Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Một cách đơn giản: Blockchain là gì

See this content in the original post

Tất cả bắt đầu từ tiền

Điện thoại reo. Vợ ngài giám đốc công ty tài chính khổng lồ Pimco ở Mỹ cầm máy.

“Tìm ngay cây ATM và rút hết tiền ra”, ông giám đốc gấp gáp, “từ mai ngân hàng sẽ không cho lấy tiền”.

Đó là cơn khủng hoảng tài chính lịch sử cách đây 10 năm, 2008. Rất may là cảnh “ngân hàng không cho lấy tiền” đã không xảy ra lần đó ở Mỹ. Nhưng những điều tương tự như vậy đã diễn ra nhiều lần trong lịch sử, ở nhiều nước trên thế giới. Người dân có tiền, nhưng không được lấy. Thêm một lần nữa, mọi người ngơ ngác tự hỏi: “Vậy Tiền là của mình, hay của ngân hàng?”

Hơn 1 tháng sau, ngày 31/10, một nhân vật bí ẩn có tên Satoshi Nakamoto gửi một email lên diễn đàn công nghệ mật mã. Email viết: “Tôi đang làm một hệ thống tiền điện tử mới, hoạt động không cần bên thứ 3”.

Bên thứ 3 trong email đó là ngân hàng, chính phủ và các tổ chức tài chính. Đây không phải là lần đầu tiên có một dự án tiền nhằm loại bỏ bên thứ 3 như vậy. Rất nhiều người, từ lâu đã muốn có một đồng tiền độc lập với ngân hàng. Mọi người không muốn phải tự hỏi “tiền là của mình, hay của ngân hàng”.

Các dự án tiền điện tử trước đây đều thất bại vì không giải quyết được vấn đề nan giải của thanh toán - “lặp chi”. Nếu bạn cầm tờ tiền 50k trong tay, bạn chỉ có thể mua 1 cuốn sách giá 50k hoặc mua 1 ly trà sữa ‘sang chảnh’. Bạn không thể vừa có sách vừa hút trà sữa được. Đó là “lặp chi”, tiêu 2 lần 1 tờ tiền 50k.

Việc “lặp chi” với tiền giấy thì đơn giản, bạn không thể tự nhân bản ra tờ tiền được. Nhưng với tiền điện tử thì rất khó, vì bạn có thể dễ dàng nhân bản nhiều lần một ‘đồng tiền số’, giống hệt như bạn vẫn thường copy/paste 1 file nhạc, hay file ảnh vậy.

Nhưng lần này, Nakamoto đã có một giải pháp rất thông minh, bằng cách “công khai hóa” mọi giao dịch.

Bạn có 50k bằng tiền điện tử. Chủ hiệu sách và chủ quán trà sữa đều biết bạn có 50k. Mỗi người họ có 1 cuốn sổ, (bằng điện tử, dĩ nhiên), giống hệt nhau và đều ghi số tiền của bạn là 50k.

Bạn ghé hiệu sách mua quyển sách 50k. Bạn mua xong là lập tức cả chủ hiệu sách lẫn chủ quán trà sữa đều ‘rút sổ’ ra và ghi lại giao dịch mua 50k của bạn. Cả 2 đều biết bạn chỉ còn 0 đồng.

Lúc đó, bất chấp bạn có copy/paste bao nhiều đồng tiền điện tử nữa cũng đều vô giá trị, vì các chủ quán đều biết bạn đã hết tiền, và tiền vừa được copy/paste kia là tiền không hợp lệ. Bạn không thể lặp chi.

“Cuốn sổ” này được gọi là “Sổ cái phân tán”.

Nakamoto đặt tên cho đồng tiền của mình là bitcoin. Mỗi một giao dịch bitcoin sẽ được ghi ‘1 dòng’ vào cuốn sổ cái phân tán. Khi ghi hết 1 ‘trang’, sổ cái sẽ thêm vào 1 trang mới, trang mới này được nối tiếp vào với trang cũ vừa hết.

Mỗi ‘trang’ sổ này được gọi là 1 Block. Và vì từng trang, từng trang móc nối tiếp với nhau như hình ảnh một sợi xích, nên công nghệ này được gọi là Blockchain - Chuỗi khối.

Công nghệ minh bạch

Ban đầu, Nakamoto sáng tạo ra Blockchain có lẽ chỉ để chống lặp chi cho hệ thống tiền bitcoin của mình. Nhưng người ta nhanh chóng nhận ra tiềm năng ứng dụng rất lớn của công nghệ Blockchain, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ mỗi tài chính. Blockchain đã cho mọi người một công nghệ minh bạch, dân chủ và không thể sửa đổi số liệu trong quá khứ.

Chúng ta hãy quay lại chuyện mua sách và trà sữa. Bạn là một nhà thương thuyết đại tài. Bạn tự tin sẽ thuyết phục được ông bán sách không ghi việc mua sách của bạn vào “sổ” để bạn không bị trừ tiền và bạn sẽ mua thêm trà sữa.

Nhưng nếu trong khu buôn bán đó có cả triệu người khác, mỗi người đều có 1 bản sổ cái phân tán và họ đều ngay lập tức rút sổ ra ghi việc bạn mua sách vào. Sau đó, cả cuốn sổ của ông bán sách đã bị thuyết phục kia cũng phải đồng bộ theo 1 triệu cuốn sổ đó, khiến việc thuyết phục của bạn trở nên vô nghĩa.

Nếu muốn gian lận, bạn phải thuyết phục ít nhất 500 nghìn lẻ 1 người cầm sổ cùng gian lận, điều này gần như là bất khả thi. Bởi vậy, cuốn sổ cái phân tán này rất minh bạch. Nếu muốn sửa một dữ liệu cũ, bạn cần phải sửa ít nhất 500.001 cuốn sổ, cũng bất khả thi. Càng đông người tham gia, dữ liệu trong sổ càng minh bạch và càng không thể bị sửa đổi.

(Tất nhiên, nếu chỉ có bạn với 2 ông chủ quán tham gia thì việc gian lận vẫn có thể được, nhưng lúc đó quy mô quá nhỏ, chúng ta không cần quan tâm)

Trên thực tế, mỗi cuốn sổ cái là một cơ sở dữ liệu nằm trên một máy tính khác nhau trên toàn bộ internet. Tất cả đều giống hệt nhau. Vì thế, khi nào tất cả các máy tính đều ‘sập’ thì hệ thống blockchain mới chết, một khả năng rất rất nhỏ. Và không một người hay đơn vị đơn lẻ nào có quyền quyết định, sửa đổi dữ liệu trên blockchain, nên dữ liệu trên blockchain rất minh bạch và vẹn toàn.

Blockchain không có máy chủ trung tâm như kiểu Google, không có công ty điều hành giống như Facebook, tất cả các máy tham gia blockchain đều ngang hàng, ngang cấp nhau, nên công nghệ này gọi là phân tán, phi tập trung, phi trung gian.

Tính minh bạch, phi tập trung, phi trung gian của blockchain hứa hẹn sẽ mang lại một cuộc cách mạng mới về công nghệ, với rất nhiều ứng dụng thay đổi thế giới mà chúng ta sẽ thấy trong phần sau.

Quân

See this content in the original post

Xem thêm

See this content in the original post