Ứng dụng Blockchain trong quản lý xã hội
Bạn đã biết Blockchain không chỉ ứng dụng với tiền tệ, mà còn với vô số hoạt động sản xuất kinh doanh và các sản phẩm dịch vụ tài chính. Nhưng vượt xa hơn cả lĩnh vực kinh tế, blockchain còn có thể được ứng dụng rộng rãi đến nhiều – nếu không nói là mọi mặt – hoạt động của đời sống xã hội, mà trong phạm vi bài viết này, chúng ta tạm thời nhóm chung lại là các ứng dụng ngoài lĩnh vực kinh tế.
Quản lý hoạt động xã hội là một khái niệm rộng và chính vì thế những ứng dụng Blockchain cho quản lý xã hội cũng hết sức đa dạng.
Khả năng vươn rộng của công nghệ Blockchain trong lĩnh vực này vừa là cơ hội đối với người dân và các chính quyền, các nhà quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động xã hội, nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với nhiều chính quyền trong việc tạo ra một hay nhiều hệ thống quản lý và điều hành minh bạch hơn, dân chủ hơn, ít tập trung hơn – cũng đồng nghĩa với việc vai trò của chính quyền cũng sẽ trở nên ít quan trọng hơn và tiếng nói người dân thực sự có trọng lượng hơn.
Hãy thử hình dung, chẳng hạn khi đưa ra một quyết sách đối với quốc gia, các chính phủ, đặc biệt là các chính phủ độc tài, thường tuyên bố: ‘chính sách này dựa trên nguyện vọng của toàn dân…’. Vậy nếu thực chất mong muốn của người dân là trái ngược, họ có thể làm gì?
Mọi thứ dễ giải quyết hơn rất nhiều so với biểu tình hay phản đối trên truyền thông như trước đây. Người dân có thể tạo ra một ‘phiếu ý kiến’ dạng như bitcoin, và tham gia ghi nhận ý kiến của mình trên đó.
Sẽ không ai có thể thay đổi hay can thiệp được vào kết quả ‘phát biểu ý kiến’ này, và nguyện vọng của toàn dân thực chất là thế nào sẽ thể hiện rõ ràng ra ngay - tất nhiên, với điều kiện ‘phiếu ý kiến’ được lập trình tương đối hoàn chỉnh và đa số người dân có cơ hội tiếp cận mạng internet.
Tuy nhiên, có vẻ đường đến dân chủ thực sự nhờ Blockchain cũng còn khá xa xôi và các chính quyền sẽ còn nhiều ‘chiêu thức’ đối phó để làm chậm con đường này. Đồng thời, những ứng dụng Blockchain có lợi cho chính quyền, người dân mà chưa thực sự gây hại tới khả năng cầm quyền của các chính phủ vẫn được khuyến khích phát triển, mà một vài ứng dụng đã xuất hiện có thể kể đến như sau:
Ứng dụng trong bầu cử
Ứng dụng công nghệ Blockchain trong bầu cử đã được áp dụng ở một số quốc gia. Đó có thể là ứng dụng cho toàn bộ hệ thống bầu cử, hoặc chỉ cho một vài khâu trong quá trình bầu cử như khâu giám sát, khâu bỏ phiếu, hay khâu lưu trữ dữ liệu. Đó có thể là ứng dụng trên nền tảng blockchain cũ như ethereum tại Brazil, hay trên các nền tảng riêng được xây dựng giành cho bầu cử như tại Nga, Mỹ.
Cốt lõi của các ứng dụng trong bầu cử tất nhiên cũng không nằm ngoài những nguyên lý hoạt động cơ bản của Blockchain. Thông thường các thông tin của người tham gia bầu cử được mã hóa, nhưng và toàn bộ các máy trên hệ thống đều có thể đọc được nội dung và thời điểm bầu cử đồng thời không máy nào có thể chỉnh sửa hay thay đổi được dữ liệu hệ thống đã chấp nhận.
Nhờ blockchain, bầu cử được thực hiện gần như tuyệt đối công bằng, ai cũng có một phiếu bầu có giá trị như nhau, danh tính được dấu kín như nhau, và không ai có thể tác động đến kết quả cuối cùng.
Quốc gia đầu tiên ứng dụng công nghệ blockchain trong quá trình bầu cử là Estonia. Ireland cũng là một trong những nhà tiên phong đưa blockchain vào hệ thống bầu cử.
Một số quốc gia khác đã và đang từng bước chủ động tích hợp blockchain vào các hoạt động trưng cầu dân ý, bầu cử, biểu quyết… như Brazil, Estonia, Đan Mạch, Hàn Quốc, Thụy Sĩ… Nga và Mỹ - hai cường quốc vẫn cạnh tranh nhau từng bước trong phát triển những công nghệ tiên phong – hiện vẫn đang thực hiện từng bước thử nghiệm.
