KHCN tuần qua: Người Việt tạo ra "smart" silicon và ứng dụng báo thức trên App Store

Ứng dụng báo thức độc đáo đầu tiên của người Việt chính thức ra mắt trên Appstore và nhận được nhiều đánh giá ‘5 sao’ là một trong 10 sự kiện KHCN tiêu biểu tuần qua.

 
 

1. Việt Nam lần đầu tạo ra silicon thông minh

TS Nguyễn Thị Lệ Thu, Khoa Công nghệ Vật liệu (Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM) đang nghiên cứu chế tạo ra một loại vật liệu polyme trên cơ sở silicon.

Vật liệu có thể tự tái sinh dựa trên cơ chế liên kết hóa học, khi đứt gãy sẽ tái hợp lại được. Hiện tác giả đã hoàn thành các nghiên cứu cơ bản, tạo ra được mẫu mô hình nhỏ trong phòng thí nghiệm.

Ngoài ứng dụng trong y sinh cấy ghép và màng phủ trên xe hơi hoặc điện thoại di động, vật liệu này còn thay thế cho lớp sơn thông thường, xe hơi bị trầy xước cũng sẽ tự lành khi đi ra ngoài trời nắng nóng.

Hiện tiến sĩ Thu vẫn tìm kiếm, lựa chọn quy trình sao cho làm ra vật liệu không quá đắt tiền và chọn hướng ứng dụng hiệu quả để tập trung nghiên cứu.

2. Ứng dụng báo thức đầu tiên của người Việt có mặt trên App Store

Chỉ sau 2 ngày ra mắt, ứng dụng báo thức độc đáo có tên Alarmeow của Nguyễn Trần Tùng và các cộng sự đã đứng vị trí 161 toàn cầu hạng mục Lifestyle của App Store với nhiều đánh giá 5 sao.

Để “ngăn ngừa” ngủ nướng hiệu quả, Alarmeow chỉ cho phép người dùng tắt tiếng chuông báo thức khi đã vượt qua một trò chơi nhỏ như đưa ra như giải toán, tìm đường ra khỏi mê cung, ghi nhớ số nhanh, vòng quay may mắn, lật hình trùng khớp,…

Trò chơi không quá khó nhưng cũng đủ làm người dùng tỉnh táo vì phải vận động trí não. Sau khi đã vượt qua được thử thách, báo thức sẽ dành tặng một câu nói hay để khởi động ngày mới. Ngoài ra, ứng dụng cũng có kèm tính năng gửi thông báo dễ thương để nhắc nhở người dùng đi ngủ vào lúc 22-24 giờ mỗi ngày.

3. Kính thực tế ảo khám phá vũ trụ

Dự án mới chỉ cần đeo kính thực tế ảo là người dùng có thể đắm chìm trong không gian vũ trụ mênh mông của dải ngân hà. Đó là một dự án mới của trường Đại học Lund, Thụy Điển.

Để thực hiện được hình ảnh thực tế ảo siêu thực này, các nhà khoa học đã phải thu thập dữ liệu từ hơn 1 tỷ ngôi sao. Dự án này nhằm giúp những người yêu thiên văn học có thể khám phá các dữ liệu phức tạp hơn từ không gian.

Trong tương lai, kính thực tế ảo được kì vọng có thể giúp các nhà khoa học có thể làm việc chung với nhau kể cả khi sống tại các châu lục khác nhau

4. Băng gạc siêu thấm của quân đội Mỹ

Quân đội Mỹ đang phát triển một loại băng gạc siêu thấm hơn hẳn loại thông thường, giúp cứu nhiều tính mạng binh lính. Loại băng gạc mới từ cao su và polystyrene có thể hấp thu lượng chất lỏng gấp 8 lần trọng lượng. Chất axit acrylic mang lại tính siêu thấm cho phép rút nước khỏi máu để vết thương nhanh cầm máu hơn.

Khi đặt vào vết thương, tấm gạc sẽ phồng lên biến thành lớp hydrogel bền gấp ba lần băng gạc thông thường quanh vết thương.

5. Phát hiện gen C6 hỗ trợ điều trị ung thư

Các nhà khoa học thuộc Viện khoa học quốc gia Australia (CSIRO) vừa phát hiện một gen mới tên gọi C6orf106 hay C6. Gen này kiểm soát việc sản sinh các protein liên quan đến các bệnh nhiễm trùng, ung thư và tiểu đường.

