Thế giới ứng xử với Blockchain thế nào
Những luồng quan điểm đa dạng
Cũng như nhiều phát minh hay công nghệ mới khác, blockchain ở giai đoạn đầu ra mắt nhận vô số những tranh cãi, những dấu hỏi, những nghi ngờ, lẫn những hồ hởi kì vọng.
Nhưng nếu như các phát minh khác thường chỉ tranh cãi quanh khu vực địa lý hẹp hay giữa các nhóm chuyên môn, thì vì là sản phẩm của công nghệ nhưng có khả năng tác động sâu rộng lên mọi ngành nghề, lại sinh ra giữa thời mạng internet phủ sóng toàn cầu, những tranh cãi, thảo luận liên quan đến blockchain cũng sôi nổi trên qui mô toàn cầu.
Rất gần đây thôi, tại diễn đàn Kinh tế thế giới Davos Thụy Sĩ đầu năm 2018, ba chủ đề lớn nhất và gây tranh cãi nhiều nhất chính là cryptocurrency – tiền số nói chung, công nghệ blockchain, và đồng tiền số Bitcoin!!!
Góc nhìn của những người ủng hộ
Trước hết phải làm rõ rằng công nghệ Blockchain nhận được sự ủng hộ cũng như khen ngợi của hầu hết mọi chuyên gia, mọi quốc gia và như chúng ta đã thấy ở các phần trước, người ta đang tích cực ‘chạy đua’ để khai thác thêm những tính năng hữu ích của blockchain phục vụ cho phát triển kinh tế và cuộc sống. Vì vậy, gần như không có sự khác biệt trong thái độ đối với công nghệ Blockchain.
Tuy nhiên, ứng dụng chính hiện nay của blockchain là tiền mã hóa mà cụ thể là bitcoin lại là tâm điểm của khá nhiều tranh cãi, bất đồng! Nhiều người ủng hộ, nhưng cũng nhiều người thận trọng phản đối, có quốc gia hào hứng, lại có quốc gia khá quyết liệt cấm đoán.
Và tất nhiên cả hai phía đều có rất nhiều lý do thuyết phục cho ‘thái độ’ của mình. Với ‘phe’ ủng hộ, lý luận của họ là gì?
1. Không thể cản guồng quay công nghệ
Hơn cả lý luận - đó là niềm tin tuyệt đối của những người ủng hộ. Với họ chỉ rất đơn giản thôi, bánh xe công nghệ đã quay và dù có muốn hay không, người ta cũng sẽ không thể cản được nó! Đương nhiên nó sẽ phát triển, vậy thôi.
Nhìn lại những phát minh trước đây cũng thế. Xe hơi khi vừa ra đời nhận sự chê cười của thiên hạ vì tính bất tiện, chậm chạp!!! Nó chỉ chạy được một đoạn ngắn, để khởi động được động cơ cũng tốn cả đống thời gian và đã thế lại chết máy liên tục vì đường xá trước đây vốn dành cho ngựa chạy nên nhiều bùn lầy.
Cả những người sử dụng điện ban đầu cũng bị coi là những kẻ khùng bởi hệ thống dây dẫn cách điện chưa được sản xuất, rất nhiều vụ cháy nhà, chết người đã xảy ra do dùng điện.
Nhưng rồi rất, rất nhanh sau đó người ta đã khắc phục được những điểm bất tiện, những hạn chế trước mắt, hệ thống hạ tầng phù hợp với các sản phẩm và công nghệ đó cũng được hoàn thiện hơn. Để rốt cuộc đến tận ngày hôm nay, những sản phẩm này vẫn đứng trong danh sách sản phẩm thiết yếu không thể thiếu trong cuộc sống của con người!
Và vì vậy, rất nhiều người tin rằng blockchain, mà cụ thể ở đây là tiền mã hóa, dù còn nhiều bất cập, nhưng sẽ nhanh chóng phát triển. Hạ tầng công nghệ sẽ được nâng cấp cho phù hợp và thuận tiện, bên cạnh đó những hạn chế của tiền mã hóa cũng sẽ dần được khắc phục, và loài người sẽ tiến lên kỉ nguyên mới – kỉ nguyên công nghệ blockchain như một lẽ dĩ nhiên theo guồng quay của lịch sử!
