Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Chính sách đa dạng ở các quốc gia đối với quản lý tiền mã hóa

See this content in the original post

Tuy công nghệ blockchain được đón nhận tích cực ở hầu hết các quốc gia, nhưng tiền mã hóa - ứng dụng được biết đến nhiều nhất của blockchain hiện nay – lại không nhận được sự ủng hộ đồng thuận như vậy.

Các quốc gia có thể nghiên cứu, phát triển đồng tiền mã hóa trong nội bộ khối ngân hàng hay của chính quốc gia đó, nhưng thái độ đối với tiền mã hóa nói chung – tức những đồng tiền được giao dịch trên qui mô nhiều quốc gia – bị hầu hết các chính phủ đón nhận một cách tiêu cực.

Ở giai đoạn đầu này của tiền mã hóa, do đánh giá tác động của tiền mã hóa khác nhau và do trình độ công nghệ, năng lực quản lý khác nhau nên các quốc gia cũng có nhiều cách ứng xử khác nhau.

Nhìn chung, ứng xử của chính phủ và chính sách của các quốc gia trên thế giới đối với tiền mã hóa có thể chia thành 3 nhóm: nhóm nước dung hòa, nhóm nước từ chối, và nhóm nước cấm triệt để.

Ảnh minh họa: biểu đồ thái độ với bitcoin của chính quyền các quốc gia. Màu xanh lá cây là các nước ủng hộ bitcoin, màu vàng là các nước còn đang tranh cãi, màu đỏ là nước từ chối bitcoin và màu xanh dương là chưa rõ. Nguồn: coinbase.com

Nhóm nước dung hòa

Đây là nhóm đông nhất đồng thời cũng là nhóm có những quốc gia đi đầu về công nghệ thông tin trên thế giới. Tại các nước này, tiền mã hóa dù có hay không được công nhận là một loại tiền tệ nhưng vẫn được cho phép giao dịch hợp pháp, và các chính phủ đang nỗ lực về mặt pháp lý, chính sách để có chiến lược đối phó và quản lý tiền mã hóa tốt hơn.

Nhật Bản được đánh giá là quốc gia có thái độ tích cực nhất đối với tiền mã hóa. Tháng 4 năm 2017, cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản đã ban hành một đạo luật mới cho phép sử dụng đồng tiền kỹ thuật số làm phương thức thanh toán và hợp pháp hóa nó như những loại tiền tệ.

Sau nhiều tháng tranh luận, đạo luật này cuối cùng đã được áp dụng cho phép các sàn giao dịch tiền mã hóa hoạt động theo các quy định chống rửa tiền và tiền mã hóa được công nhận là một công cụ thanh toán.

Australia cũng là quốc gia có những phương án quản lý tiền mã hóa hiệu quả. Quốc gia này không có quy định về việc hạn chế hay có lệnh cấm cụ thể nào đối với các loại tiền điện tử. Thay vào đó họ ghi nhận một số loại tiền mã hóa đang được giao dịch phổ biến là tiền thật, và từ đó đánh thuế giao dịch tiền mã hóa.

Mới đây, Úc đã thông qua dự luật cho phép Austrac, cơ quan tình báo tài chính của Úc, điều khiển các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số (DCE) bằng nhiều loại tiền tệ mã hóa như bitcoin, Ethereum và Ripple.

Theo đó, các sàn giao dịch tiền điện tử trong nước sẽ phải đăng ký với nhà chức trách và được lưu tại một cuốn sổ đăng ký riêng. Các sàn giao dịch cũng phải thực hiện các thủ tục khác, bao gồm yêu cầu chống rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố, xác minh tình trạng của khách hàng, và lưu trữ một số hồ sơ trong bảy năm. Những biện pháp này củng cố thêm nhiều niềm tin đối với tiền mã hóa từ cả hai phía chính quyền và các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch.

Tại Mỹ, các nhà lập pháp phần lớn đã chọn phương án không công khai thừa nhận nhưng cũng không quyết liệt phản đối tiền mã hóa. Tiền mã hóa ở đây được coi là hàng hóa và khi giao dịch sẽ phải chịu thuế như các loại hàng hoá thông thường. Ngoài ra chính phủ ban hành thêm các qui định để hạn chế đầu tư tiền mã hóa, chống trốn thuế, rửa tiền, chẳng hạn như cá nhân phải chứng minh mình là nhà đầu tư và nguồn tiền đầu tư là hợp pháp…

Tại Canada, các nhà lập pháp áp dụng những cách tiếp cận khá nhẹ nhàng đối với tiền mã hóa. Các chính sách ở đây nhằm mục tiêu “điều chỉnh và gây áp lực”, tập trung chủ yếu vào các mối quan tâm chống rửa tiền.

Ở khu vực Châu Âu, Thuỵ Sỹ được đánh giá là quốc gia có thiện chí nhất đối với tiền mã hóa. Tại đây, tiền mã hóa được áp các quy định như một loại chứng khoán để tính thuế. Đồng thời chính phủ Thụy Sỹ bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng để chuẩn bị tốt nhất cho việc sử dụng rộng rãi tiền mã hóa, theo đó hiện nay công dân có thể thanh toán chi phí vận chuyển hay nhiều dịch vụ khác bằng tiền mã hóa trên lãnh thổ Thuỵ Sỹ.