Cụ thể, gen C6 có khả năng ngừng sản sinh một số sytokine - protein củng cố miễn dịch để ngăn phản ứng miễn dịch của chúng ta vượt ra ngoài vòng kiểm soát. Hiện, loại gen này đang được nghiên cứu sâu hơn để có hướng điều trị hiệu quả ung thư, tiểu đường…

6. Loại chuối có nguy cơ bị tuyệt chủng

Chuối tiêu vốn dễ bị sâu bệnh, đặc biệt là bệnh héo rũ Panama. Giống chuối dại Madagascar được xem là cứu tinh và có nhiều đặc điểm giúp chuối tiêu có sức đề kháng tốt hơn.

Tuy nhiên, giống chuối này đang có nguy cơ tuyệt chủng do chỉ còn 5 cây trưởng thành trong tự nhiên. Các nhà khoa học hi vọng, việc chuối Madagascar được liệt vào Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế sẽ giúp thu hút sự chú ý đối với tình trạng nguy cấp của loài chuối này.

7. Chế tạo thành công robot đổ bộ siêu nhỏ

Các nhà nghiên cứu tại Harvard đã nâng cấp Microbot Ambulatory Harvard (HAMR) thành loài robot có thể bơi lội và di chuyển dưới nước và cả trên mặt đất.

Nhờ bàn chân đa chức năng với các tấm đệm sử dụng công nghệ electrowetting để làm giảm sức căng bề mặt trong môi trường nước thông qua dòng điện, HAMR có thể di chuyển trên bề mặt nước dễ dàng. Với bốn cặp cánh bất đối xứng đóng vai trò như mái chèo, HAMR có thể tự do bơi lội dưới nước dễ dàng.

Cân nặng vỏn vẹn 1,65 gram giúp robot này di chuyển linh hoạt hơn. Ngoài ra, HAMR còn mang vác được một đồ vật khác với tải trọng tối đa 1,44gram. HAMR đang được cải tiến để di chuyển từ nước lên bờ không cần bề mặt dốc.

8. Pin sạc nhanh cho xe điện trong thời tiết giá lạnh

Đây là phát minh mới từ các kỹ sư tại Đại học bang Pennsylvania, Mỹ. Mẫu pin này có thể tự làm nóng để tránh bị tác động từ thời tiết lạnh, đặc biệt hỗ trợ sạc nhanh 15 phút ở bất kể mọi mức nhiệt độ khác nhau, thậm chí ngay cả khi ngoài trời đang -43 độ C.

Các nhà khoa học đã đặt một lá niken mỏng với một đầu trên cực âm và đầu kia gắn vào cực thứ ba để giúp tăng gia nhiệt cho loại pin này. Với dung lượng hiện tại, pin này đủ để cung cấp quãng đường di chuyển lên tới 450 ngàn km.

9. Túi khí chống vỡ màn hình điện thoại

1531021261-001a.jpg

Sinh viên Philip Frenzel người Đức vừa chế tạo thành công ốp lưng điện thoại có cơ chế "chủ động giảm sốc" với cảm biến tích hợp và 8 lò xo hình dạng móc.

Cảm biến tự động phát hiện ra tình trạng rơi tự do của điện thoại, sau đó kích hoạt lò xo bung ra nhằm bảo vệ điện thoại khỏi va chạm trực tiếp với mặt đất. Ốp lưng kì diệu này hoạt động hoàn hảo trên bề mặt bằng phẳng.

10. Ô nhiễm ánh sáng làm giảm số lượng côn trùng

Nghiên cứu mới tại Đức cho thấy ánh sáng nhân tạo đã làm xáo trộn sự cân bằng của hệ sinh thái. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng các khu vực có sự suy giảm mạnh số lượng côn trùng có cánh cũng có mức độ ô nhiễm ánh sáng cao.

Ánh sáng nhân tạo vào ban đêm làm rối loạn hành vi săn mồi và ẩn nấp tự nhên - và có tác động tiêu cực đến cơ hội sống sót của côn trùng. Ngoài ra, ánh sáng nhân tạo ngăn chặn côn trùng bay xa; gây ra thiếu hụt sự trao đổi di truyền trong các quần thể côn trùng.

Bảo Uyên - Quang Niên (Báo Khám phá)

Bài gốc