Tiến sĩ Mỹ sản xuất burger từ thực vật không gây béo phì
Impossible Burger có vị giống thịt nhưng làm từ đậu nành, rau củ và dầu dừa được nhiều thực khách lựa chọn thay thế bánh kẹp nhân thịt.
Burger (bánh kẹp nhân thịt), món ăn phổ biến nhất tại Mỹ và các quốc gia phương Tây, là sản phẩm chính đem lại lợi nhuận lớn cho các hãng thức ăn nhanh như McDonald’s, Subway, Burger King…
Sự ra đời của start up Mỹ có tên Impossible Food với các sản phẩm làm từ thực vật giúp cân bằng dinh dưỡng và không gây béo phì đang dần làm thay đổi thói quen ăn uống của nhiều khách hàng tại Mỹ.
Impossible Food được thành lập bởi tiến sĩ Patrick Brown năm 2011, với tham vọng tạo ra các sản phẩm làm từ thực vật có thể thay thế cho ngành công nghiệp thịt hiện nay.
Patrick Brown là tiến sĩ chuyên ngành Hóa - Sinh, đồng thời cũng là người ăn chay trường. Sau thời gian dài nghiên cứu và giảng dạy tại khoa Hóa - Sinh, Đại học Y Stanford, Patrick Brown nhận thấy ngành công nghiệp thịt đem lại nhiều mối nguy hại cho nhân loại. Nó làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh béo phì, tim mạch, các bệnh lý khác và ảnh hưởng nhiều đến môi trường với lượng khí thải lớn. Năm 2009, Patrick Brown lên ý tưởng sản xuất các sản phẩm làm từ thực vật để thay thế thịt.
"Động lực chính để tôi thực hiện dự án này là giảm những tác động của ngành công nghiệp thịt tới môi trường. Trái đất đang phải hứng chịu những tác động lớn do việc sử dụng thịt động vật và các công nghệ sản xuất chúng. Tôi muốn cứu lấy hành tinh tuyệt vời này cho thế hệ tương lai", tiến sĩ Brown chia sẻ.
Sau 3 năm thử nghiệm, Patrick Brown cho ra đời những sản phẩm làm từ thực vật có hương vị giống như thịt nhưng không gây béo phì, tốt cho sức khỏe. Công thức tạo nên các sản phẩm của ông chính là "phân tử heme", một yếu tố quan trọng tạo nên hương vị thịt cho món ăn.
Theo Brown, mức khí thải nhà kính khi làm món bánh kẹp Impossible Burger thấp hơn 87% so với các loại bánh kẹp nhân thịt. Các sản phẩm của Impossible Food không chứa kháng sinh, cholesterol hay hương vị nhân tạo. Đồng thời nguyên liệu sản suất loại thực phẩm này tiết kiệm hơn so với các loại thịt.
Nhiều thực khách tìm đến Burger Impossible bởi không muốn từ bỏ hương vị thơm ngon của thịt nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng mà không lo lắng đến vấn đề cân nặng.
Impossible Food nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, trong đó có tỷ phú công nghệ Bill Gates. Đến nay, startup này đã huy động được hơn 400 triệu USD từ các nhà đầu tư.
Năm 2017, Impossible Food chính thức đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất quy mô lớn đầu tiên tại thị trấn Oakland, bang California. Nhà máy có công suất 4 triệu chiếc bánh kẹp mỗi tháng và dự kiến tăng sản lượng lên 250 lần trong thời gian tới.
Hiện nay, Impossible Food cung cấp các sản phẩm làm từ thực vật đến hơn 1.500 nhà hàng tại Mỹ. Tháng 4 vừa qua, startup này cũng mở rộng thị trường sang Hong Kong, nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc.
Tiến sĩ Patrick Brown hướng đến mục tiêu thay thế hoàn toàn các sản phẩm làm từ thịt động vật và công nghệ sản xuất thực phẩm vào năm 2035.
"Chúng tôi không yêu cầu mọi người từ bỏ món ăn yêu thích mà chỉ đưa ra lựa chọn thay thế tốt nhất", ông nói.
Impossible Foods không phải là công ty duy nhất sản xuất các sản phẩm thay thế thịt từ thực vật. Các startup như Beyond (Mỹ), Omnipork (Hong Kong) cũng đang tìm cách thu hút khách hàng với sản phẩm thay thế thịt được làm từ đậu nành, đậu xanh, nấm và protein gạo.
Tiến sĩ Brown đang đàm phán với McDonald's để đưa sản phẩm của Impossible Foods vào hệ thống phân phối của chuỗi thức ăn lớn nhất ở Mỹ. Nếu lần hợp tác này thành công, Impossible Foods sẽ tạo nên sự thay đổi lớn trong ngành thực phẩm toàn cầu.
Thảo Nguyên - Ngoisao.net