Tại Đức, chính phủ coi tiền mã hóa không phải là một loại tiền thật, mà là một dạng ‘đơn vị tài khoản’ và người dân được tự do mua bán theo ý mình. Tuy nhiên, các giao dịch đều phải chịu thuế thu nhập và thuế GTGT. Cách quản lý của chính phủ Đức cũng khá hiệu quả và chủ yếu nhắm vào trách nhiệm của các sàn giao dịch cũng như nâng cao nhận thức của người dân trước khi ra quyết định đầu tư.

Trong danh sách này còn có các nước khác thuộc khối Châu Âu, Hàn Quốc, Dubai, Singapore, Phillipin, Estonia, Newzeland… Nhìn chung, phản ứng của nhóm này là không cổ vũ giao dịch tiền số nhưng cũng không cấm đoán tiêu cực mà chỉ đưa ra các chính sách để truy thu thuế và các biện pháp nhằm giám sát, giảm thiểu khả năng buôn lậu hay rửa tiền thông qua tiền mã hóa.

Nhóm nước từ chối tiền mã hóa

Tại các quốc gia này, dù không cấm hay coi hành vi giao dịch tiền mã hóa là bất hợp pháp, nhưng các chính phủ có quan điểm thiếu thiện cảm với tiền mã hóa và theo đó, các chính sách cũng được đưa ra trên cơ sở giảm thiểu hoạt động giao dịch tiền mã hóa.

Tiêu biểu trong danh sách này có Nga, Trung Quốc, Ấn độ, Brazil và một số nước thuộc khu vực Nam Á, Trung Đông.

Tại Nga, hiện vẫn chưa có quy định hay luật chính thức nào về các hoạt động trao đổi, giao dịch tiền mã hóa. Dự thảo luật của Nga đang xây dựng hướng tới công nhận mua bán tiền mã hóa là hợp pháp, tuy nhiên các hành vi đào hay thanh toán bằng tiền mã hóa sẽ bị cấm.

Hoạt động đào tiền có thể bị phạt hành chính, và đặc biệt hoạt động thanh toán bằng tiền mã hóa là bị coi là phạm pháp và sẽ bị xử lý hình sự.

Tại Trung Quốc cũng tương tự, hiện không có bộ luật hay quy định nào của các cơ quan quản lý điều chỉnh cụ thể về tính hợp pháp của tiền mã hóa ở quốc gia này. Nhưng Trung Quốc đã yêu cầu đóng cửa các sàn giao dịch tiền mã hóa, từ đó làm hạn chế giao dịch tiền mã hóa trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ.

Ngày 04/09/2017, Trung Quốc chính thức cấm tất cả các công ty và các cá nhân thực hiện hình thức gây quỹ bằng tiền mã hóa. Với những động thái cấm quyết liệt hơn trong thời gian gần đây, Trung Quốc dường như đang đến rất gần ranh giới với nhóm nước cấm triệt để tiền mã hóa.

Tại Ấn Độ, hiện nay, việc xác định tiền điện tử có phải là một tài sản tài chính hay một hình thức đầu tư hay không vẫn chưa được quy định rõ ràng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng tài chính Ấn Độ đã tuyên bố tiền mã hóa không phải là tiền hợp pháp và tổ chức cung cấp, giao dịch tiền mã hóa sẽ phải ngưng hoạt động. Lệnh cấm này vẫn chưa chính thức được áp dụng do gây nhiều tranh cãi nhưng dự kiến sẽ sớm được tòa án tối cao phê chuẩn.

Song song với dự thảo không công nhận tiền mã hóa này, chính phủ Ấn Độ vẫn tiến hành thử nghiệm đồng tiền mã hóa riêng với hi vọng không để chảy máu chất xám và bắt kịp công nghệ tiên tiến này.

Nhóm nước cấm triệt để

Hiện có 6 quốc gia trong danh sách này, trong đó có Việt nam. Các quốc gia khác là Iceland, Bolivia, Ecuador, Bangladesh, và Kyrgyzstan. Tuy nhiên rất có khả năng con số này sẽ tăng lên khi các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… đưa ra các quy định chính thức.

Điểm chung tại các quốc gia này là tiền mã hóa không được coi là một loại tiền tệ, và lý do cấm hầu hết đều vì để bảo hộ đồng tiền quốc gia. Nhưng mức độ cấm ở các quốc gia cũng không hoàn toàn giống nhau.

Chẳng hạn, Iceland cấm mua tiền mã hóa, nhưng lại không cấm đào tiền. Tại quốc gia này vẫn có những doanh nghiệp đào Bitcoin lớn nhất thế giới.

Tại Bangladet, kinh doanh tiền mã hóa có thể bị phạt lên tới 12 năm.

Tại Ecuador, cấm tất cả các hoạt động cung cấp, mua bán, thanh toán… bằng tiền mã hóa dưới mọi hình thức bởi chính phủ đang xây dựng hệ thống tiền mã hóa của riêng mình.

Còn tại Việt nam, tiền mã hóa không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp và việc phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt hành chính từ 150 triệu đến 200 triệu đồng, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 206 bộ luật hình sự 2015.

See this content in the original post

Xem thêm

See this content in the original post