2. Những tính năng ưu việt so với tiền tệ truyền thống
Người ta cũng ủng hộ tiền số, mà đại diện tiêu biểu là bitcoin, bởi chính bản chất ưu việt của nó. Tiền mã hóa có những tính năng đột phá mà không đồng tiền truyền thống nào trong lịch sử loài người có được.
Đó là khả năng giao dịch trong tích tắc ở khoảng cách địa lý bất kỳ, thậm chí sang tận hành tinh khác nếu ở đó có nhu cầu giao dịch! Đó là tính bảo mật gần như tuyệt đối mà không ai có thể lần ra được thông tin về chủ tài khoản và đối tượng giao dịch.
Đó là công nghệ giúp người dùng có thể ‘qua mặt’ được các kênh trung gian như ngân hàng, công chứng, bảo hiểm… đồng thời không phải mất phí cho các đơn vị trung gian này. Đó là khả năng cho phép chủ tài khoản tự chủ giao dịch mọi thứ mình muốn ở nơi mình muốn vào thời điểm mình muốn.
Đó là tính an toàn vượt trội so với giao dịch bằng các loại tiền khác, nhờ khả năng bảo mật và công nghệ cho phép sao chép nhưng ‘không thể dò tìm hay thay đổi thông tin’ của blockchain.
Phí giao dịch tiền số hiện cũng được đánh giá là khá rẻ so với tiền tệ truyền thống, đặc biệt ở các khu vực người dân chưa có điều kiện tiếp cận hay sử dụng kênh ngân hàng thường xuyên, tiền số rõ ràng là một giải pháp tiến bộ giúp họ giao thương với thế giới nhanh chóng và thuận tiện.
Rất nhiều chuyên gia đã đánh giá tiềm năng của tiền mã hóa và bitcoin nói riêng thậm chí còn cao hơn tiềm năng của vàng hay đô la Mỹ! Giới ủng hộ hoàn toàn không nghi ngờ gì việc một đồng tiền mã hóa nào đó, dù không phải là bitcoin, sẽ thống trị thị trường tài chính tiền tệ toàn thế giới trong tương lai không xa!
3. Tiền số mở ra một chân trời tự do
Một trong những lý do chính tiền mã hóa nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều người, đó là khả năng vượt khỏi tầm kiểm soát của bất cứ tổ chức hay chính phủ nào. Nói cách khác, đồng tiền mã hóa là chính là đồng tiền tự do.
Nếu như tất cả các loại tiền hiện hữu đều do các chính phủ in ấn, kiểm soát thì tiền mã hóa có thể chẳng thuộc quyền điều hành của một chính phủ nào. Người ta sẽ không phải lo những nỗi lo thông thường như in tiền quá mức, lạm phát bất thường, mất giá đồng tiền vì chiến tranh hay vì kinh tế đi xuống. Thậm chí, các chính phủ còn không nắm được thông tin về các chủ tài khoản do đó cũng không thể can thiệp hay loại bỏ các giao dịch.
Tiền mã hóa giúp mọi người ‘giải phóng’ khỏi vô số các qui định, các cọng dây kiểm soát vẫn đang chằng lên đồng tiền truyền thống và các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra đối với nền kinh tế hay chính trị tại một quốc gia nhất định. Lần đầu tiên trong lịch sử mọi người được cảm nhận được sự tự do và an toàn của đồng tiền, và vì thế nó thực sự kích thích những người luôn mơ ước hay đề cao hai chữ ‘tự do’.
Không chỉ các chính phủ, mà cả các ngân hàng cũng bị đặt ra ngoài cuộc chơi và suy giảm quyền lực – thứ vốn thuộc về người dân nhưng vẫn thường xuyên bị hệ thống ngân hàng lấy đi mất.
Với các tài khoản tiền truyền thống tại ngân hàng hiện nay, nếu ngân hàng phá sản, thông thường người chủ tài khoản chỉ được bồi thường một khoản nhỏ nhất định. Hay khi ngân hàng gặp trục trặc, các chủ tài khoản sẽ bị khống chế lượng tiền có thể rút ra trong ngày. Vụ Grexit xảy ra hồi hè năm 2015 theo đó các chủ tài khoản chỉ được rút tối đa 60 đô la Mỹ một ngày là một ví dụ điển hình.
