'Các ngân hàng trung ương nên xem xét ý tưởng phát hành tiền ảo'


Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế kêu gọi các ngân hàng trung ương cân nhắc việc phát hành tiền ảo vì những lợi ích rõ ràng của nó.

0755_Lagarde.jpg

Phát biểu trong Lễ hội Công nghệ tài chính Singapore hôm 14/11, bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh bản chất thay đổi liên tục của tiền trong bối cảnh nhu cầu đối với tiền mặt đang giảm trên khắp thế giới. Bà khẳng định các ngân hàng trung ương có vai trò lớn trong việc cung cấp tiền vào nền kinh tế số.

"Tôi tin rằng chúng ta nên cân nhắc khả năng phát hành tiền kỹ thuật số", CNBC dẫn lời bà Lagarde.

Lagarde lập luận tiền số do một ngân hàng trung ương hậu thuẫn có thể thúc đẩy sự toàn diện tài chính, an ninh, tính riêng tư trong thanh toán với tư cách là sự thay thế rẻ và hiệu quả đối với tiền giấy.

"Thông điệp của tôi là: Mặc dù tiền mã hóa chưa phổ biến, chúng ta vẫn nên tiếp tục nghiên cứu nó một cách nghiêm túc, cẩn thận và sáng tạo", bà thổ lộ.

Ngân hàng trung ương khắp thế giới đang xem xét những tác động từ sự trỗi dậy của thanh toán không tiền mặt đối với tiền giấy truyền thống do ngân hàng phát hành và hoạt động quản lý cung tiền. Lagarde nói các ngân hàng trung ương ở Trung Quốc, Canada, Thụy Điển, Uruguay đang chấp nhận sự thay đổi và tư duy mới về cách thức họ có thể cung cấp tiền kỹ thuật số tới công chúng.

Ví dụ, Ngân hàng trung ương Thụy Điển đã lập kế hoạch thử nghiệm một phiên bản tiền ảo mang tên e-krona vào năm 2019. Thụy Điển được coi là một trong những xã hội chi tiêu tiền mặt ở mức thấp nhất trên thế giới - với chỉ 13% người dân dùng tiền mặt trong những giao dịch gần nhất trong cửa hàng, theo một cuộc khảo sát từ Ngân hàng trung ương Thụy Điển.

Nhiều ngân hàng thương mại đã chấp nhận tiền gửi ở dạng mã hóa, nhưng Lagarde nhấn mạnh rằng một loại tiền ảo có thể nhận sự hậu thuẫn của chính phủ theo cách tương tự như tiền mặt ngày nay. Tiền mã hóa có thể ra đời dưới dạng token do chính phủ phát hành, hoặc thông qua một tài khoản mà chính phủ kiểm soát trực tiếp tại Ngân hàng trung ương.

Ngược lại, những tiền mã hóa như Bitcoin lại không chịu sự kiểm soát của một quyền lực trung tâm. Lagarde thừa nhận bà chưa hoàn toàn tin tưởng những loại tiền ảo đang vận hành dựa trên niềm tin vào công nghệ.

"Sự quản lý đúng đắn đối với những đồng tiền ảo vẫn sẽ là nền tảng của sự tin tưởng", bà bình luận.

Để thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, Lagarde kiến nghị các ngân hàng trung ương hợp tác với giới doanh nghiệp tư nhân. Các ngân hàng và tổ chức tài chính có thể quản lý tiền của khách hàng, còn chính phủ thực hiện giao dịch số. Cơ chế phối hợp này sẽ tiếp tục khuyến khích sự sáng tạo trong các ngân hàng và công ty khởi nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để các ngân hàng trung ương tập trung vào lợi thế "hỗ trợ phía sau" của họ.

"Ưu điểm của tiền số rất rõ ràng. Hoạt động thanh toán của người dân sẽ diễn ra tức thì, an toàn, rẻ và bí mật", bà nói.

Nhạc Dương - Vietnambiz

Bài gốc

Xem thêm