Ứng dụng gọi xe ngoại dần thâu tóm thị phần taxi tại Việt Nam

Taxi truyền thống ngày một xuống dốc, ứng dụng gọi xe nội vừa ra mắt đã liên tục bị phàn nàn tạo điều kiện cho kế hoạch đánh chiếm thị trường Việt Nam của Grab, hay sắp tới là Go-Jek trở nên thênh thang, rộng mở.

5494047174_dba036d257_b.jpg

Go-Jek, đối thủ lớn nhất của Grab gia nhập thị trường Việt Nam

Vừa qua, ứng dụng gọi xe GO-VIET với sự hậu thuẫn của ông lớn Go-Jek đã tuyên bố tham gia thị trường gọi xe Việt Nam. Chính thức thử nghiệm từ tháng 7 tới, GO-VIET sẽ triển khai 2 dịch vụ đầu tiên là: đặt xe hai bánh và giao hàng. Sau đó là tiến tới dịch vụ đặt xe 4 bánh và đối đầu Grab.

Với số tiền 500 triệu USD tuyên bố rót vào thị trường Đông Nam Á, nhiều người kì vọng thông qua GO-VIET, Go-Jek sẽ trở thành một đối trọng với Grab, thay vì để startup Malaysia nắm giữ vị thế độc tôn trong lĩnh vực gọi xe như hiện nay.

Bởi nếu xét về cả tiềm lực tài chính và quy mô doanh nghiệp, Go-Jek là cái tên khả quan nhất xứng tầm nhất. Ngoài ra, sự đa dạng hệ sinh thái của 2 công ty là như nhau. Trong khi Go-Jek đang được định giá 5 tỷ USD, thì Grab nhỉnh hơn với 6 tỷ USD.

Thế nhưng, cả Go-Jek và Grab đều là những ứng dụng gọi xe của công ty nước ngoài. Việc 2 ông lớn trong ngành cùng có mặt ở thị trường Việt Nam đồng nghĩa ứng dụng gọi xe nội đang mất dần cơ hội tại chính sân nhà của mình.

Trong khi đó, những đơn vị vận tải hành khách truyền thống như: Savico, Mai Linh hay VinaSun...tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tình hình kinh doanh sụt giảm.

Sức ép khủng khiếp từ Grab

CTCP Dịch Vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico) là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam tuyên bố ngừng kinh doanh hoạt động taxi của mình trước sức ép từ Grab. Sau gần 10 năm hoạt động, liên doanh này phải cơ cấu lại đoàn xe và cải thiện chất lượng phục vụ để duy trì tỷ lệ khai thác xấp xỉ 90% nên chi phí tăng cao.

"Thế nhưng, khi vừa có lợi nhuận để bù đắp lỗ lũy kế trước đó thì lại chịu sự cạnh tranh thị phần gay gắt từ Grab và Uber", phía Savico cho hay.

Tất nhiên, liên doanh ComfortDelgro Savico Taxi không phải là cá biệt. Ngay cả các đơn vị cung cấp dịch vụ taxi lớn như Vinasun hay Mai Linh những năm qua cũng liên tục gặp khó khi phải cạnh tranh với Uber, Grab.

Trong quý 1 vừa qua, tình hình kinh doanh của VinaSun  xấu hơn dự kiến. Doanh thu từ mảng dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi giảm mạnh, chỉ đạt 202 tỷ đồng, chưa bằng 1/5 so với con số hơn 1.000 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận của Vinasun còn giảm mạnh hơn. Lãi sau thuế của công ty trong quý đầu năm chỉ đạt 11,6 tỷ, giảm 5 lần so với cùng kỳ. Con số này chỉ tương đương với 12% kế hoạch năm mà ban lãnh đạo đề ra.

Trong khi Vinasun khốn đốn ở miền Nam, thì ở miền Bắc, Mai Linh cũng đang chật vật không kém. Trong năm 2017, công ty đã phải cắt giảm hơn 3.000 nhân sự, doanh thu đến phần lớn từ việc… bán xe.

Doanh thu của công ty trong năm 2017 chỉ đạt 1.039 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Hoạt động kinh doanh chính nối dài những năm tháng thua lỗ trước đó khi báo lỗ 54 tỷ đồng.

