Blockchain đang ‘lên ngôi’ trên thế giới


blockchainis.jpg
 

Phần lớn các quốc gia đều đồng ý rằng công nghệ Blockchain chính là công nghệ của kỉ nguyên mới. Và không chỉ các chính phủ, mà các tổ chức, doanh nghiệp lớn ở nhiều quốc gia cũng đang tích cực chủ động ‘chạy đua’ nắm bắt và tận dụng công nghệ mới này.

Trên khắp thế giới, những chiến lược phát triển blockchain, những định hướng, khuyến khích, những chương trình nghiên cứu, những kế hoạch ứng dụng blockchain… đang diễn ra hết sức sôi nổi, đặc biệt ở các quốc gia có nền tảng công nghệ thông tin phát triển.

 

Mỹ, không hổ danh là ‘người anh cả’ trong lĩnh vực công nghệ, đã tiếp tục đi tiên phong trong ứng dụng blockchain cũng như đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, quản lý blockchain.

Cuối năm 2017, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái cam kết ứng dụng công nghệ blockchain như một chính sách và chiến lược quan trọng trong vận hành hoạt động của chính phủ.

Rất nhiều cơ quan chính phủ Mỹ như Bộ tài chính, Bộ ngoại giao, Bộ quốc phòng, bộ an ninh nội địa, NASA, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch (CDC), Cơ quan quản lý dịch vụ chung (GSA)… đã thử nghiệm công nghệ Blockchain vào các hoạt động của họ, thông qua hàng loạt các chương trình hay các chính sách như ‘chương trình Blockchain toàn liên bang Mỹ’, ‘chương trình tiên phong’, ‘kế hoạch hạ tầng công cộng’, ‘đạo luật ủy quyền quốc phòng quốc gia’, vv.

Ngân hàng trung ương Mỹ xác định công nghệ Blockchain là xu hướng trong những năm tới và toàn bộ 30 ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã ứng dụng hoặc đang trong quá trình chuẩn bị nâng cấp hệ thống sử dụng các ứng dụng blockchain. Blockchain cũng được khuyến khích và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình trong các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, sinh học, nông nghiệp, ngoại thương, du lịch...

 

Tại Châu Âu, đã có rất nhiều luật được ban hành để khuyến khích phát triển Blockchain. Ngoài đồng tiền chung Châu Âu, blockchain gần như là một mục đích mà Châu Âu muốn hướng đến để xây dựng một hệ thống minh bạch và chia sẻ dữ liệu giữa các thị trường và các tổ chức trong khu vực.

Nghị viện Châu Âu hiện đã lập một nhóm giám sát và lên kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng sổ cái phi tập trung (decentralized ledger) trên blockchain cho mục đích quản lý riêng của họ.

Các ngân hàng trung ương của các quốc gia trong liên minh cũng chủ động tiến hành các bước đi riêng do nhận thấy tiềm năng to lớn của blockchain. Đức, Thụy Sĩ, Anh là những quốc gia tiên phong trong xây dựng hệ thống chính sách nhằm đẩy mạnh fintech mà trong đó blockchain được coi là ưu tiên hàng đầu.

Trên toàn liên minh, các chương trình hợp tác, chia sẻ liên quan đến ứng dụng blockchain ở các lĩnh vực khác nhau cũng liên tục ra đời và được khuyến khích phát triển mạnh mẽ.

 

Nhật Bản, thị trường tiền mã hóa lớn nhất thế giới, cũng là một trong những quốc gia mà chính quyền ‘cởi mở’ với tiền mã hóa nhất, tất nhiên sẽ càng ủng hộ công nghệ blockchain hơn bất kì quốc gia nào.

Tuy không xây dựng thành bộ luật riêng cho blockchain, nhưng rất nhiều bộ ngành tại Nhật đã có những chương trình nâng cấp công nghệ thông tin trong đó ứng dụng blockchain được đặt ưu tiên lên hàng đầu.

Tại Nhật Bản còn có các hiệp hội liên kết để sử dụng hiệu quả blockchain trong các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, du lịch…, thậm chí các hiệp hội liên kết này không chỉ ở qui mô quốc gia mà còn vươn đến qui mô đa quốc gia với nhiều khu vực khác trên thế giới.

 

Tại Trung Quốc, dù đưa ra những biện pháp hạn chế tiền mã hóa, nhưng công nghệ blockchain lại nhận được sự ủng hộ tích cực từ cả phía người dân và phía lãnh đạo cấp cao.

Chính quyền Trung quốc có những chương trình khuyến khích nhân tài tham gia xây dựng các nền tảng blockchain, khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức tăng cường ứng dụng blockchain trong hoạt động dịch vụ, kinh doanh.

Chẳng hạn, một số chính quyền địa phương tài trợ bằng tiền mặt cho các sáng kiến blockchain. Hay chính phủ đã thông qua nghị quyết chi 30% trong tổng số 2 tỉ đô la Mỹ do khu công nghiệp blockchain ở Hàng Châu huy động để hỗ trợ thực hiện các dự án blockchain.

Chính vì thế, năm 2017, hơn 225 bằng sáng chế Blockchain đã được nộp tại Trung Quốc, nhiều hơn tại bất kỳ quốc gia nào khác.

 

Khắp thế giới, dường như làn sóng blockchain vẫn lan tỏa mạnh mẽ cùng với sự ủng hộ nhiệt tình của các chính phủ. Trừ những quốc gia quá lạc hậu về công nghệ thông tin hay tụt hậu về kinh tế, trên các phương tiện truyền thông khắp các châu lục người ta đều có thể nghe thấy những kế hoạch, những chương trình từ phác thảo định hướng đến cụ thể mục tiêu tận dụng công nghệ blockchain hiệu quả ở quốc gia.

World-Bank-Still-Eyeing-Blockchain-04-13-2018-2048x1024.jpg

Chẳng hạn, với Dubai, đó là mục tiêu điều hành toàn bộ chính phủ của mình trên blockchain vào năm 2020. Với Estonia - chính phủ đầu tiên sử dụng blockchain, là tiếp tục hoàn thiện nền tảng blockchain trong an ninh không gian mạng và các dịch vụ công dân như  bầu cử, kiểm soát định danh cá nhân, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân.

Hay tại các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, chính phủ đang nghiên cứu việc sử dụng rộng rãi công nghệ blockchain vào lĩnh vực đăng ký kinh doanh, thương mại và hoạt động của ngân hàng trung ương.

Và đặc biệt, hệ thống ngân hàng ở hầu hết các quốc gia có lẽ lo ngại trước sự cạnh tranh trước mắt của tiền mã hóa, đều đã và đang có kế hoạch nâng cấp, ứng dụng fintech mà chủ yếu là các ứng dụng blockchain trong các hoạt động của mình nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh.

Xem thêm