8 điều phản trực giác của các chủ tập đoàn khi nuôi Startup
Bài viết chia sẻ của ông Đặng Việt Hùng - Chủ tịch HĐQT Bioscope Việt Nam nhân đọc tin một tập đoàn sắp đầu tư làm startup.
Ở giai đoạn trước khi đạt được điểm hoà hợp thị trường (không tính giai đoạn sau vì lúc đó đã giống như doanh nghiệp thông thường), các startup có nhiều điểm khác biệt khiến các ông chủ tập đoàn khó chấp nhận. Sau đây là 8 điều phản trực giác của các chủ tập đoàn khi nuôi Startup:
1. Founder không phải là kiểu cấp dưới tốt. Founder tư duy độc lập, khác biệt, không chấp nhận mệnh lệnh phi thị trường, tạo ảnh hưởng riêng đến nhóm của mình, tự chọn team và xây dựng vương quốc riêng, chỉ làm tốt nếu được chia phần lớn hơn. Cấp dưới mà làm kiểu như vậy sẽ bị đuổi việc ngay.
2. Kinh nghiệm không phải là lợi thế quá lớn trong startup. Một founder có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành nhưng quá chuẩn chỉ nhiều khả năng sẽ không bằng một founder đã từng thất bại và hiểu rõ cách vận hành startup. Lý do là trong nhiều trường hợp kinh nghiệm khiến cho người ta suy nghĩ theo lối mòn và neo vào những nỗi sợ cố hữu.
3. Chấp nhận văn hoá khác biệt. Ở giai đoạn đầu, startup cần những tư duy khác thường, người truyền giáo, khả năng xoay sở... nói chung là tập hợp những người dị không hành xử theo cách thông thường.
4. Khác với các vấn đề kinh doanh truyền thống, đa số các vấn đề của startup không giải quyết được bằng tiền. Ví dụ, không có tiền nào có thể mua được tăng trưởng người dùng hữu cơ nếu không có sản phẩm tốt hoặc founder lên cơn dở hơi đòi bỏ thì rất khó dùng tiền để lấp chỗ trống.
5. Doanh thu và lợi nhuận không quá quan trọng. Ở giai đoạn đầu startup nhắm vào thì trường rất hẹp và không mở rộng cho đến khi trở thành độc quyền trong phân khúc đó nên ở giai đoạn này startup không nhắm đến kiếm doanh thu lợi nhuận mà tìm cách thu phục tâm trí người dùng một cách liên tục và tốt dần lên.
6. Nhiều "kỹ thuật" phát triển quan trọng với SMe không áp dụng được cho startup giai đoạn đầu. Các cách phát triển kinh doanh không có khả năng lặp lại, nhân rộng, hay chưa đúng lúc sẽ không phù hợp với startup, ví dụ như dựa trên quan hệ, lobby...thậm chí kể cả làm thương hiệu.
7. Nghe lời CFO và CIO có chọn lọc nếu những người này không hiểu cách làm startup. Vì các chỉ số tài chính đầu tư kiểu PE không phản ánh giá trị của startup ở giai đoạn đầu.
8. Chấp nhận những lý do đóng dự án chẳng giống ai dù vẫn còn team và tiền. Nhưng cần giữ lại nguồn gen cho startup. Vì đó mới là nguồn lực hiếm. Làm thế nào để giữ lại một nhóm thất bại trong một tổ chức coi thành công là lẽ sống?
Bluewhale