Chẳng hạn như Mỹ mới áp dụng thí điểm tại hai hạt của bang West Virginia vào tháng 3/2018 để đánh giá và hoàn chỉnh trước khi áp dụng trên qui mô lớn, còn Nga vừa ứng công nghệ blockchain trong khâu giám sát kết quả bầu cử tổng thống Nga đầu 2018.
Ứng dụng trong nhận dạng ID công dân
Từ các nhà bán lẻ, nhà cung cấp, nhà sản xuất, các trang truyền thông, đến các công ty tài chính, thậm chí cả các chính phủ đều đang hưởng lợi rất nhiều từ thông tin cá nhân của công dân. Tuy nhiên rất hiếm khi có bên thứ ba đứng ra chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại do những hậu quả của việc lộ thông tin cá nhân.
Vì thế, công nghệ Blockchain là những gì các cá nhân đề cao tính bảo mật và sự riêng tư tìm đến. Với Blockchain, chỉ người chủ sở hữu thực sự mới có quyền quyết định cho ai biết ID hay những thông tin khác của mình, và không một bên thứ ba nào có thể can thiệp để có được hay thay đổi được những dữ liệu đó.
Tất nhiên, các startup và công ty công nghệ không bỏ qua nguồn cầu tiềm năng vô giá này. Rất nhiều ứng dụng blockchain nhận dạng ID công dân đã ra đời, hoặc dựa trên các nền tảng có sẵn như Bitcoin, hoặc phát triển độc lập.
Chẳng hạn Civic ID, một công ty cung cấp dịch vụ ID công dân dùng bitcoin làm cơ sở hạ tầng khóa cho mật mã, còn lại toàn bộ thông tin của cá nhân chỉ nằm trên thiết bị của họ, không ai có thể biết được kể cả nhà cung cấp, đã đạt doanh thu trên 3 triệu USD cho dịch vụ này trong năm 2017.
Estonia, quốc gia đi đầu trong lĩnh vực công nghệ mới blockchain, cũng cung cấp dịch vụ công dân trên nền tảng ứng dụng blockchain và đạt được sự hài lòng của phần lớn người dân nhờ sự thuận tiện, tính bảo mật cao của công nghệ này.
Ứng dụng chứng thực (công chứng, bảo vệ tài sản trí tuệ)
Một trong những dịch vụ chứng thực qua blockchain đầu tiên là Proof of Existence. Với dịch vụ này, người dùng có thể đưa các văn bản xác nhận quyền sở hữu đối với các tài sản hay xác nhận một tác phẩm thuộc bản quyền của mình, đồng thời có thể cung cấp bằng chứng mình sở hữu nếu muốn, mà không bị tiết lộ nội dung chứa trong các văn bản hay các tác phẩm đó.
Các ứng dụng khác phát triển sau này như Virtual Notary hay Bitnotar cũng xuất phát từ nguyên lý chung và các tính năng đó nhưng hướng đến những đối tượng cụ thể hơn hoặc cập nhật thêm những tính năng đa dạng hơn.
Nhưng nhìn chung, với ứng dụng chứng thực, Blockchain không lưu các tài liệu gốc mà chỉ lưu các mã băm của chúng, và chủ sở hữu các tài liệu sẽ có khóa bí mật để truy cập vào các mã băm này.
Các mã băm cũng không thể dịch ngược lại từ văn bản gốc, không thể bị thay đổi bởi bên thứ ba nào, mà duy nhất người nắm khóa bí mật chính là người sở hữu và toàn quyền sử dụng đối với tác phẩm, văn bản, tài sản số đã đăng kí trên hệ thống.
Mặc dù hiện nay vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, chỉ một số startup đang dần thâm nhập thị trường dịch vụ ‘tài sản số’, nhưng với qui mô toàn cầu mà không bị những ranh giới địa lý nào ngăn cản, các dịch vụ này rất có thể sẽ có khả năng thay thế phần lớn các bộ phận liên quan ở tất cả các chính phủ trong tương lai.
Con số các ứng dụng blockchain trong hoạt động quản lý xã hội đã phát triển đến nay đã lên tới hàng ngàn, nhưng còn được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng trong tương lai với rất nhiều loại dịch vụ đa dạng kiểu chính phủ ‘phi tập trung’ nếu chúng ta tư duy lại hệ thống hoạt động internet và quản lý của chính phủ.
Chẳng hạn hệ thống tên miền trước đây thường do các cơ quan quản lý hoặc công ty thuộc nhà nước giám sát thì nay cũng có thể dùng Blockchain để thay thế, hay quản trị chính phủ kiểu dân chủ không cần người lãnh đạo, vv.
Hà