Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam: Ủng hộ thử nghiệm tiền số
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) ủng hộ xu hướng cho thử nghiệm tiền số, bước đầu có thể cho phép sinh viên nước ngoài học tập ở các trường Việt Nam đóng học phí bằng Bitcoin.
Thời gian gần đây, tiền số là chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Theo thống kê của Verisign, trong quý 4/2017, top 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất đối với tên miền .com gồm: coin, crypto, bit, block, chain, bitcoin, coins, marijuana, blockchain, currency; còn top 10 từ khóa đối với tên miền .net gồm: coin, crypto, bit, block, bitcoin, coins, blockchain, currency, email, cryptocurrency.
Hiện ở Việt Nam vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều về việc có hay không nên cho phép giao dịch tiền số.
Trao đổi với ICTNews về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM cho biết: Hiệp hội đã có quan điểm chính thức về vấn đề tiền số (Hiệp hội đề xuất dùng thuật ngữ tiền số thay cho cách gọi dân dã là tiền ảo - PV).
Quan điểm này có trong Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 sẽ được công bố ngày 14/3 tới trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 (VOBF 2018).
“Tôi chỉ có thể “bật mí” trước rằng quan điểm của Hiệp hội theo hướng chủ động, tích cực, không theo hướng bị động. Nói cách khác là ít nhất cũng phải thử nghiệm.
Liên hệ như Uber, Grab, kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực giao thông vận tải, chúng tôi ủng hộ cách làm của Bộ Giao thông Vận tải, đầu tiên có một cái mới thì phải thử nghiệm cái đã, rồi sau đó rút kinh nghiệm và điều chỉnh, không nên cấm”, ông Nguyễn Thanh Hưng nói.
Cũng theo Chủ tịch VECOM, Chính phủ đã chỉ đạo một số bộ, ngành như Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước… phải làm đề án về vấn đề tiền số, nhưng đến tháng 8/2018 mới phải trình. Đến tháng 8 trình rồi thì sau đó chọn giải pháp gì, quản lý ra sao lại phải chờ tiếp nữa.
“Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ cho thử nghiệm tiền số. Với các giao dịch có yếu tố nước ngoài, ví dụ sinh viên nước ngoài học tập ở các trường Việt Nam đóng học phí bằng Bitcoin, thì quan điểm của Hiệp hội là ủng hộ cho thử nghiệm”, Chủ tịch VECOM nhấn mạnh và lưu ý thêm: “Quan điểm của Hiệp hội cũng chỉ là một trong nhiều quan điểm, có thể đúng hoặc chưa đúng.
Diễn đàn VOBF 2018 là cơ hội để tất cả các bên cùng thảo luận thấu đáo hơn về vấn đề tiền số. Diễn đàn này lần đầu tiên có tới 2 phiên để thảo luận về chủ đề tiền số ở tầm lớn hơn là blockchain: Một phiên bàn về chính sách vĩ mô liên quan đến blockchain, và một phiên thảo luận về công nghệ blockchain ứng dụng trong kinh doanh”.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hưng, “VOBF 2018 sẽ là cơ hội để cùng nhau xem xét xem có đúng là thương mại điện tử Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục hay không.
Điều này rất quan trọng vì đánh giá nhầm về thị trường thì sẽ phải trả giá đắt. Và nếu thị trường tăng trưởng tốc độ cao thì mỗi doanh nghiệp, tổ chức cần làm gì để đón bắt cơ hội đó”.
VOBF 2018 sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 14/3 và tại TP.HCM ngày 16/3 với chủ đề “Kết nối và chia sẻ thông tin thúc đẩy kinh doanh trực tuyến.
Theo số liệu của VECOM, tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam năm 2017 đạt trên 25%, và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020. Và theo dự báo của VECOM, Google và Statitas, đến năm 2020, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD, du lịch trực tuyến đạt 4,4 tỷ USD.
Ngọc Mai - ICTNews