Startup Kobitcon gọi vốn thành công 5,2 triệu đô la Mỹ
Startup công nghệ Kobitcon mới đây đã gọi vốn thành công 5,2 triệu đô từ Quỹ đầu tư BIP Capital, nâng tổng số vốn đầu tư vào doanh nghiệp này lên tới hơn 8 triệu đô la tính đến thời điểm hiện tại.
Kobitcon do 5 kỹ sư Upstar Labs – một nhánh của vườn ươm khởi nghiệp của Công ty KMS Technology cho ra đời năm 2016. Kobitcon là giải pháp điện toán đám mây cho phép doanh nghiệp quản lý, truy cập và kiểm thử ứng dụng di động từ xa qua các thiết bị của chính họ hoặc hàng trăm thiết bị do Kobiton cung cấp. Với giao diện thân thiện, dễ sử dụng cùng với hàng loạt các tính năng hỗ trợ cho việc quản lý thiết bị, kiểm thử và kiểm thử tự động, Kobiton giúp khách hàng tối ưu chi phí phát triển phần mềm và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.
Trước đó, tại vòng gọi vốn Seeding, startup này cũng nhận được 3 triệu đô la Mỹ từ quỹ Kinetic Ventures. Với số vốn đầu tư này, startup dự định sẽ tập trung vào hoạt động kinh doanh tiếp thị, hỗ trợ khách hàng và phát triển ứng dụng nhằm nâng tầm sản phẩm công nghệ Việt tới thị trường ứng dụng di động tại Hoa Kỳ.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của Kobitcon, ông Dan Drechsel – Phó Giám đốc cấp cao của BIP Capital cho biết: “Các doanh nghiệp luôn gặp thách thức khi triển khai tự động hóa việc kiểm thử ở quy mô lớn do hạn chế về mặt thiết bị hay vướng mắc với quy trình phức tạp. Tuy nhiên, Kobiton đang thực sự thay đổi tình hình này với kinh nghiệm sâu rộng về kiểm thử trên thiết bị thật, kết hợp cùng với nghệ kiểm thử tự động không cần kịch bản dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo.”
Hiện tại, Kobiton có trụ sở chính tại Atlanta (Mỹ) với đội ngũ hơn 40 nhân viên, trong đó có hơn 30 kỹ sư người Việt Nam. Hiện có hơn 500 doanh nghiệp và 35.000 kỹ sư kiểm thử/kỹ sư phần mềm đang sử dụng nền tảng của Kobiton, bao gồm những doanh nghiệp lớn như Capgemini, Frontier Airlines, và GreenSky.
Kobiton cũng liên tục bổ sung các tính năng mới, điển hình như ‘Record & Playback’ – cho phép tạo sẵn kịch bản kiểm thử bằng cách tương tác với một ứng dụng và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát lại tập lệnh đó trên hàng trăm thiết bị khác nhau nhằm phát hiện lỗi hoặc sự cố bất thường có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm người dùng. Tính năng này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể nhanh chóng áp dụng kiểm thử tự động ở quy mô lớn hiệu quả hơn.
Oanh Phạm