Mã số N2033: Công nghệ sản xuất trứng gà giàu omega 3 và vitamin của Viện Sinh học Nhiệt đới
Với phương pháp cung cấp khẩu phần ăn đặc biệt có chọn lọc cho gà mái đẻ trứng, công nghệ này sẽ cho ra đời những sản phẩm trứng gà giàu omega 3 và vitamin. Sản phẩm này không những đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, mà còn đem đến nguồn lợi lớn cho người chăn nuôi.
Omega 3 và vitamin là hai chất rất quan trọng với cơ thể, tuy nhiên sẽ gây nhiều ảnh hưởng xấu nếu hấp thụ không đúng liều lượng. Do đó, việc bổ sung hai chất này từ các loại thực phẩm thông thường là an toàn nhất.
Một trong những sản phẩm thích hợp nhất để có thể đồng thời bổ sung cả hai chất này là trứng gà. Tuy nhiên, với quy trình chăn nuôi hiện nay, hàm lượng omega 3 và vitamin trong trứng gà còn khá thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của người sử dụng.
Trứng gà ome-vita là một sản phẩm của công nghệ sản xuất trứng gà giàu omega 3 và vitamin do Viện Sinh học Nhiệt đới hoàn thiện.
Đầu tiên, các lứa gà mái siêu trứng Isa Brown sẽ được lựa chọn và đưa vào chăm sóc. Trong quá trình chăm sóc, khẩu phần ăn của gà mái được chọn lọc đặc biệt với hàm lượng omega 3 cao. Sau khi thu được trứng gà, các chuyên gia sẽ tiến hành phân tích và kiểm tra hàm lượng omega 3 trong trứng. Cuối cùng, sản phẩm sẽ được đóng gói và đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường.
Sản phẩm này hướng đến thị trường toàn quốc, phục vụ nhu cầu ăn uống và dinh dưỡng của người tiêu dùng với giá thành thấp hơn những sản phẩm ngoại nhập tương tự.
Theo kết quả phân tích, hàm lượng omega 3 trong trứng gà ome-vita là 593mg/100g trứng, cao hơn rất nhiều so với trứng gà ta (139mg/100g trứng), trứng gà omega (250mg/100g trứng) và trứng gà công nghiệp bình thường (70mg/100 trứng).
Về hiệu quả kinh tế, trứng gà ome-vita có giá khoảng 4000 đồng/ quả, tương đương với doanh thu 7,2 tỷ mỗi năm. Trong khi đó, trứng gà thường có giá 2300 đồng/ quả, doanh thu 4,14 tỷ mỗi năm. Như vậy, lợi nhuận ước tính mà trứng ome-vita đem lại là khoảng hơn 3 tỷ đồng mỗi năm.
Với những kết quả khả quan bước đầu trong nghiên cứu, công nghệ này có triển vọng chuyển giao cho các địa phương để đưa vào áp dụng thực tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy hiệu quả kinh tế xã hội địa phương, có khả năng mở rộng cho toàn quốc.
Thông tin
Tên tác giả | Lê Phúc Chiến |
Điện thoại | 0907 348 312 |
lephucchien@mail.com |