Nhưng với tiền mã hóa, người ta sẽ không cần đến hệ thống ngân hàng nữa, người ta sẽ không phải trả chi phí cho ngân hàng và hơn thế nữa, chẳng ai có quyền ấn định số lượng tiền có thể rút ra mỗi ngày là bao nhiêu hay lượng tiền được bồi thường là bao nhiêu. Nhìn từ góc độ này, rõ ràng tiền mã hóa chính là cứu cánh, là đồng tiền tự do đầy quyến rũ, là đồng tiền duy nhất có khả năng trả lại quyền quyết định và tự chủ thực sự cho người nắm giữ nó.
Vì thế, rất dễ hiểu khi trong con mắt của giới ủng hộ, tiền mã hóa thực sự có một tương lai sáng lạn. Bởi tận dụng được công nghệ cao, bởi có những tính năng hết sức ưu việt, bởi khả năng đem lại những giá trị không chỉ về vật chất mà còn cả về tinh thần cho những người sử dụng, rõ ràng không có gì quá ngạc nhiên khi số lượng người ủng hộ và tham gia giao dịch hay phát triển các dịch vụ quanh tiền mã hóa ngày càng tăng lên.
Những quan điểm trái chiều
Tuy nhiên, không phải vô cớ mà Bitcoin và tiền mã hóa gây tranh cãi. Dù có nhiều ưu điểm, dù luận điểm của phe ủng hộ hết sức thuyết phục, vẫn có vô số rào cản cũng như những luận điểm phản bác mà tiền số cần phải thỏa mãn và vượt qua nếu muốn ‘thống lĩnh’ thị trường tiền tệ của con người.
1. Đồng tiền hỗ trợ rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu và khủng bố
Đây là nhược điểm lớn nhất của tiền mã hóa khiến nó bị nhiều người phản đối, thậm chí nhiều người cấp tiến nhất thường ủng hộ các sáng kiến mới cũng tỏ thái độ thận trọng vì những lo ngại quanh tiền mã hóa.
Trên thực tế, do đặc tính ‘ảo’, gần như bí mật hoàn toàn, không ai có thể kiểm soát và hạn chế được đối tượng giao dịch hay nội dung giao dịch nên tiền mã hóa đã bị các tổ chức buôn lậu, khủng bố tận dụng triệt để.
Tại Châu Âu, những năm vừa qua, số tiền các tổ chức rửa tiền thực hiện thông qua Bitcoin đã lên tới trên 5,5 tỷ đô la Mỹ. Các giao dịch buôn lậu, buôn bán vũ khí trái phép, trốn thuế, tài trợ khủng bố trên khắp thế giới thông qua tiền mã hóa cũng liên tục tăng ở mức đáng báo động. Thậm chí gần đây một số tổ chức khủng bố còn kêu gọi đóng góp ủng hộ khủng bố bằng tiền mã hóa.
Tuy nhiên, đổ lỗi cho tiền mã hóa trước thực trạng này là thiếu công bằng. Bản chất của tiền mã hóa không phải sinh ra để phục vụ buôn lậu, khủng bố hay rửa tiền. Mà chỉ vì tiền mã hóa đã bị các tổ chức buôn lậu, khủng bố, rửa tiền… lợi dụng. Nhưng khi chưa tìm được biện pháp để loại bỏ sự lợi dụng này, người ta quay sang chỉ trích chính các đồng tiền đó!
Các chính phủ các nước khi cấm hay hạn chế ủng hộ tiền mã hóa chủ yếu cũng chỉ tập trung vào nguyên nhân này, và dường như ‘quên’ thừa nhận nguyên nhân chính là do họ không có giải pháp hay không thể quản lý. Đối với các cá nhân, đặc biệt là những người có nhiều ảnh hưởng tới xã hội, khi cân nhắc được và mất, lợi và hại giữa ủng hộ tiền mã hóa với thực trạng và viễn cảnh tiền mã hóa có thể dễ dàng bị lợi dụng cho những mục tiêu gây hại cho xã hội, nhiều người cũng e dè và nghiêng về quan điểm cần thận trọng hơn đối với tiền mã hóa.
2. Tính năng ‘phi tập trung’ không hẳn là ưu điểm
Nếu như trên phương diện cá nhân, hầu hết mọi người hào hứng trước một đồng tiền mà các ngân hàng trung ương và các chính phủ bị ‘cho ra ngoài cuộc chơi’, thì trên phương diện xã hội, tính năng phi tập trung của tiền số không cần bên trung gian nào hay nhà quản lý nào tham gia lại gây nhiều lo ngại.