Quy mô ngày càng thu hẹp khiến các tài xế của Vinasun hay Mai Linh ít được hỗ trợ hơn. Số cuốc xe họ nhận được mỗi ngày cũng ít dần.Thống kê cho thấy trong năm 2017, số lượng cuộc gọi bình quân mỗi ngày của Vinasun giảm hơn 12.000 cuộc gọi. Nếu tính trung bình, mỗi tài xế Vinasun chỉ nhận được 6,2 cuộc gọi xe mỗi ngày, giảm hẳn so với 2016 và những năm trước đó.

“Việc cạnh tranh bằng giá thấp phi lý, liên tục dùng nguồn tài lực để khuyến mãi cho khách hàng, tài trợ cho chủ xe, lái xe nhằm xâm chiếm thị phần của các Công ty nước ngoài đã gây tác động lớn đến thị phần của công ty”, phía Vinasun đánh giá.

Trên thực tế, cả Vinasun và Mai Linh đều đang tìm cách giải quyết bài toán hóc búa trước mắt, nhưng cả 2 đang tỏ ra chậm chạp trước đối thủ cạnh tranh là Grab. Hiện tại, cả trên thị trường taxi lẫn xe ôm, Grab đều là đơn vị thống trị, với quy mô khoảng 130.000 xe.

Ứng dụng gọi xe Việt có tiếng, nhưng không có miếng

Sự xuống dốc của một loạt những đơn vị vận tải hành khách truyền thống, cộng thêm việc Uber mới đây rút chân khỏi thị trường Việt Nam đã để lộ ra "khoảng trống" dành cho các ứng dụng gọi xe trong nước. Chỉ trong ít tháng, một loạt ứng dụng gọi xe Việt đã được ra mắt như: VATO, Aber, hay FastGo...

VATO trước đây là ứng dụng gọi xe Vivu, được doanh nghiệp vận tải xe khách Phương Trang mua lại và đổi tên. Số tiền mà Phương Trang tuyên bố rót vào VATO là hơn 2.200 tỷ đồng.

Trong khi Aber là một ứng dụng gọi xe của nhóm kỹ sư người Việt ở Châu Âu. Các dịch vụ mà Aber cung cấp là xe hai bánh chở khách, xe hai bánh giao hàng, ô tô, xe cho thuê, xe tải chở hàng và xe khách đường dài...

Còn FastGo ứng dụng gọi xe trực thuộc tập đoàn NextTech. Phía FastGo tuyên bố không thu phí chiết khấu đối với tài xế lái xe theo tỷ lệ %, mà chỉ thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng/ngày.

Được kì vọng là vậy, nhưng tới nay, cả VATO, Aber, hay FastGo đều chưa thể khiến khách hàng của mình thực sự hài lòng.

VATO từng nhận nhiều phàn nàn khi ứng dụng không hiện vị trí mình đứng hay vị trí của khách. FastGo mới ra mắt, nhưng liên tiếp gặp trục trặc về kĩ thuật. Còn ABER mới chỉ xuất hiện ở TP. HCM và chưa thể hiện được sự ưu việt.

Không phủ nhận, các ứng dụng gọi xe trong nước dù có tuổi đời non trẻ, nhưng đều đang ngày một nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ, cũng như công nghệ, kĩ thuật. Tuy nhiên, chỉ nỗ lực thôi vẫn chưa đủ để bắt kịp đối thủ sừng sỏ như Grab.

Chưa rõ, cuộc chiến tới đây trên thị trường gọi xe sẽ có diễn biến ra sao. Nhưng chắc chắn các ứng dụng gọi xe Việt nếu không tận dụng triệt để được tính bản địa, cũng như lợi thế sân nhà, thì khả năng cạnh tranh với các ứng dụng ngoại, cụ thể là Grab sẽ ngày một hẹp lại.

Không loại trừ khả năng, trong một tương lai không xa, rất có thể thị trường gọi xe Việt Nam sẽ chỉ là sự phân chia của các cá mập ngoại lắm tiền, nhiều của.

Việt Hưng - TheLeader

Bài gốc