Nhật ký innovation: Định cư ở Việt Nam


Cứ mỗi lần nghe đến cụm từ “xuất khẩu lao động”, Bung lại nhớ cái cảm giác rất mâu thuẫn xuất hiện trong đầu mình khi đứng trước khu vực “ưu tiên cao” ở sân bay quốc tế Manila của Philippines dành cho những người đi xuất khẩu lao động.

IMG_20190920_113101.jpg

Ở Phi, đó là một nguồn thu lớn, rất lớn của quốc gia. Chính phủ làm hẳn một giải thưởng để tôn vinh những người đi làm việc ở nước ngoài có lượng tiền gửi về cho gia đình nhiều nhất trong năm. Và cái khu vực ưu tiên trong sân bay, vốn dĩ là thứ xa xỉ dành cho khách thương gia, VIP này nọ, được dành cho họ như một cách xoa dịu những nhọc nhằn của người tha hương cầu thực.

Và cách làm của chính phủ nước này, là rất xem trọng công tác đào tạo, hỗ trợ các đơn vị tuyển dụng, làm hồ sơ, còn đi hẳn nhiều nơi để giới thiệu “sản phẩm lao động chất lượng cao” của mình. Đến giờ, y tá, điều dưỡng, nhân viên phục vụ, ca sĩ… ở nhiều quốc gia là nghề độc quyền của người Philippines. Và Bung thấy hay, khi chính phủ biết chăm lo cho con dân phải đi làm xa.

Nhưng ngược lại, tự dưng thấy có chút xót xa. Một quốc gia mà nguồn thu ngân sách có tính toán cẩn thận lượng kiều hối gửi về, mà chủ yếu là lao động phổ thông, thì không thể nói là phát triển bền vững được. Nhưng dù sao, đi xa làm việc, cũng sẽ tốt hơn ở quanh cái xứ đang ô nhiễm tới mức không khí đặc quánh lại, tưởng chừng lấy tay sờ vào được…

Có mấy lần, Bung dại dột tham gia tranh luận trong các diễn đàn về chuyện “du học sinh nên về hay nên ở”. 20 năm trước cãi một lần, 10 năm trước cãi một lần, 5 năm trước cũng có cãi một lần nữa. Lần nào cũng bị ném đá tơi bời vì cái phát ngôn “tôi không muốn làm công dân hạng nhì ở bất cứ quốc gia nào”. Đúng là, có những thứ mình nghĩ, chỉ cho mình thôi, nói ra, đụng tùm lum.

Hôm nọ ở Mỹ, ngồi với mấy anh em, toàn tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ và chuyên gia loại xịn, tốt nghiệp ở các trưởng rất xịn, thấy toàn bàn chuyện chuẩn bị về Việt Nam làm việc, và định cư hẳn. Nhớ cách đây hơn một năm, chính phủ rủ rê hơn 100 các chuyên gia kiều bào trên toàn thế giới về, hình thành một mạng lưới gọi là Vietnam Innovation Network. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói, việc của chính phủ là làm sao để những chuyên gia Việt kiều này, như những con cá hồi, bơi từ biển lớn về dòng sông quê mình, sinh con đẻ cái, mà không bị chết đi như… cá hồi.

Đây là Eric Yeo, tổng giám đốc Amazon Web Services tại Việt Nam. Eric suốt ngày than vãn về việc không thể tuyển đủ nhân sự cho công ty đang có tốc độ phát triển quá cao của mình. Và các khách hàng, đối tác của ông cũng vậy, thiếu người trầm trọng, kêu ca là lo đào tạo giùm chuyên gia về điện toán đám mây đi. Eric bảo, cuối cùng phải đi tuyển mấy nhân sự là người Việt ở Mỹ về làm việc mới kịp.

Eric là một trong những người làm việc siêng năng chăm chỉ mà lại hiệu quả nhất mà Bung từng biết. Eric từ chối nhiều cơ hội tốt ở Úc và Singapore để về Việt Nam sống 8 năm nay, đơn giản là vì bố mẹ vợ anh. Ông bà người Vĩnh Long, quen lối sống có vườn tược và chòm xóm, đi xa tý là thấy nhớ, sống ở chung cư là thấy ngột ngạt. Anh hiểu rằng, "happy wife - happy life" - bà vợ mà hạnh phúc thì đời mình mới được hạnh phúc. Và Eric nói rằng, mình đã là một nửa người Việt, và sẽ định cư lâu dài tại Việt Nam. Eric còn muốn xây dựng một dấu ấn cuộc đời mình bằng việc tham gia đào tạo ra 100.000 kỹ sư công nghệ điện toán đám mây của Việt Nam theo chuẩn toàn cầu. Để chuyên gia Việt Nam có thể đi làm việc ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới trong cái ngành đang thiếu nhân sự trầm trọng này.

Lại nghĩ tới bao nhiêu bạn bè người nước ngoài của mình, những người đã chọn định cư ở Việt Nam. Họ tìm thấy cuộc sống, niềm vui và cơ hội của mình trên mảnh đất hình chữ S này. Đâu hẳn là người nước ngoài ở xứ mình toàn làm sếp, Bung biết nhiều bạn làm nha sĩ, làm quán ăn nhỏ, làm nghệ sĩ thêu đan, làm mấy thứ đồ mộc đơn giản lắm… Quan trọng là họ nhìn thấy cơ hội ở nước mình, và không bị chán chường vì những điều chưa tốt.

Bung nhớ Eric kể, có một nghiên cứu khoa học rất thú vị về loài cá hung dữ Barracuda – tiếng Việt gọi là cá Nhồng. Người ta bỏ một bầy cá Barracuda vào một cái hồ kính, cho chúng bơi lội thoả thích, rồi thả một mớ cá nhỏ vào. Bầy hung tợn lập tức xông đến tấn công, nhưng các nhà khoa học đã kịp dựng lên một tấm kính ngăn cách. Barracuda vẫn điên cuồng lao đầu vào tấm kính, nhưng bất thành. Sau dần, cả bầy bỏ cuộc. Người ta gỡ bỏ tấm kính ra, nhưng chẳng còn con Barracuda nào quan tâm đến chuyện bơi qua bên kia hồ để ăn thịt đàn cá nhỏ nữa. Não của chúng đã bị khoá lại, và tin rằng chuyện đó là không thể.

Cho đến khi các nhà khoa học lại bỏ một con Barracuda mới, một con cá chưa-bị-khoá-não vào, nó lập tức xông đến bầy cá con. Và những con Barracuda còn lại sực tỉnh, vội vã bơi theo, nhưng trâu chậm thì đành uống nước đục.

Bung thì định cư ở loanh quanh nhiều nơi của Việt Nam. Ở núi có, ở biển có, ở phố cũng có mà ở quê cũng có. Bung không phải là loài Barracuda hung dữ, nhưng Bung tin rằng, cơ hội vẫn còn nhiều vô cùng cho bản thân mình, đồng đội mình và công ty mình.

Bung hứa sẽ không là con-cá-bị-khoá-não để chỉ toàn nhìn thấy việc chưa tốt, mà quên mất là mình vẫn có thể làm cho cuộc sống quanh mình tốt lên, để việc định cư ở Việt Nam không phải là một lựa chọn nữa, mà là một chuyện hiển nhiên.

Bung Trần


Xem thêm