Vai trò giám sát, quản lý, điều tiết thị trường của chính phủ và ngân hàng trung ương đã được chứng minh trong thực tế và trong nhiều lý thuyết kinh tế. Dù có thể còn nhiều chính phủ chưa làm tốt vai trò này, nhưng nếu thiếu vắng hoàn toàn sự tham gia và can thiệp của chính phủ, sẽ có những xáo trộn, rủi ro xảy ra đối với nhiều nhà đầu tư tài chính, thậm chí có khả năng lan rộng ảnh hưởng dây chuyền đến toàn thị trường và toàn bộ nền kinh tế.
Hãy thử tưởng tượng, bạn bị hacker thâm nhập vào máy tính, lấy được mật khẩu giao dịch tiền mã hóa, và chúng có thể chuyển nhượng toàn bộ tiền của bạn sang tài khoản của chúng chỉ trong vài giây mà dù bạn có phát hiện ra cũng không thể ngăn cản, truy tìm hay kiện cáo bởi chính quyền không can thiệp được vào các giao dịch này.
Chỉ một thao tác đơn giản đổi một kí tự trên mật khẩu, chúng có thể biến bạn – chủ nhân thực sự của tài khoản – thành người hoàn toàn không liên quan, thành người trắng tay dù bạn có cả ngàn dữ liệu chứng minh mình mới là chủ tài khoản.
Hacker từng hack được cả một sàn giao dịch, trong phút chốc lấy được toàn bộ tài sản của các nhà đầu tư trên sàn đó mà không một cảnh sát nào hay tổ chức nào có thể bảo vệ kịp.
Hay khi bạn chuyển tiền để mua hàng, nhưng món hàng không đến tay bạn vì bất kì lý do nào đó, và người bán cũng không trả lại bạn số tiền, bạn chẳng có cách nào bắt họ trả lại hay bồi thường hết, mọi rủi ro lúc đó bạn tự chịu.
Ở phương diện kinh doanh, nếu có một nhóm những kẻ lừa đảo, hay những ‘cá mập’ bắt tay với nhau thao túng đồng tiền ảo bạn đang giao dịch, ai sẽ là những người thiệt hại nặng nề nhất? Không phải chính quyền, mà đó là chính bạn và những cá nhân nhỏ lẻ như bạn.
Có vô số rủi ro tương tự như thế đã xảy ra hay có thể lường trước được. Và bàn tay của chính quyền, của các tổ chức trung gian chính là để ngăn chặn những rủi ro như thế này xảy ra. Gạt chính quyền và trung gian ra ngoài, tiền mã hóa tưởng an toàn nhưng thực chất lại dễ dàng trở nên không an toàn, và điều này làm số đông chần chừ khi ủng hộ hay khi tham gia giao dịch, đầu tư.
3. Còn nhiều nhược điểm cần khắc phục
Cũng giống như các công nghệ mới, phát minh mới khác, những sản phẩm tiền mã hóa đầu tiên ra đời chắc chắn không phải là sản phẩm hoàn hảo. Tuy vậy, mọi người đều hiểu sự không hoàn hảo này, và biết rằng những bất cập, hạn chế sẽ được khắc phục.
Vì vậy những yếu điểm này của tiền mã hóa chỉ là những lí do nhỏ phụ thêm cho hai nguyên nhân chính bên trên khiến tiền mã hóa chưa ‘thu phục’ được nhiều nhà quản lý và nhà đầu tư.
Với đồng tiền mã hóa đầu tiên, Bitcoin có vài điểm bất tiện khác như nguồn năng lượng dùng để đào được Bitcoin ngày càng tốn kém, tốc độ giao dịch chưa đủ nhanh, chi phí trên mỗi giao dịch tưởng rẻ nhưng nhiều trường hợp không rẻ hơn so với thẻ visa của các ngân hàng.
Giao dịch tiền mã hóa nói chung cũng không hoàn toàn đơn giản, đòi hỏi người tham gia phải dành chút thời gian nghiên cứu và vì thế không phù hợp với các đối tượng kém công nghệ thông tin như người già, người dân vùng công nghệ chưa phát triển… Các tính năng, nguyên lý hoạt động của tiền mã hóa và công nghệ blockchain không dễ để hiểu, và vì thế không dễ thu hút các nhà đầu tư mới tham gia.
Hà