Stress công sở gây thiệt hại kinh tế bao nhiêu?
Báo cáo của Cơ quan châu Âu vì sự an toàn và sức khỏe trong công việc mới đây cho biết, hằng năm trên thế giới có đến 550 triệu ngày công bị thất thoát, và hơn 50% số thất thoát này liên quan đến những người nghỉ việc vì bị stress.
Còn với Jeffrey Pfeffer - tác giả quyển Dying for a paycheck (Chết vì đồng lương), hằng năm, ở Mỹ có 120 ngàn cái chết liên quan đến tình trạng nguy hiểm tại nơi làm việc, khiến cho chi phí chăm sóc sức khỏe phải trả thêm lên đến 190 tỷ USD/năm.
Điều này biến nơi làm việc thành nguyên nhân gây ra cái chết đứng hàng thứ năm trên thế giới, còn tệ hơn cả bệnh thận và bệnh Alzheimer. Riêng tại nước Anh, trong những năm 2016-2017, đã có sự thất thoát 12,5 triệu ngày công lao động chỉ do các nguyên nhân stress, trầm cảm hay bất an.
Ngày nay tình trạng stress nơi làm việc ngày càng tăng nhưng không được quan tâm đúng mức. Theo Bob Chapman - Giám đốc điều hành Hãng sản xuất Barry-Wehmiller: "người sếp của bạn quan trọng cho sức khỏe bạn hơn cả ông bác sĩ gia đình của bạn". Thời gian kéo dài của công việc ảnh hưởng bất lợi đến năng suất lao động tính theo giờ ở cả khía cạnh quốc gia lẫn lĩnh vực công nghiệp.
Việc cắt giảm nhân sự trước đây chỉ xảy ra trong những thời điểm ngặt nghèo của nền kinh tế, nay trở nên thường xuyên hơn bao giờ hết. Sự bất an về mặt kinh tế ngày càng tăng cao khiến người lao động không còn yên tâm về thu nhập của họ từ tuần này qua tuần khác. Và điều này góp phần làm gia tăng tình trạng stress trong môi trường lao động.
Mới đây, Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước lượng rằng khoảng hai phần ba chi phí chăm sóc sức khỏe trên thế giới dành cho các bệnh mạn tính, và các bệnh không lây nhiễm chiếm đến 63% số tử vong.
Bệnh mạn tính xuất phát từ stress và những cách sống không lành mạnh như nghiện thuốc lá, uống rượu, sử dụng ma túy và ăn uống quá độ gây ra stress. Nhiều kết quả điều tra xác định môi trường làm việc là nguyên nhân hàng đầu của stress, do đó, cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra cuộc khủng hoảng về chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Để khắc phục dần những hiệu quả tiêu cực của môi trường lao động, nhiều lãnh đạo các công ty, tập đoàn lớn đang chú tâm đến vấn đề quản lý. Các doanh nghiệp tạo những điều kiện thuận lợi để người lao động vừa có công ăn việc làm, vừa có một đời sống gia đình ổn định.
Điều quan trọng hơn cả là những công ty này được điều khiển bởi những người thực hiện nghĩa vụ của họ đối với người lao động một cách thật nghiêm túc. Viện SAS có một viên chức phụ trách chăm sóc sức khỏe mà công việc chính không phải là kiểm tra chi phí, mà là đảm bảo người lao động có được một sức khỏe tốt nhất.
Lê Nguyễn - Doanh nhân Sài Gòn