
“Thông qua cuộc thi, mọi người sẽ có cái nhìn 'thoáng' hơn, mới mẻ về AI. AI hiện có trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống chứ không phải chỉ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. AI gắn liền với ứng dụng thiết thực, phải đi vào cuộc sống và hỗ trợ con người làm việc tốt hơn”, ông Nam nhấn mạnh.
Chia sẻ về năng lực nghiên cứu và khả năng hỗ trợ cho các dự án ứng tuyển, ông Nam cho biết, trường ĐH Bách khoa có đội ngũ chuyên gia tư vấn, phản biện để các dự án hoàn thiện, phát triển từ lý thuyết đến thực tiễn. Đồng thời, trường cũng có lợi thế kết nối với các trường ĐH trong và ngoài nước, cùng các doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực AI. Đại diện trường ĐH Bách Khoa cũng cam kết sẵn sàng đồng hành, chia sẻ hệ thống phòng thí nghiệm đang có với các dự án.
Để giải đáp thắc mắc cho người quan tâm, đại diện Sở KH&CN, Sở TT&TT và các trường đại học đã có buổi giao lưu, trả lời câu hỏi trực tiếp ngay tại họp báo.
Theo đó, ông Nguyễn Việt Dũng, đại diện Sở KH&CN, chia sẻ đây là một cuộc thi mở. “Tất cả mọi người dù đang sinh sống tại thành phố, ở địa phương khác hoặc ở nước ngoài đều được tham dự nhưng trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 hiện nay thì nên cân nhắc về điều kiện tham gia”, ông Dũng nói.
Các startup mới khởi động cũng đặt câu hỏi liệu các dự án vừa bắt đầu hoặc chỉ mới phác ý tưởng có thể tham gia không. Giải đáp câu hỏi này, ông Lê Quốc Cường, đại diện Sở TT&TT, cho biết: “Cuộc thi chào đón và phát triển những ý tưởng sáng tạo, vì thế không chỉ những startup đã có thành tựu mà các dự án non trẻ cũng có thể tham gia. Nếu có sáng kiến độc đáo và hữu ích, vườn ươm sẽ hỗ trợ dự án được phát triển”.
Về khả năng “tiến xa” của các startup tham gia chương trình, đại diện BTC chia sẻ: “Các dự án khi tham gia cuộc thi sẽ được đào tạo và hỗ trợ phát triển, được giới thiệu trước các nhà đầu tư. Nếu dự án có tiềm năng đủ lớn, TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một nhà đầu tư để hợp tác lâu dài với startup trong tương lai”.
Ông Nguyễn Việt Dũng cũng cho biết thêm, nếu các dự án có triển vọng sẽ được tham gia chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp SpeedUp do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức với mức hỗ trợ tối đa lên đến 2 tỷ đồng.
Sau phần giao lưu với khách mời, đại diện các nhà tài trợ và Ban tổ chức Cuộc thi HAI-2020 đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Các đơn vị tài trợ cho biết rất vinh dự khi được đồng hành cùng các dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng AI của thành phố, cũng như mong chờ vào một đô thị thông minh được vận hành từ những ý tưởng đang chớm nở ngay trong cuộc thi này.
Thạch An - Minh Giang
Xem thêm