Libra - kẻ định hình tương lai tài chính toàn cầu
Libra có thể là một dự án đầy tranh cãi, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận: giờ đây bức tranh tài chính-kinh tế toàn cầu sẽ có một bước chuyển mình lớn.
Từ một thông báo bất ngờ
Rạng sáng ngày 18/6 (giờ Việt Nam), Mark Zuckerberg bất ngờ đăng lên trang cá nhân của mình về việc hình thành Libra và liên minh Libra Association. Đây là lần đầu tiên giới quan sát, truyền thông và tất cả mọi người nhìn thấy hơn 20 cái tên “sừng sỏ” trong làng công nghệ và tài chính cùng “chung tay” xây dựng một đồng tiền ảo mới.
Sân chơi tài chính thời kĩ thuật số luôn chứng kiến nhiều cái tên “vừa đến đã vội đi”. Kể cả “đầu tàu” bitcoin đã nhiều lần làm giới đầu tư “điêu đứng” vì sự lên xuống giá bất thường của mình. Nhưng với Libra, mọi chuyện có thể đã được tính toán một cách kĩ lưỡng hơn.
Đó là điều chúng ta dễ thấy khi sản phẩm này có sự hậu thuẫn rất lớn từ nhiều công ty hàng đầu, và bất ngờ hơn cả là Facebook. Chúng ta vốn quen với những dự án VR/AR của công ty công nghệ lớn nhất hành tinh này. Việc bổ sung Libra vào danh mục sản phẩm công nghệ bên cạnh Oculus trong lĩnh vực tài chính - vốn không hề được “gắn” với Facebook - là một nước đi liều lĩnh.
Mark vốn là một người giàu tham vọng là có sự tính toán rất kĩ. Kể cả khi phải đối mặt với một trong những phiên điều trần lớn nhất làng công nghệ hồi năm ngoái, người ta vẫn thấy ông chủ của Tập đoàn Facebook điềm tĩnh như thế nào. Với nước đi mới lần này, chúng ta hoàn toàn có thể tin vào một “tiếng vang” nào đó.
Đến loạt bài phân tích
Sau lời thông báo, Libra lập tức lên trang nhất hoàn loạt tờ báo công nghệ lớn nhỏ. Chúc mừng có, kì vọng có, nhưng hoài nghi cũng có - và không hề ít.
Người ta đang cố gắng định hình một cách cụ thể nhất cách thức mà Libra hoạt động. Về bản chất, Libra là tiền ảo dựa trên blockchain, và vì thế nó có một yếu tố rất cơ bản của mọi hệ thống tiền kĩ thuật số nói chung - cũng là thứ làm mọi người “hoang mang”.
Như những gì chúng ta biết về tiền ảo, đó là một hệ thống phi tập trung. Bạn không cần một ngân hàng trung ương để điều phối và bình ổn các giao dịch như truyền thống. Nhưng Libra lại được hậu thuẫn bởi một nhóm các công ty lớn (gọi là Libra Association). Mọi giao dịch blockchain chỉ có thể được xác nhận bởi nhóm này.
Câu hỏi ở đây: có thể coi hiệp hội này là một “ngân hàng trung ương” được không, và vai trò của Facebook là đến đâu trong hệ thống này?
Bản thân nhóm phát triển của dự án này đã lên tiếng “trấn an” dư luận, rằng hiệp hội này chỉ là bước khởi đầu để đảm bảo một môi trường tín dụng lành mạnh và trong sạch. Theo một lộ trình được vạch ra trong vòng 5 năm, các tổ chức, cá nhân khác sẽ có thể tham gia vào hệ thống nhằm mở rộng Libra ra hơn nữa.
Nhưng dường như lời giải thích này chưa được lòng số đông. Một trong số những nguyên do mà mọi người đang nhắc đi nhắc lại, đó là về vấn đề niềm tin. Bởi khi bạn đã không tin ngân hàng trung ương truyền thống, bạn lấy lý do nào để tin Visa, Mastercard hay thậm chí là Facebook - nền tảng đang bị “đặt dấu hỏi” bởi những lùm xùm liên quan đến tin giả, lừa gạt cộng đồng?
Hướng đến tương lai
Dù có nói thế nào đi nữa, nếu “định hình tương lai” là một trong các sứ mệnh của Libra, nó rõ ràng đang làm tốt. Trước mắt, nó đã tạo được tiếng vang và làm cho thế giới phải bàn tán và suy ngẫm về con đường phía trước.
Tham vọng của Facebook là rất rõ ràng: tạo ra một “hệ sinh thái” mang tính tổng thể, len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống hằng ngày. Nơi đó, chúng ta đã được chia sẻ hình ảnh, được trò chuyện trực tuyến, được gợi ý mua sắm. Giờ đây, chúng ta rất có thể sẽ được thanh toán một cách thuận tiện.
Theo đà phát triển của công nghệ, Big Data, AI và sắp tới đây là môi trường mạng 5G sẽ trở nên phổ biến. Môi trường đó cho phép chúng ta “kết nối” nhanh hơn, mạnh hơn và do đó nhu cầu “đẩy nhanh” mọi hoạt động từ sinh hoạt cho đến công việc cũng sẽ là một nhu cầu thiết thực và phù hợp với bức tranh chung.
Facebook, dù sao đi nữa, cũng đang là người “đón đầu xu hướng”. Họ không phải là cái tên đầu tiên, nhưng là cái tên “đủ trọng lực” để thật sự tạo ra sự thay đổi.
Mô hình ngân hàng truyền thống nói riêng và mọi lĩnh vực nói chung đang phải đối mặt với sức ép từ công nghệ. Nếu không thể đáp ứng, những mô hình cũ sẽ phải nhường chỗ cho các giải pháp hiện đại hơn. Rất nhiều giải pháp công nghệ đã và đang được các ngân hàng cân nhắc và giới thiệu tới cộng đồng, như ứng dụng điện thoại thông minh, thanh toán bằng thẻ điện tử, … Nhưng các ngân hàng không thể nào dựa vào đó để chủ quan và “đứng yên tại chỗ”.
Thế giới bây giờ xoay quanh chiếc điện thoại. Con người sẽ có xu hướng dùng các thiết bị thông minh để quản lý mọi hoạt động trong đời sống. Riêng về mặt tài chính, cái tên nào có thể cung cấp một nền tảng nhanh, mạnh và an toàn, có thể giúp mọi người giao dịch một cách nhanh chóng và thoải mái, cái tên đó sẽ chiếm lĩnh tâm trí của người dùng.
Libra có đi đến được “cái đích” này hay không, vẫn là một câu chuyện của tương lai. Nhưng tương lai cũng là thời điểm mà chúng ta có thể kì vọng về nhiều sản phẩm hơn nữa tham gia vào cuộc đua, mang lại nhiều lựa chọn cho người dùng.
Hiệp