Libra và câu chuyện về niềm tin


Tiền điện tử về bản chất dựa vào niềm tin. Satoshi Nakamoto trong thông báo đầu tiên về đồng bitcoin đã nói “Vấn đề gốc rễ của tiền tệ truyền thống là sự tin tưởng mà hệ thống này cần để có thể vận hành. Ngân hàng trung ương cần nhận được sự tin tưởng, nhưng lịch sử của tiền tệ đã cho thấy nhiều lần niềm tin đó bị vi phạm.”

facebook-cryptocurrency-libra-globalcoin-end-times-one-world-currency-mark-zuckerberg-666-933x445.jpg

Những gì chúng ta biết về hệ thống tiền tệ điện tử - nền tảng công nghệ phức tạp, cơn sốt “đào tiền ảo” hay biến động giá bất thường - suy cho cùng đều đến từ việc chúng ta không còn tin tưởng hệ thống tài chính truyền thống.

Bây giờ, sức mạnh đó nằm trong tay Facebook. Vừa qua, Facebook đã công bố một loại tiền điện tử mới đầy tham vọng có tên Libra, được quản lý bởi một hiệp hội các công ty tài chính và công nghệ bao gồm Facebook cùng với các cái tên lớn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng như Visa hay Mastercard.

Đây là một dự án đầy tham vọng khi Facebook đang cho thấy tầm nhìn của họ về cái gọi là blockchain tài chính toàn cầu. Về mặt nguyên lý, Libra tương tự như bitcoin và Ethereum: nó có cùng tính chất ẩn danh và hỗ trợ tương tự cho các hợp đồng thông minh và ứng dụng độc lập. Về lý thuyết, nó có tất cả những mặt tốt của tiền điện tử, nhưng nó lớn hơn và nhanh hơn.

Libra mặc dù hoạt động trên nguyên lý phi tập trung, nhưng về bản chất nó vẫn là “đứa con” của Facebook. Nhân viên của Facebook sẽ thiết kế blockchain và hợp tác với các đối tác trong quá trình quản lý. Libra sẽ được tích hợp trong các ứng dụng Facebook như Messenger và WhatsApp - điều này có nghĩa các sản phẩm của Facebook sẽ là cách công ty giới thiệu trải nghiệm này tới người dùng. Sử dụng Libra có nghĩa là tin tưởng Facebook - vốn đang bị lung lay kể từ đầu năm 2019.

Tiền điện tử vốn mang quan điểm về một hệ thống tài chính phi tập trung, nhưng với tiềm năng của Libra - vốn là một dự án được quản lý bởi một trong những công ty mạnh nhất trên Trái Đất, kỉ nguyên đầu tiên của tiền ảo có thể sẽ kết thúc.

Libra cũng mang trong mình những sự khác biệt so với các hệ thống tiền điện tử truyền thống khác. Các blockchain trong hệ thống chỉ có thể được khai thác bởi các công ty trong Libra Association. Giải pháp này giúp Libra tránh được những rắc rối mà chúng ta thường thấy với bitcoin, ví dụ như tình trạng “đào lậu” hay những giao dịch không ổn định. Nhưng nó cũng làm cho Libra Association trở thành một “ngân hàng trung ương”, nơi quản lý tiền tệ và đảm bảo sự ổn định.

Là một doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng blockchain, đó là một giải pháp hoàn hảo: bạn cần một blockchain có thể hoàn tất giao dịch một cách nhanh chóng và đảm bảo được sự bình ổn về giá. Nhưng về mặt niềm tin, bạn sẽ cảm thấy băn khoăn: nếu bạn không tin tưởng vào Cục Dự trữ Liên bang, tại sao bạn lại tin tưởng Visa và Mastercard?

Điều này đã được Libra tính toán trong một lộ trình 5 năm để hướng đến mô hình mở hoàn toàn cho mọi tổ chức, cá nhân. Đây là một kế hoạch có cơ sở nhưng chưa hoàn toàn thuyết phục. Về mặt chính trị, hoàn toàn có khả năng một vài thành viên muốn giữ cho mình sự “ưu tiên” vốn có và không muốn “chung sân” với những “người chơi” khác ngoài hiệp hội. Có lẽ cột mốc 5 năm chỉ là cách để Facebook kì vọng rằng các vấn đề tồn đọng sẽ được giải quyết dần dần.

Với những người vốn hoài nghi về sự minh bạch của Facebook, Libra lại là một mối đe dọa tiềm tàng đối với hệ thống tài chính. Matt Stoller của Open Market - một trong người phê bình Facebook vì độc quyền - đã mô tả ý tưởng này như “một phiên bản Quỹ Tiền tệ Quốc tế được điều hành bởi dân công nghệ.”

Một số ý kiến khác bày tỏ sự quan ngại về chính nhà phát triển của Libra là Facebook - vốn đang là nơi “tràn ngập” những thông tin mang tính giả mạo và lừa gạt người đọc. Một số nhà cầm quyền châu Âu đã bắt đầu xem xét những dự luật để quản lý đồng tiền này; họ xem nó là mối nguy hại tới chủ quyền của quốc gia.

Quay trở lại câu hỏi về niềm tin. Việc phân tán quyền lực kiểm soát Libra cho một nhóm các công ty công nghệ được xem là một động thái củng cố niềm tin, nhưng không ai có thể phủ nhận vai trò của Facebook trong việc phác thảo mô hình vận hành Nếu bạn không tin tưởng Facebook hiện tại, tại sao bạn lại tin tưởng nó để xây dựng một hệ thống tài chính trong tương lai?

Mặt khác, nếu mô hình Libra không khác gì mô hình của một “ngân hàng trung ương”, Libra sẽ trông giống như một công cụ quyền lực hơn là một giải pháp hướng đến mọi người. Ý tưởng về việc tham gia một hệ thống tiền tệ mới có thể hấp dẫn với các doanh nghiệp, nhưng với nhóm người dùng thông thường, đó vẫn là một câu chuyện dài.

Hiệp (theo The Verge)

Xem thêm